Dư luận trong nước những ngày qua dành sự quan tâm đặc biệt đến những thông tin liên quan đến việc tiếp viên, phi công của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) bị cảnh sát Tokyo (Nhật Bản) triệu tập để điều tra do nghi ngờ những người này tham gia buôn lậu hàng hóa ăn cắp từ Nhật Bản đưa về Việt Nam tiêu thụ.
Sự quan tâm theo dõi của dư luận về vụ việc không chỉ đơn thuần vì Vietnam Airlines một thương hiệu quốc gia, đại diện ngành hàng không của Việt Nam hơn hết đó còn là hình ảnh của Việt Nam ra thế giới.
Tấm biển cảnh cáo trộm ghi bằng tiếng việt trên đất nước Nhật |
Liên quan đến vụ việc, hàng loạt độc giả phản hồi chia sẻ đến báo điện tử Giáo Dục Việt Nam với hai luồng ý kiến chính. Thứ nhất là phẫn nộ khi cho rằng việc làm của tiếp viên, phi công Vietnam Airlines làm xấu đi hình ảnh của ngành hàng không Việt Nam nói riêng và hình ảnh đất nước con người Việt Nam nói chung.
Độc giả BaoCong chia sẻ: “Cả thế giới ngước nhìn biểu tượng bông sen của Vietnam Airlines thì nghĩ ngay hành động xấu xa, mất hết thể diện quốc thể!”. Tương tự độc giả có tên Quang nhận xét: “Ông cha ta có câu “đói cho sạch, rách cho thơm”, mình nghèo nhưng không phải vì nghèo mà làm bậy, để cho cả đất nước phải xấu hổ”.
Đi sâu phân tích, nhiều độc giả bày tỏ quan điểm cho rằng tiếp viên hàng không, phi công là đối tượng có thu nhập cao, vậy tại sao lại phải đi buôn lậu, lại buôn lậu hàng ăn trộm. “Tôi được biết trên trang Cabincrew, một trang thông tin về việc tuyển dụng tiếp viên hàng không, qua đó tôi thấy lương của tiếp viên hàng không khá cao khoảng trên 10.000 USD/năm tức khoảng hơn 20 triệu đồng/tháng. Thu nhập như thế là mức cao tại sao lại phải buôn lậu ăn cắp”, độc giả NguyenLoan đưa ra quan điểm.
Từ đó độc giả NguyenLoan cho rằng: “Bản chất vấn đề là lòng tham của những tiếp viên này, họ muốn giàu lên nhanh chóng mà không muốn lao động chính đáng”.
Cùng chung quan điểm trên, độc giả MinhHong nhận xét: “Vietnam Airlines là thương hiệu quốc gia, vì thế nếu chỉ vì tham chút tiền bất chính mà chấp nhận buôn lậu hàng hóa ăn cắp dẫn đến ảnh hưởng ngành hàng không của Việt Nam cũng như hình ảnh đất nước Việt Nam trước hết là vi phạm pháp luật sau là có lỗi với tổ quốc...".
Bên cạnh ý kiến phẫn nộ phê phán, một góc nhìn khách quan hơn cũng được độc giả đưa ra. Độc giả HongMinh cho rằng, sở dĩ xảy ra tình trạng tiếp viên, phi công bị tạm giữ tại Nhật vì nghi án buôn lậu hàng ăn trộm có phần trách nhiệm lớn của cơ quan quản lý, đó là Vietnam Airlines.
“Qua theo dõi trên quý báo (Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam – PV) tôi thấy từ năm 2002 đến nay rất nhiều vụ việc tiếp viên, phi công tham gia buôn lậu được nêu ra. Sự việc lặp đi lặp lại chứng tỏ kỷ luật lao động của Vietnam Airlines lỏng lẻo”, độc giả HongMinh viết.
Cùng chung quan điểm, độc giả PhuongNam chia sẻ: “Chuyện tiếp viên, phi công Vietnam Airline buôn lậu được nói đến nhiều tuy nhiên theo tôi lâu nay Vietnam Airline cho rằng chuyện của mình không nói ra không ai biết. Trước đến nay, Vietnam Airline có xử lý nhân viên cấp dưới sau những vi phạm như buôn lậu, uống rượu… nhưng vẫn theo cách “đóng cửa bảo nhau”. Do vậy nguồn gốc sâu xa, lỗi chính là thuộc Vietnam Airlines”.
Lấy lý lẽ tài dụng binh, điều binh trong binh pháp cổ... độc giả Hoài Nam chia sẻ: “Trong phép dụng binh nếu tướng không biết quản quân dẫn đến quân đi khỏi doanh trại, ra ngoài cướp bóc, hãm hiếp… tướng sẽ bị chém đầu. Câu chuyện tiếp viên Vietnam Airlines buôn lậu hàng hóa ăn cắp xảy ra nhiều lần là lỗi của lãnh đạo Vietnam Airlines cần phải xử lý. Bộ Giao thông Vận tải và Bộ trưởng Đinh La Thăng có lẽ cần “trảm” tướng”.