Lính hải quân Trung Quốc, hình minh họa. |
Washington Times ngày 26/3 dẫn lời Darshana M Baruah, thành viên quỹ Nghiên cứu Observer từ New Delhi, Ấn Độ phân tích, các hành vi khiêu khích của Bắc Kinh gần đây là 1 phần của chiến lược lớn hơn trên Biển Đông bằng cách sử dụng lực lượng vừa đủ để bắt nạt các nước nhỏ hơn mà không đến mức buộc các quốc gia này phải tìm kiếm hành động trả đũa.
Sự việc Trung Quốc đang siết chặt vòng vây Philippines ngoài bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, cả Trung Quốc, Philippines và Đài Loan đều yêu sách chủ quyền, trong đó Philippines có 1 tiểu đội quân đồn trú tại khu vực này) được học giả Robert Haddick gọi là cắt lát xúc xích, trên thực tế đang được Bắc Kinh đẩy mạnh sự tích tụ các hành động nhỏ lẻ để theo thời gian dẫn đến những thay đổi chiến lược quan trọng.
Trung Quốc đang dần chiếm quyền kiểm soát các rặng san hô nhỏ và các đảo trên Biển Đông, khu vực Trường Sa, tăng sự hiện diện và củng cố yêu sách chủ quyền (phi lý, bất hợp pháp) của họ. Hôm qua 26/3 Bắc Kinh tiếp tục lên tiếng từ chối tham gia phiên tòa Philippines khởi kiện đường lưỡi bò vi phạm UNCLOS.
Cho đến khi xảy ra 1 cuộc xung đột quân sự trên thực tế giữa Trung Quốc với một trong những đồng minh quân sự của Washington (Philippines), không ai có thể ngăn chặn sự tích tụ từ từ của Bắc Kinh trên các rặng san hô, các đảo ở Biển Đông. Trên thực tế, Trung Quốc đã bắt đầu hành xử kiểu nước lớn, Darshana M Baruah bình luận.
Gia tăng hoạt động tích tụ quân sự và cắt lát xúc xích ở Biển Đông đặt ra yêu cầu bức thiết đối với ASEAN cần thể hiện sự đoàn kết mạnh mẽ với các quốc gia thành viên có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Không có gì chắc chắn với khả năng tranh chấp Biển Đông sẽ được giải quyết trong tương lai gần, tất cả các bên cần thúc đẩy mạnh mẽ việc ban hành một bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) để tránh xung đột.