Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, đến ngày 14/3, Bộ GTVT đã nhận được hồ sơ của 3 ứng viên thi tuyển vị trí Tổng cục trưởng. Sau đó xét thấy nhu cầu cần thu hút thêm ứng viên nên Bộ đã cho phép người dự tuyển là giám đốc các Ban quản lý dự án tham gia và gia hạn nộp hồ sơ đến 23/3.
"Đến nay đã có 4 người đăng ký, đây cũng là con số nhiều rồi, chúng tôi sẽ lựa chọn một trong số này và tin tưởng sẽ tìm ra được người đủ năng lực", ông Trường nói.
Giao thông vẫn luôn là vấn đề nan giải tại Việt Nam. |
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết, Bộ GTVT đang lựa chọn các thành viên Ban giám khảo để có thể mở kỳ thi tuyển trong tháng 4, tới thời điểm này chưa chốt danh sách ban giám khảo.
Vào tháng 2/2014, Bộ GTVT đã thông tin công khai trên các phương tiện truyền thông, sẽ tổ chức thi tuyển vị trí đứng đầu Tổng cục đường bộ.
Đánh giá về cuộc thi “chưa từng có tiền lệ” ở Việt Nam, ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo nhận định: “Xưa nay, chúng ta không có công khai trong việc tuyển chọn những vị trí lãnh đạo cấp cao của ngành, do đó nếu lần này Bộ GTVT tổ chức thành công thì tôi tin rằng nó sẽ tạo ra hiệu ứng tốt cho các ngành khác, đồng thời cũng chính là một thí dụ điển hình để chấn chỉnh tình trạng thi tuyển công chức đầu vào kém chất lượng như hiện nay.
Bản thân người được lựa chọn cũng rất tự hào vì mọi thứ minh bạch và nhân dân sẽ có điều kiện giám sát vị lãnh đạo này từ chính đề án quản lý công việc ở Tổng cục đường bộ”.
Theo ông Bảo, cần phải công khai minh bạch từ đầu, đã công khai thi tuyển thì chẳng có lý do gì phải giấu ban giám khảo gồm những ai.
“Khi đã chấm đề án rồi thì chất lượng các đề án thế nào, điểm số cho bằng nào cũng cần công khai, thậm chí có thể để ứng viên trực tiếp trả lời những câu hỏi mà ban giám khảo đề ra. Bởi vì đề án viết ra là một chuyện, nhưng chúng ta cũng biết rằng nhiều đề án chỉ nằm trên giấy, có khi cả chục năm sau cũng không triển khai được, như vậy thì đề án ấy không phù hợp với tình hình thực tế của đất nước.
Nếu chỉ công khai một nửa, tới phần “chấm thi” lại không công khai thì người ta sẽ nói đấy là màn kịch, lúc ấy sẽ gây ra những luồng dư luận không tốt”, ông Bảo bày tỏ.
Tuy nhiên, một chuyên gia có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị là TS Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc NXB Giao thông thì lại tỏ ra lo lắng về tính minh bạch của cuộc thi.
TS Thủy nhận định, nhìn theo hướng tích cực thì mục đích mà Bộ GTVT hướng đến là rất tốt. Giống như các nước, chúng ta phải tăng tính dân chủ lên, để cho người dân có thể giám sát được. Qua việc thi tuyển công khai như vậy, người dân có điều kiện xem năng lực của các vị ứng cử thế nào, đạo đức, tinh thần trách nhiệm có tốt không? Nếu Bộ GTVT làm tốt ở lần thi tuyển này thì chắc chắn những ngành khác cũng có thể triển khai những việc tương tự.
“Điều mà tôi quan tâm nhiều nhất là tính khoa học của đề án mà các ứng cử viên dự thi, nhìn vào đó sẽ thấy ngay con người ấy có tư duy ở tầm chiến lược không, có đủ trình độ - năng lực tháo gỡ những khó khăn hiện nay để tiến tới mục tiêu đề ra không? Hay là nói thì hay nhưng làm lại dở bét? Cái này không cẩn thận là rất dễ bị như vậy, bởi vì nói lý thuyết suông nhiều ông nói hay lắm, nhưng thực tế là chẳng có làm được cái gì đâu.
Tôi nói thẳng là loanh quanh cũng chỉ vài ba vấn đề thôi. Ví dụ, anh Tổng Cục trưởng đường bộ thì phải quản lý cái gì? Phải biết tổng số đường bộ là bao nhiêu km? Trong đó bao nhiêu km là đường quốc lộ, bao nhiêu là đường nông thôn? Cầu đường hiện nay thế nào, tồn tại ra sao, giải pháp thế nào để nâng cao mạng lưới đường bộ? Viết vào đề án thì tương đối giống nhau thôi, tất nhiên cũng có những câu thử tài, thử về nghệ thuật quản lý, nhưng rồi thì cuối cùng có chọn được người xứng đáng không thì chẳng ai dám chắc”, TS Thủy chia sẻ.
Đáp lại sự quan tâm của dư luận, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã khẳng định, kỳ thi tuyển sẽ diễn ra minh bạch, nghiêm túc, cho phép báo chí chứng kiến ứng viên trình bày chương trình hành động.