Tàu khu trục tên lửa Type 052D thứ hai của Trung Quốc chạy thử trên biển |
Nhật-Mỹ đều không tham gia lễ duyệt binh của Hải quân Trung Quốc
Tờ "Yomiuri Shimbun" Nhật Bản ngày 30 tháng 3 đưa tin, Hải quân Trung Quốc quyết định hạ tuần tháng 4 sẽ tổ chức lễ duyệt tàu quốc tế (duyệt binh trên biển) ở Thanh Đảo để kỷ niệm tròn 65 năm thành lập Hải quân Trung Quốc, nhưng nhiều nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản ngày 29 tháng 3 tiết lộ, Trung Quốc đã không mời Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Theo bài báo, trong thời gian tổ chức lễ duyệt tàu, Thanh Đảo sẽ còn tổ chức "Diễn đàn hải quân Tây Thái Bình Dương" với sự tham gia của quan chức hải quân hơn 20 nước, mà trong tất cả các nước tham gia diễn đàn, duy chỉ có Nhật Bản không được mời tham gia lễ duyệt tàu. Cách làm này của Trung Quốc thực sự làm cho Nhật Bản bất mãn và cũng làm cho Mỹ không hài lòng.
Theo tờ “Sankei Shimbun” Nhật Bản, đây là lễ duyệt binh trên biển quốc tế lần tiếp theo sau 5 năm của Trung Quốc. Trước đó, Hải quân Trung Quốc đã tổ chức lễ duyệt binh trên biển lần đầu tiên vào ngày 23 tháng 4 năm 2009 để kỷ niệm tròn 60 năm thành lập, khi đó, Hải quân Trung Quốc đã mời tàu chiến hải quân của 14 nước tham gia, số lượng tàu chiến tham gia lên tới trên 40 chiếc.
Tàu chiến chủ lực của Hải quân Trung Quốc tại Lễ duyệt binh trên biển năm 2009 |
Theo bài báo, tại hội nghị chuẩn bị diễn đàn tổ chức tại Nam Kinh vào trung tuần tháng 1 năm 2014, phía Nhật Bản cho rằng "trong hoạt động quốc tế không mời Nhật Bản tham gia là cách làm vô lễ", nhưng Trung Quốc phản bác cho rằng "diễn đàn và lễ duyệt tàu là 2 chuyện khác nhau", chỉ trùng hợp về địa điểm, từ chối phát thư mời.
Theo báo Trung quốc, có thể cho rằng, trong bối cảnh Trung-Nhật tồn tại đối lập xung quanh đảo Senkaku, Trung Quốc cảm thấy để cho Lực lượng Phòng vệ Biển treo quốc kỳ Nhật Bản chạy vào nước mình hoàn toàn không thích hợp.
Theo hãng Kyodo, Nhật Bản ngày 30 tháng 3, việc Trung Quốc không mời Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tham gia lễ duyệt tàu là có ý đồ gạt Nhật Bản ra bên ngoài do có sự đối lập với Trung Quốc trong vấn đề đảo Senkaku.
Tuy nhiên, đối với Diễn đàn hải quân Tây Thái Bình Dương, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản Kawano Katsutoshi cũng có kế hoạch tham gia.
Tàu khu trục Lan Châu Type 052C và tàu hộ vệ Hoành Thủy Type 054A của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc trong một cuộc tuần tra ở vùng biển đảo Senkaku tháng 4 năm 2013 |
Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Mỹ bày tỏ không vui đối với việc làm của Trung Quốc. Tờ "Japan News Network" ngày 2 tháng 4 cho biết, ngày 1 tháng 4 người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, (mặc dù Hải quân Mỹ nhận được thư mời, nhưng) tàu chiến Hải quân Mỹ sẽ không tham gia "Lễ duyệt tàu chiến quốc tế" tổ chức ở Thanh Đảo vào hạ tuần tháng 4 năm 2014, tuy nhiên Mỹ vẫn sẽ cử quan chức cấp cao Hải quân đến tham dự diễn đàn liên quan.
Phía Nhật Bản cho rằng, đây là sự phản đối của Mỹ đối với việc Trung Quốc không mời tàu chiến Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tham gia lễ duyệt này. Hãng tin "Jiji Press" Nhật Bản khẳng định, Mỹ quyết định không tham gia Lễ duyệt binh trên biển là do không hài lòng với cách làm của Trung Quốc đối với đồng minh Nhật Bản.
Xung quanh vấn đề đảo Senkaku, quan hệ Trung-Nhật vẫn lạnh nhạt. Nói về mối quan hệ này, ngày 25 tháng 3, tại Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ, Tư lệnh Thái Bình Dương quân Mỹ Samuel Locklear cho rằng: “Một phán đoán sai lầm nhỏ về chiến thuật, rất có thể sẽ nổ ra một cuộc chiến tranh”.
Biên đội tàu ngầm và tàu nổi của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản |
Nhật-Mỹ tăng cường hợp tác đối phó Trung Quốc
Chủ tịch Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ, thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Carl Levin cho rằng: “Trung Quốc theo đuổi khả năng quân sự mới gây quan ngại cho người khác về ý đồ của họ, nhất là xét thấy Trung Quốc ngày càng đưa ra yêu sách chủ quyền cứng rắn ở Biển Đông và biển Hoa Đông”.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa bang Oklahoma là James Inhofe cho rằng, “thái độ quân sự hung hăng, hăm dọa” của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông đang đe dọa khu vực này.
Đô đốc Samuel Locklear nhấn mạnh: “Số lượng tàu chiến của quân Mỹ ở Thái Bình Dương thiếu nghiêm trọng, nếu khủng hoảng xảy ra, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ thậm chí không có đủ tàu chiến để triển khai hành động tác chiến đổ bộ ở Thái Bình Dương”.
Theo Locklear, Hải quân Mỹ cần có nhiều tàu ngầm tấn công và tàu chiến mặt nước hơn nhằm đáp trả mối đe dọa ngày càng tăng ở khu vực Thái Bình Dương. Hải quân Mỹ có kế hoạch giảm số lượng tàu ngầm tấn công từ 55 chiếc xuống còn 42 chiếc vào năm 2029, trong khi số lượng tàu ngầm của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên khoảng 70 chiếc.
Hải quân Mỹ tăng cường triển khai tàu ngầm ở khu vực Thái Bình Dương, tập trung cho Guam |
Tuy nhiên, hai nước Nhật-Mỹ hiện cũng đang có dấu hiện tăng cường quan hệ đồng minh quân sự. Nhật Bản vẫn được Mỹ coi trọng phát huy vai trò ở khu vực trên tuyến đầu. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng rất mạnh, trong đó có lực lượng tàu ngầm và săn ngầm tiên tiến.
Theo tờ “Yomiuri” ngày 30 tháng 3, chính phủ hai nước Nhật-Mỹ cơ bản xác định thiết lập cơ quan phối hợp hợp tác thường trực giữa Lực lượng Phòng vệ và quân Mỹ, đồng thời viết vào “Phương hướng hợp tác phòng vệ Nhật-Mỹ” mới sửa đổi vào cuối năm 2014.
Theo bài báo, thiết lập cơ quan này là để ngăn chặn Trung Quốc áp dụng hành động đối với vấn đề đảo Senkaku, tức là khi xảy ra tình hình xấu, Nhật-Mỹ có thể nhanh chóng triển khai hợp tác.
Nhật Bản luôn cho rằng, Trung Quốc có khả năng sử dụng “ngư dân giả” có vũ trang để đổ bộ lên đảo Senkaku, vì vậy mạnh mẽ yêu cầu Nhật-Mỹ thông qua tăng cường hợp tác để ứng phó với “tình hình xấu”.
Ngoài ra, ngày 1 tháng 4, nội các Nhật Bản đã tổ chức hội nghị quyết định nới lỏng “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”, mở đường cho Nhật Bản tham gia nghiên cứu phát triển vũ khí quốc tế, đồng thời có thể xuất khẩu vũ khí trang bị cho các nước “có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải” với Trung Quốc, khiến cho Trung Quốc rất lo ngại.
Nhật Bản có lực lượng tàu ngầm thông thường tiên tiến và lực lượng săn ngầm rất mạnh. |
Truyền thông Trung Quốc thường so sánh đơn thuần về số lượng vũ khí trang bị giữa Trung Quốc với một nước - hoặc với Mỹ, hoặc với Nhật Bản, hoặc với một nước ven Biển Đông, nhưng họ quên là nếu tính tổng cộng số lượng vũ khí trang bị của các nước xung quanh cộng lại và khi họ biết hợp tác với nhau thì sẽ khác rất nhiều.