Tháng 6/2013 UBND TP Hà Nội có Quyết định số 20 về việc đưa ra các tiêu chí áp dụng cho các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao. Theo đó, bậc THPT sẽ có 5 tiêu chí bắt buộc nếu các trường muốn đạt tới chất lượng cao.
Cũng vừa qua, Trường THPT Lê Lợi đã được Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép thực hiện đề án xây dựng trường phổ thông công lập chất lượng cao. Đây là trường THPT đầu tiên của Hà Nội được phép thí điểm triển khai mô hình này sau khi trường được tách ra khỏi trường THPT chuyên Nguyễn Huệ.
Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội) là một trong 18 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giới thiệu trình UBND TP chọn thí điểm trong triển khai mô hình dịch vụ giáo dục công chất lượng cao trong 3 năm.
Ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh Xuân Trung |
Học sinh đủ khả năng thi đỗ vào các trường đại học trong nước và quốc tế mà các em mong muốn.
Với cam kết này nhiều người cho rằng mức học phí mà trường chất lượng cao đề ra cũng phải rất cao. Theo ông Lê Xuân Trung, hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi, với mô hình trường chất lượng cao mà Trường THPT Lê Lợi đang được cho thí điểm thì không nhất thiết học sinh tới học phải đóng tiền chất lượng cao, việc thu như thế nào nhà trường phải thỏa thuận với phụ huynh, được sự đồng ý của phụ huynh, của người học thì lúc đó mới áp dụng mức học phí. Ngoài ra còn phải được công khai minh bạch, hội đồng trường (trong đó có cả phụ huynh) cùng tham gia giám sát hoạt động thu, chi.
Với yêu cầu đặt ra, ông Trung cũng cho biết, trong 5 tiêu chí mà thành phố đề ra với trường công chất lượng cao bậc phổ thông thì trường Lê Lợi đáp ứng gần như đủ, duy chỉ có điều kiện cơ sở vật chất hiện tại đang cần đầu tư thêm thì mới đạt được yêu cầu. Tổng diện tích sử dụng của trường là hơn 14.000m2, được bố trí ở 24 phòng học với 3 tầng, 3 phòng học bộ môn lý, hóa, sinh, 1 phòng ngoại ngữ, tin học, 1 thư viện. Khu hiệu bộ có đầy đủ phòng làm việc. Khu sân chơi ở mặt trước, phòng nội trú, bếp ăn hiện không sử dụng được vì đã xuống cấp.
Trường THPT Lê Lợi là trường đầu tiên được UBND TP và Sở GD&ĐT Hà Nội đồng ý cho thí điểm mô hình giáo dục công chất lượng cao trong khoảng 3 năm. Ảnh Xuân Trung |
Theo lộ trình thực hiện số học sinh của trường phải đạt từ 320 (năm 2013) lên 1.400 (năm 2018). Số lớp từ 8 lên 36 lớp, đội ngũ giáo viên từ 18 lên 81 người. Do vậy, để đảm bảo chất lượng của lộ trình, thành phố đã đề nghị trường thực hiện nghiêm chỉnh trong Quyết định 20 nói trên về xác định tiêu chí đánh giá.
Ông Lê Xuân Trung chia sẻ, việc nghiệm thu sản phẩm của mô hình giáo dục công chất lượng cần phải chờ 3 năm nữa, lúc đó lứa học sinh đầu tiên được thí điểm kết thúc 3 năm THPT. Nhìn nhận ở kỳ học đầu tiên cho thấy, trường đã có 93,63% tỷ lệ học sinh khá, giỏi (vượt quy định đề ra).
Theo Luật Thủ đô thì thời gian tới giáo dục Hà Nội sẽ phát triển có trường chất lượng cao cả ở công lập và ngoài công lập. Trước đó, ông Phạm Văn Đại, phó giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, mục tiêu đến 2015, Hà Nội có 35 trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học. Năm học 2013-2014, Hà Nội thí điểm 14 trường chất lượng cao, trong đó có 8 trường công lập và sẽ trình UBND TP kiểm định ít nhất mỗi cấp học phải có một trường chất lượng cao.
Những lớp học sinh đầu tiên của chương trình thí điểm mô hình trường công chất lượng cao. Ảnh Xuân Trung |
Nhiều quan điểm cho rằng, do yếu tố khách quan nên việc triển khai mô hình trường chất lượng cao khu vực ngoại thành là khó, do đó có thể lồng chất lượng cao vào các trường đại trà để thực hiện có hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú đưa ra khó khăn thực tế hơn, theo bà, hiện trường đã thực hiện tự chủ tài chính được 6 năm nhưng mới có 18/29 lớp đạt chất lượng cao. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về cơ sở vật chất về cơ chế tài chính và tư duy bao cấp của phụ huynh.
Theo bà Nhiếp, nhìn thấy được tự chủ tài chính ai cũng nghĩ là được tự thu, tự chi. Nhưng thực tế, các trường phải tính toán thu thế nào chi thế nào để đảm bảo mục tiêu giáo dục, phúc lợi xã hội... Hơn nữa, tư duy bao cấp đã ăn sâu vào tiềm thức người dân. Học phí giữa trường công và trường tự chủ tài chính cũng khiến phụ huynh cân nhắc.
5 tiêu chí cho trường trung học chất lượng cao
Về cơ sở vật chất: Trường có sân chơi, khung cảnh, khuôn viên, cảnh quan đẹp, an toàn…Có đủ phòng chức năng, khu giáo dục thể chất. Thư viện đạt tiêu chuẩn tiên tiến trở lên, có hệ thống CNTT kết nối Internet, có Website thông tin hoạt động thường xuyên…
Về đội ngũ giáo viên: Trên 90% giáo viên đạt chuẩn với cấp THCS, trên 50% với THPT, 100% giáo viên có kinh nghiệm ứng dụng CNTT, 50% giáo viên có trình độ tin học B, 100% giáo viên xếp loại khá trở lên về chuẩn nghề nghiệp.
Về chương trình giảng dạy: Bổ sung chương trình dạy học tiếp cận năng lực ở các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lý, Hóa để học sinh lựa chọn. Bổ sung dạy tiếng Anh nghe nói với người nước ngoài. Tổ chức lớp song ngữ một số môn khoa học cơ bản…
Về phương pháp giảng dạy: Sử dụng phương pháp dạy học mở, 100% tiết dạy đổi mới phương pháp dạy học theo hướng dẫn của Bộ và Sở, có phương pháp đặc thù và khuyến khích sự chuyên cần…
Về dịch vụ chất lượng cao: Trường tổ chức đưa đón học sinh, có bán trú cho học sinh. Đạt 90% học sinh có học lực khá, giỏi, không có học sinh yếu, kém; hạnh kiểm: 100% học sinh xếp loại khá, tốt; không có học sinh bỏ học và lưu ban; 100% học sinh đỗ tốt nghiệp trong tổng số học sinh tham dự kỳ thi; 100% học sinh được tham gia các chương trình học kỹ năng sống, hoạt động xã hội; kết quả giáo dục hướng nghiệp, nghề đạt 100% khá, giỏi.