Trịnh Công Sơn và mối tình chưa bao giờ tiết lộ với kỳ nữ Hà thành

07/04/2014 08:33
Liên Hương
(GDVN) - Sau một năm bên nhau, nàng đã nhận ra một điều, nàng không phải là người con gái duy nhất vây quanh chàng.

Nhân dịp kỷ niệm 13 năm ngày mất của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn (1/4/2001 - 1/4/2014),  chị Liên Hương, Giám đốc Công ty IEC Quốc Anh đã có dịp hồi tưởng lại về một thời sinh viên đầy háo hức, khám phá, thời nhạc sĩ Diễm Xưa làm say mê biết bao trái tim thiếu nữ...

Trịnh Công Sơn và em gái Trịnh Vĩnh Trinh
Trịnh Công Sơn và em gái Trịnh Vĩnh Trinh

"Thủa sinh viên, nhà tôi ở gần Nhà thờ Cửa Bắc (Hà Nội), cũng gần nhà nữ nghệ sỹ TTN. Ngôi nhà bị bom Mỹ đánh sập mất một nửa. Thủa đấy, Thành phố quyết định giữ nguyên trạng căn nhà đổ như một bằng chứng của chiến tranh. Cho nên, ngôi bị sập cứ để vậy, không được sửa chữa.

Lúc đó tôi là một cô sinh viên đầy háo hức khám phá, chưa biết nỗi buồn đau của cuộc đời, chưa biết mùi vị của những u uất không tên… Chúng tôi ngồi dưới đất quanh nàng, nghe nàng chơi những bản nhạc thánh thót trên cây dương cầm cũ vừa thoát khỏi trận bom Mỹ. Nàng là một tài danh piano của Hà thành thời đó, đã đại diện cho Việt Nam đi thi concour Trai Cốp xki cơ mà!

Biết bao lần, tan cuộc, chúng tôi bước ra đường trong tiếng chuông nhà thờ Cửa Bắc rơi, và kìa những chiếc lá bàng đỏ trên những cây bàng còn sót lại sau chiến tranh. Phố Quán Thánh khi đó là con phố của những cây cơm nguội, cây bàng… với đường tàu điện leng keng xuôi ngược.

Hình như ẩn hiện đâu đó trong bài “Em ơi, Hà Nội phố” của Phan Vũ, nhạc sỹ Phú Quang đã phổ nhạc – “Ta còn em, cây bàng mồ côi mùa đông, mảnh trăng mồ côi mùa đông, mùa đông năm ấy, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ, tan lễ chiều, sao còn vẳng tiếng chuông ngân?”.

Sao tôi lại cứ lan man về một người con gái Hà Nội với vẻ đẹp yểu điệu thục nữ chơi đàn, khi nhớ về ông – nhớ về Trịnh Công Sơn vậy nhỉ?

Với một vẻ đẹp đài các và tài năng cầm kỳ thi họa như vậy – nàng là thần tượng của hầu hết đám thi sỹ Hà thành, chiều chiều vẫn quây quanh chân nàng để được ban phát chút phước lành còn sót lại trên đời này. Nhẽ ra nàng phải hạnh phúc chứ? Nhưng không hề, khuôn mặt nàng luôn ủ dột, luôn khép chặt. Tại sao vậy?

Rồi tôi được biết, trong lòng nàng đã có người ngự trị. Nàng đã là tù nhân của một mối ảo mộng. Đó là ai? Chắc phải tài hoa, có sức mạnh ghê gớm đến mức nàng bỏ ngoài tai mọi lời tán tỉnh của đám tài danh Hà Thành đang vây xung quanh để liều mình bỏ nhà ra đi theo chàng.

Hóa ra, trước đó, ngay khi miền Nam vừa giải phóng, nàng đã vào Nam để gặp thần tượng của mình. Quả không sai với mộng ước: ngay lập tức cặp trai tài gái sắc đã phải lòng nhau và nàng đã từ bỏ tất cả để ở lại với chàng.

Họ đàn hát, giao lưu, trao gửi những gì đã chất chứa trong lòng đẻ thỏa lòng mong ước.

Nhưng cuộc đời vốn là cuộc chơi quẩn quanh. Nếu như ở ngoài Bắc, quanh nàng là những đám văn nghệ sỹ tù túng, không lối thoát, thì nhóm bạn trong Nam cũng vậy thôi. Trong xã hội cũ, họ bị coi là nhóm phản chiến thì nay trong chế độ mới, họ lại bị coi là nhóm sáng tác ra những bài nhạc vàng làm ủy mị lòng người và cũng bị cấm đoán đủ kiểu.

Sau một năm bên nhau, nàng đã nhận ra một điều, nàng không phải là người con gái duy nhất vây quanh chàng. Lúc nào bên chàng cũng có vài ba cô, kể cả các cô ngoại quốc... đến để tìm hiểu về chàng, họ làm luận văn, họ viết sách, viết báo, họ nghe chàng chơi đàn, họ nghe chàng hát vô tư vui vẻ và nhậu cùng chàng…

Đối với một cô gái Hà Nội, cái kiểu “mây lang thang” vui đâu chầu đó đã không thể thích hợp, cộng thêm gia đình thúc ép, nàng đành từ bỏ tình duyên về lại với gia đình, để chiều chiều buồn bã chơi đàn cho đám bạn Tri thức Hà thành tao nhã thưởng thức vậy.

Phải chăng, một phần vì nhớ về nàng – nhớ người con gái Bắc kỳ đã dũng cảm rũ bỏ mọi định kiến để đến với mình, nhạc sỹ thiên tài của chúng ta mới viết được nên một thiên tình ca bất hủ “Nhớ mùa thu Hà Nội”, không biết khi đó chàng đã được ra Bắc chưa hay chỉ là qua lời kể của nàng mà có những “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…mùa hoa sữa về, thơm từng ngọn gió, mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ, cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua…” .

Hay bài hát này là kết quả của cuộc viếng thăm Hà Nội đầu tiên sau bao năm bị quản thúc, không được ra khỏi nơi cư trú.

Lũ chúng tôi, vô cùng háo hức được gặp gỡ ông – gặp thần tượng của một Hạ trắng, một Diễm Xưa…

Tôi dự buổi gặp gỡ của ông với giới tri thức Hà Nội tại báo Đại Đoàn Kết ở đường Bà Triệu. Tuy là diện hẹp, nhưng căn phòng cũng đông nghịt giới báo chí.

Ông ăn mặc rất giản dị, tay cầm chiếc đàn ghi ta rất lãng tử. Mọi người đặt rất nhiều câu hỏi, nhờ vậy tôi mới hiểu cuộc đời ông âu cũng là một bi kịch của một thân phận con người Việt Nam - ở trong chế độ nào cũng không ổn, bởi phía nào cũng coi ông là đứng về phía kia vì những bài phản chiến. Thực ra, đúng là trong một đất nước đang có chiến tranh thì Hòa bình chỉ là niềm mơ ước, khó có chỗ đứng. Vậy mà ông cứ mơ ước, cứ chống chiến tranh!

Có một câu hỏi: tại sao ông toàn sáng tác nhạc vàng? Trịnh Công Sơn hơi sững lại, rồi từ tốn giảng giải: tôi cứ viết ra từ lòng mình thôi, còn người ta gọi đó là nhạc vàng, nhạc xanh hoặc đỏ… hay màu gì chăng nữa thì chỉ là cái tên họ đặt thôi, còn nhạc tôi thì vẫn vậy.

Mọi người đều vỗ tay ủng hộ ông. Sau đó ông hát, chẳng ai còn nhớ đến những câu hỏi ngây ngô trước đó nữa mà mọi người đều hòa nhịp với ông…

Đám nghệ sỹ Hà thành đón đưa ông đi chơi khắp nơi, nhưng tôi không dám nghĩ trong đám đó có người con gái từng bỏ hết mọi thứ để theo ông, bởi khi đó nàng đã yên bề gia thất rồi. Chắc rằng, lúc đó bên đàn, nàng sẽ đầm đìa nước mắt trên những nốt nhạc mê hoặc. Nhưng cũng chỉ là để “thầm hỏi: tôi đang nhớ ai?” thôi.

Để rồi, nhờ vậy, biết bao thế hệ sau này sẽ còn đau đáu trong câu: “Nhớ đến một người để nhớ mọi người…”, chàng nhớ đến người con gái nào, đã có cái duyên đưa chàng đến với Hà thành, với cái mùa thu vàng, với “mặt nước vàng lay, bờ xa mờ gọi".

Chỉ có con tim tràn ngập yêu thương, trải qua đủ loại thăng trầm của cuộc đời của chàng mới có thể làm lay động trái tim mọi người được thế.

Chàng là vậy".


Liên Hương