Reuters hôm 29/3 dẫn lời các nhà ngoại giao tại Liên Hợp Quốc đưa tin cho rằng Nga đã đe dọa các quốc gia Đông Âu và Trung Á về sự trả đũa nếu bỏ phiếu ủng hộ một nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vừa được thông qua trong vấn đề Ukraine và Crimea.
Các đại biểu xem kết quả bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của LHQ về Ukraine hôm thứ Năm. |
Theo Reuters, các nhà ngoại giao giấu tên tại LHQ đã nói với tờ báo này rằng mục tiêu đe dọa của Nga gồm có Moldova, Kyrgyzstan và Tajikistan cũng như một số nước châu Phi.
Các nguồn tin nói rằng các mối đe dọa của Nga không cụ thể, nhưng một số cho biết họ đã nhận được cảnh báo có thể bị trục xuất lao động nhập cư, chặn nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hoặc cấm nhập khẩu một số mặt hàng nhất định nếu ủng hộ nghị quyết.
Nghị quyết cuối cùng đã được thông qua với 100 phiếu thuận, 11 phiếu chống, 58 phiếu trắng và có 24 quốc gia không tham gia phiên bỏ phiếu. Nghị quyết được phương Tây xem là sự thành công ngoại giao đối với Ukraine, trong đó nó khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và không công nhận kết quả bỏ phiếu trưng cầu dân ý ly khai của Crimea.
Phản ứng trước tiết lộ trên, phát ngôn viên của Đại sứ Nga tại LHQ đã phủ nhận thông tin trên và cho biết Moscow "không bao giờ đe dọa bất cứ ai" và nói thêm rằng "chúng tôi chỉ giải thích tình hình".
Mặc dù Nghị quyết không có hiệu lực pháp lý, nhưng Mỹ và châu Âu cho biết nó đã đánh dấu sự cô lập Nga trong vấn đề bán đảo Crimea.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine Andrii Deshchytsia (phải) nói chuyện với Đại sứ Ukraine tạ Liên Hợp Quốc Yuriy Sergeyev trước phiên kiểm phiếu. |
Đại biểu của Kyrgyzstan và Tajikistan đã từ chối bình luận về thông tin trên. Đại sứ Moldova tại LHQ Vladimir Lupan cho biết nước này đã đối thoại một cách hòa bình và cởi mở với cả Nga và EU trước cuộc bỏ phiếu, đồng thời nhấn mạnh rằng ông không thấy có dấu hiệu đe dọa trực tiếp hoặc gián tiếp từ Nga hoặc phương Tây.
Một số nhà ngoại giao nói với Reuters rằng Moldova là một trong những nước chịu áp lực từ Moscow trước cuộc bầu cử. Nhưng cuối cùng, đoàn Moldova bất chấp điều đó đã cùng Ukraine, Hoa Kỳ, EU và các nước phương Tây khác bỏ phiếu thuận.
Moldova được cho là đang ở trong tình cảnh hiểm nghèo khi mà phương Tây cảnh báo nước này rằng nhiều người nói tiếng Nga tại vùng Transdniestria đang đe dọa ky khai khu vực này. NATO tin rằng Transdniestria có thể là mục tiêu sáp nhập thứ hai của Nga, sau Crimea.
Một số nhà ngoại giao châu Phi cũng đã từ chối bình luận về thông tin trên. Phó đại sứ tại Liên Hợp Quốc của Rwanda, Olivier Nduhungirehe kịch liệt phủ nhận rằng Kigali bị đe dọa. Đại sứ Youssoufou Bamba của Bờ Biển Ngà cũng phủ nhận bị áp lực từ Moscow.
Giống như nhiều quốc gia châu Phi, Rwanda bỏ phiếu trắng, trong khi Bờ Biển Ngà đã không tham gia cuộc bỏ phiếu.
Nga không phải là nước duy nhất bị buộc tội sử dụng chiến thuật mạnh tay tại Liên Hiệp Quốc. Trước các quyết định quan trọng của Hội đồng Bảo an LHQ, các nhà ngoại giao nói rằng các cường quốc lớn thường cố gắng "mua" phiếu bầu từ 10 nước thành viên không thường trực với sự kết hợp của cà rốt và cây gậy.
Mỹ đã từng cắt hàng triệu đô la viện trợ cho Yemen sau khi quốc gia này bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Đại hội đồng cho phép sử dụng vũ lực chống lại Iraq vào năm 1991 để trục xuất quân đội nước này khỏi Kuwait./.
Nguyễn Hường