Philippines nộp 4000 trang vạch tội đường lưỡi bò Trung Quốc

31/03/2014 06:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Philippines đã sửa đổi yêu sách bao gồm cả bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) hiện đang là tâm điểm tranh chấp với Trung Quốc
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario.

ABS CBN News ngày 30/3 đưa tin, bất chấp mọi nỗ lực ngăn cản của Trung Quốc thời gian vừa qua, Philippines cuối cùng đã nộp 4 ngàn trang tài liệu thuyết trình lên Hội đồng Trọng tài do Tòa án Quốc tế về Luật Biển chỉ định thụ lý vụ kiện đường lưỡi bò Trung Quốc vi phạm UNCLOS, xâm phạm quyền và lợi ích của các quốc gia ven Biển Đông, trong đó có Philippines.

"Với niềm tin vững chắc, mục đích cuối cùng của bản thuyết trình này chính là lợi ích quốc gia của chúng tôi. Đó là việc xác định những gì là quyền và lợi ích hợp pháp của Philippines. Đây là việc làm đảm bảo tương lai cho con em chúng ta, giữ gìn bảo vệ tự do hàng hải, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực", Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố trong cuộc họp báo hôm Chủ Nhật.

Khởi kiện đường lưỡi bò bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là một giải pháp căn bản, lâu dài và căn cứ trên luật pháp quốc tế, ông Rosario nhấn mạnh. Bản thuyết trình của Philippines gửi Hội đồng Trọng tài dài 4 ngàn trang chia thành 10 tập, trong đó có hơn 40 bản đồ.

Ngoại trưởng Philippines và Luật sư trưởng Francis Jardeleza trong buổi họp báo.
Ngoại trưởng Philippines và Luật sư trưởng Francis Jardeleza trong buổi họp báo.

Luật sư trưởng Francis Jardeleza, người được chính phủ Philippines ủy thác làm trưởng nhóm chuyên gia, luật sư tranh tụng vụ kiện này đã chắp bút soạn thảo bản thuyết trình cho biết, Philippines đã sửa đổi yêu sách bao gồm cả bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) hiện đang là tâm điểm tranh chấp với Trung Quốc trên thực địa.

Philippines cho rằng bãi Cỏ Mây mà họ gọi là bãi Ayungin nằm trong vùng kinh tế đặc quyền 200 hải lý của quốc gia này (chỉ bằng cách dóng thẳng từ bờ biển đảo Palawan ra 200 hải lý, nhưng Philippines đã bỏ qua 1 thực tế là bãi Cỏ Mây là 1 bộ phận, thực thể cấu thành quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cả về địa chất, địa mạo cũng như pháp lý).

Theo ông Rosario, bước tiếp theo là Trung Quốc có quyền/trách nhiệm nộp bản thuyết trình phản biện của họ, tuy nhiên hiện chưa chắc chắn Bắc Kinh có thực hiện điều này hay không. Theo trình tự, Hội đồng Trọng tài sẽ quyết định các bước tiếp theo và tư vấn cho các bên.

Chiều Thứ Bảy 29/3, tàu công vụ Philippines chở nhu yếu phẩm và đưa theo nhiều phóng viên quốc tế đã chọc thủng vòng vây tàu Trung Quốc ngoài bãi Cỏ Mây để tiếp cận nơi Philippines đóng quân đồn trú.
Chiều Thứ Bảy 29/3, tàu công vụ Philippines chở nhu yếu phẩm và đưa theo nhiều phóng viên quốc tế đã chọc thủng vòng vây tàu Trung Quốc ngoài bãi Cỏ Mây để tiếp cận nơi Philippines đóng quân đồn trú.

Điều 9 Phụ lục 7 của UNCLOS quy định rõ, nếu một trong các bên tranh chấp không xuất hiện trước Hội đồng Trọng tài hoặc không bảo vệ lý lẽ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu tòa án tiếp tục tiến trình tố tụng và đưa ra phán quyết. 

Sự vắng mặt của một bên hay từ bỏ của một bên để bảo vệ lý lẽ của mình không được coi là  tham gia tố tụng. Trước khi ra phán quyết, Hội đồng Trọng tài còn phải xác định rõ phán quyết không chỉ có hiệu lực đối với các tranh chấp mà còn có hiệu lực với yêu cầu bồi thường trên phương diện pháp luật và thực tế.

Jardeleza cho biết ông sẽ không suy đoán về khung thời gian đến khi Hội đồng Trọng tài ra quyết định, nhưng ông hy vọng một phán quyết thuận lợi và tốt nhất cho Philippines.

Hồng Thủy