Quá khứ huy hoàng, đến tương lai ảm đạm
Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng, tiền thân là Công ty Kiến trúc Việt Trì được Bộ Kiến trúc thành lập ngày 23/8/1958. Đến tháng 5/2010, Tổng công ty Sông Hồng chính thức "lột xác" từ một Tổng công ty 100% vốn nhà nước, trở thành Tổng công ty cổ phần với phần vốn nhà nước nắm giữ là 73,2%.
Trước thời điểm Tổng Sông Hồng chính thức được chuyển đổi hình thức hoạt động sang Công ty Cổ phần từ tháng 5/2010, đơn vị này đã nợ lũy kế 121,6 tỷ đồng.
Dự án Sông Hồng Park View. |
Sau khi cổ phần hóa, từ tháng 5/2010 đến nay, Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng có hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao: Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của toàn công ty năm 2011 chỉ đạt 2 tỷ đồng, năm 2012 chỉ đạt 5,1 tỷ đồng.
Giá trị cổ phiếu của đơn vị này cũng sụt giảm liên tiếp qua các năm. Năm 2009, khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, giá cổ phiếu của Sông Hồng là 22.290 đồng (cao hơn rất nhiều so với giá khởi điểm 14.000 đồng/cổ phiếu). Nhưng hiện tại chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/cổ phiếu, triển vọng “lên sàn” của doanh nghiệp này vẫn khá mờ mịt.
Không chỉ làm ăn bết bát, số nợ của các công ty con cũng khiến cho doanh nghiệp này phải nhiều lần lao đao. Mới đây nhất, sáng 26/8/2013, gần 100 công nhân xây dựng tòa nhà Sông Hồng Park view (165 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) đã tập trung yêu cầu công ty địa ốc Sông Hồng trả tiền cho công nhân.
Tuy chưa tập hợp được con số cụ thể, nhưng theo một số công nhân, số tiền công ty địa ốc Sông Hồng nợ họ đều từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Công ty Cổ phần địa ốc Sông Hồng (Sông Hồng Land) chính là chủ đầu tư dự án Sông Hồng Park view, đơn vị nhà thầu thực hiện việc xây dựng tòa nhà Sông Hồng Park view là Công ty Cổ phần Xây lắp địa ốc Sông Hồng – công ty con của Sông Hồng Land và hiện Sông Hồng Land đang sở hữu 60% vốn ở công ty này.
Cách đây không lâu, Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng tiếp tục bị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ân Trường Nguyên dọa kiện đòi hơn 400 triệu đồng tiền thi công công trình chợ Vinh (Nghệ An).
Theo đơn vị này, công trình chợ Vinh đã bàn giao, đưa vào sử dụng được hơn 40 tháng và đã hết thời gian bảo hành hơn 28 tháng. Thế nhưng, Tổng Công ty Sông Hồng vẫn chưa thanh toán hết số tiền nợ đọng.
Nhưng có lẽ bi hài nhất là vụ Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) phong tỏa 22,7 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần Xây dựng Đô thị Sông Hồng (thuộc Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng). Nguyên nhân phong tỏa là do công ty mẹ nợ ngân hàng này số tiền lớn nhưng đến hạn vẫn chưa trả.
Sự việc bắt đầu khi Công ty cổ phần Xây dựng đô thị Sông Hồng có thực hiện 1 gói thầu của dự án Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh mà Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng là nhà thầu chính. Tuy nhiên, khi được chủ đầu tư thanh toán khoản tiền hơn 22,7 tỷ đồng, SHB đã phong tỏa và không chuyển tiền vào tài khoản của Công ty cổ phần Xây dựng đô thị Sông Hồng.
"Mắn đẻ" nhưng "nuôi vụng"!
Trao đổi với báo chí, ông Đặng Tiên Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng cho rằng, do Sông Hồng đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư vốn góp tại một số Công ty cổ phần hoạt động bị thua lỗ trong nhiều năm như: Công ty CP Sông Hồng số 6; Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Sông Hồng; Công ty CP Sông Hồng số 36; Công ty CP Sông Hồng Đà Nẵng và Công ty CP Thép Sông Hồng.
Ngoài ra, Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng còn gặp khó khăn trong tài chính từ việc chuyển đổi khoản nợ phải thu khó đòi 102 tỷ đồng từ dự án Nhà máy Cán thép Việt Trì thành tiền góp vốn điều lệ vào Công ty Cổ phần Thép Sông Hồng càng làm mất cân đối tài chính cho Tổng công ty.
Việc xác định tăng giá trị vốn Nhà nước lên 104 tỷ đồng từ định giá lại các tài sản gồm: Trường trung cấp nghiệp vụ kỹ thuật Sông Hồng (là đơn vị không sinh lợi nhuận, hàng năm Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng vẫn phải hỗ trợ kinh phí hoạt động, chia cổ tức cho phần vốn được định giá của nhà trường), trụ sở Tổng công ty tại 70 An Dương, Tây Hồ, Hà Nội và giá trị thương hiệu của Sông Hồng càng làm cho tình hình tài chính của đơn vị này gặp khó khăn, thiếu nguồn tiền khi thanh toán đến hạn trả.
Từ năm 2010, Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng đã tập trung tài chính để tham gia thi công xây lắp các công trình có giá trị lớn nhưng đến nay vẫn chưa được chủ đầu tư thanh toán như: Công trình Nhà thi đấu đa năng thành phố Đà Nẵng – công trình đã hoàn thành bàn giao cho chủ đầu tư từ tháng 12/2010 nhưng chủ đầu từ còn nợ Tổng công ty khoảng 110 tỷ đồng; Công trình Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng…
Nhưng có lẽ một trong những nguyên nhân khiến Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng hoạt động bết bát là do đơn vị này đã nhà nghèo lại còn đông con. Sông Hồng có tới 37 đơn vị ( 01đơn vị sự nghiệp, 14 Công ty con , 14 Công ty liên kết và tham gia đầu tư tài chính vào 8 Công ty).
Năm 2011, Sông Hồng đã tìm đủ mọi cách xoay xở bằng việc cơ cấu lại vốn góp tại Công ty Đầu tư và xây dựng Minh Phương, Công ty cổ phần Công nghệ truyền thông Sông Hồng; thoái một phần vốn góp tại Công ty cổ phần Sông Hồng Miền Trung.
Đặc biệt, Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng xây dựng phương án thoái vốn tại Công ty cổ phần Thép Sông Hồng và chuyển Trường trung cấp kỹ thuật nghiệp vụ Sông Hồng về Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam hoặc Bộ Xây dựng quản lý.
Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng sở hữu 85% cổ phần, tương đương 102 tỷ đồng tại Thép Sông Hồng (vốn điều lệ 120 tỷ đồng); sở hữu tại Trường trung cấp kỹ thuật nghiệp vụ Sông Hồng là 67,35 tỷ đồng. Chỉ 2 đơn vị này đã chiếm 109,37/270 tỷ đồng vốn điều lệ của Tổng công. Tuy nhiên, thực tế việc thoái vốn này sẽ khó thực hiện vì năm 2011, Thép Sông Hồng lỗ 137,75 tỷ đồng, sản xuất chỉ đạt 65% công suất do không bán được hàng.
Nối dài danh sách đơn vị làm ăn thua lỗ của Tổng công ty còn có: Công ty Cổ phần Sông Hồng số 6, Công ty Cổ phần Sông Hồng số 36, Công ty Cổ phần Sông Hồng Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Sông Hồng, Công ty Cổ phần Thép Sông Hồng...
Bên cạnh đó, bức tranh tài chính của Tổng công ty không mấy sáng sủa, triển vọng lên sàn chứng khoán tập trung vẫn khá mờ mịt. Vậy nhưng, Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng lại đang trình Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 270 tỷ đồng lên 387,5 tỷ đồng.