Trước thực trạng nhiều cán bộ sau khi nghỉ hưu nhưng vẫn không chịu trả lại nhà công vụ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên bày tỏ, đây là câu chuyện không vui mà thời gian qua báo chí phân tích. Theo luật quy định, nhà công vụ là nhà dành cho những cán bộ nhận nhiệm vụ ở những nơi họ không có nhà ở. Đối tượng thứ nhất là những cán bộ, công chức. Đối tượng thứ hai là lực lượng sĩ quan công an, quân đội chuyên nghiệp được giao nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng. Đối tượng thứ ba là cán bộ lãnh đạo.
Thông thường, cứ đến công tác ở đâu được bố trí nhà theo điều kiện sẵn có ở địa phương đó. Có nơi đã xây những nhà công vụ theo đúng nghĩa, tùy theo điều kiện khách quan của từng nơi.
"Đến giờ này, theo tôi nghe phản ánh chung thì nhà công vụ không nhiều lắm, mà chỉ tập trung ở các thành phố lớn, Hà Nội là nhiều nhất và tập trung ở Hoàng Cầu. Những người ở nhà công vụ khi hết thời gian công tác thì không còn tiêu chuẩn ở nhà công vụ nữa. Theo báo cáo, có rất nhiều trường hợp, nhiều người khi hoàn thành nhiệm vụ đã trả nhà, kể cả cán bộ cao cấp. Nhưng cũng không ít trường hợp ở lại, có trường hợp vì lý do khách quan, có trường hợp lại là những người khác ở lại…", Bộ trưởng Nên nói.
Nhiều cán bộ nghỉ hưu chưa chịu trả nhà công vụ. Ảnh minh họa, nguồn internet. |
Theo Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ trước đó đối với nhà công vụ, đơn giản chỉ là làm nhà công vụ để ở, quy định, chế tài chưa được rạch ròi, rõ ràng. Hồ sơ giao nhà, thu hồi nhà cũng phần lớn là tự giác. Khi xuất hiện tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 615 năm 2013 quy định rõ về thủ tục, chế tài, nhằm điều chỉnh tồn đọng, giao trách nhiệm cho Bộ Xây dựng quản lý. Bộ Xây dựng thành lập một tổ chức chuyên trách. Về mặt chế tài, nếu như ai hết tiêu chuẩn ở nhà công vụ, tổ chức này sẽ báo trước thời gian 6 tháng. Khi tổ chức đã thông báo, nếu vì lý do nào đó cán bộ chưa thực hiện thì tổ chức sẽ phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết.
"Bản thân cán bộ cũng phải tự giác, gương mẫu chấp hành đúng quy định về nhà công vụ. Tôi tin rằng sau Quyết định năm 2013 và những công việc hiện nay đang làm, sẽ khắc phục được tồn tại. Đây là mô hình đúng để quản lý nhà công vụ”, Bộ trưởng nên nhấn mạnh.
Nói về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, với quan chức cố tình chây ỳ, không chịu trả lại nhà sau khi nghỉ, cần có biện pháp mạnh như: Công khai danh tính trên báo chí hoặc thậm chí có thể sử dụng đến biện pháp cuối cùng là cưỡng chế.
“Các quan chức được phân công quản lý tài sản nhà nước mà cảm thấy e ngại thì cần xem lại. Chính họ mới là người cần gương mẫu đầu tiên trong việc nhắc nhở các quan chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”, TS Doanh nhận định.
Theo TS Lê Đăng Doanh, việc yêu cầu quan chức trả lại nhà công vụ sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác nên thực hiện ngay. Nhưng cũng cần có thông báo nhắc nhở trước và có thời gian để họ chuẩn bị để bàn giao nhà. Sau đó cũng cần có chế tài với những quan chức không chịu bàn giao lại nhà. Những người cố tình chây ỳ, ban quản lý cần có báo cáo các cơ quan có liên quan đồng thời nếu cần thiết, có thể công khai danh tính các quan chức không chịu trả lại nhà để người dân và mọi người cùng biết.
Thậm chí, sau 6 tháng hay 1 năm, nếu quan chức không trả nhà dù đã được thông báo, có thể dùng các lực lượng cưỡng chế để thu hồi nhà.
Còn theo Ông Vũ Xuân Thiện - Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), thời gian qua việc quản lý sử dụng nhà ở công vụ chưa được quan tâm đúng mức. Các quy định pháp luật còn thiếu, chỉ quy định chung chung. Do vậy việc thu hồi nhà ở công vụ của các cán bộ lãnh đạo của các Bộ, ngành thành phố trực thuộc Trung ương khi hết tiêu chuẩn nhà ở công vụ gặp khó khăn.
"Các Bộ, ngành và địa phương phải thực hiện việc rà soát, thống kê, phân loại nhà ở công vụ được giao quản lý để tiến hành sắp xếp phù hợp và thực hiện thu hồi nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp sử dụng nhà ở công vụ không đúng đối tượng, không đủ điều kiện, sử dụng không đúng mục đích", ông Thiện nói.