Quốc hội Nga bỏ phiếu chấm dứt thỏa thuận về Hạm đội Biển Đen với Kiev

01/04/2014 08:47
Nguyễn Hường
(GDVN) - Hạ viện Nga hôm 31/3 đã nhất trí chấm dứt thỏa thuận Nga-Ukraine về Hạm đội Biển Đen và ngừng trả tiền thuê căn cứ này cho Kiev.
Hạ viện Nga hôm 31/3 đã bỏ phiếu đồng ý chấm dứt thỏa thuận Nga-Ukraine về Hạm đội Biển Đen và ngừng trả tiền thuê căn cứ này cho Kiev sau khi sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Liên bang.

Theo Russia Today, Duma Quốc gia Nga đã chấm dứt 4 thỏa thuận về tình trạng căn cứ Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol. Chúng bao gồm thỏa thuận năm 1997 giữa Moscow và Kiev, trong đó Nga tiếp nhận một phần Hạm đội Biển Đen cũ của Liên Xô và bắt đầu thuê căn cứ hải quân Sevastopol của Ukraine. Thỏa thuận năm 2002 kéo dài thời gian thuê căn cứ đến năm 2042 và có thể gia hạn thêm 5 năm.

Chiến hạm của Hạm đội Biển Đen Nga.
Chiến hạm của Hạm đội Biển Đen Nga.
Một phần của thỏa thuận này, Nga hàng năm phải trả cho chính phủ Ukraine 526,5 triệu USD tiền thuê căn cứ, 97,75 triệu USD tiền phí để được sử dụng vùng biển của Ukraine, tần số vô tuyến và bù đắp cho những tác động môi trường mà sự hiện diện của Hạm đội Biển Đen gây ra. 
Thỏa thuận cho phép Hải quân Nga đặt lực lượng 25.000 binh sĩ, 24 hệ thống pháo, 132 xe bọc thép, 22 máy bay quân sự trên lãnh thổ Crimea. 
Tuy nhiên, theo quyết định của các nghị sĩ Nga, thỏa thuận này đã không còn ý nghĩa sau khi Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 18/3. 
443 trong số 450 nghị sĩ Hạ viện Nga đã đồng ý với quyết định trên và đưa hoạt động của Hạm đội Biển Đen nằm dưới sự kiểm soát của Hiến pháp Liên bang Nga. Tuy nhiên, nghị quyết này còn cần có sự phê chuẩn của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) trước khi có hiệu lực chính thức. Phiên bỏ phiếu tại Thượng viện dự kiến sẽ diễn ra ngay trong ngày 1/4.
Trước khi Hạ viện bỏ phiếu một ngày, Bộ Ngoại giao Nga đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Ukraine tại Moscow thông báo về dự thảo chấm dứt các thỏa thuận về tình trang của Hạm đội Biển Đen do Tổng thống Vladimir Putin đề xuất. 
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết họ lên án quyết định này và cho rằng Kiev sẽ coi sự hiện diện của Hạm đội Biển Đen tại Crimea là bất hợp pháp nếu Moscow hủy thỏa thuận./.
Nguyễn Hường