Mỹ đưa ra cáo buộc trên trong bối cảnh người dân 3 thành phố có đông người nói tiếng Nga sinh sống ở phía đông Ukraine chiếm trụ sở chính quyền địa phương tuyên bố thành lập nhà nước cộng hòa độc lập với Kiev và yêu cầu Moscow đưa quân đội tới hỗ trợ.
Người ủng hộ Nga biểu tình tại Donetsk. |
Chính phủ Kiev đã đưa ra các tuyên bố cảnh báo sẽ nghiêm trị những hành động đòi ly khai và tiến hành bắt giữ 70 người trong các vụ càn quét an ninh trong đêm nhằm chứng minh Moscow có liên quan tới phong trào ly khai tại quốc gia này.
Lực lượng an ninh Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát trụ sở chính quyền ở Kharkiv và trụ sở an ninh ở Donetsk, thành lũy của cựu Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych.
Những người biểu tình ủng hộ Nga tại thành phố Luhansk đã đột nhập vào tòa nhà cảnh sát, chiếm kho vũ khí và trả tự do cho một số nhà hoạt động bị Kiev cáo buộc âm mưu đảo chính.
Lực lượng an ninh quốc gia Ukraine còn cáo buộc những người biểu tình tại Luhansk hôm 8/4 đã sử dụng chất nổ ở một số khu vực và bắt giữ 60 người chống lại ý muốn của họ.
Chỉ trích đổ về phía Moscow
Tình trạng bất ổn không chỉ đe dọa phá vỡ biên giới phía đông của Ukraine mà còn khiến quan hệ giữa Nga với Kiev và phương Tây tụt dốc không phanh có thể phải mất hàng thập kỷ mới hàn gắn được.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 8/4 đã gạt bỏ những nỗ lực ngoại giao sang một bên buộc tội Kremlin gửi điệp viên tới phía đông Ukraine để kích động bất ổn.
Cờ Nga được cắm bên ngoài trụ sở lực lượng an ninh tại Luhansk. |
"Tất cả những gì chúng ta đã thấy trong 48 giờ qua, từ sự khiêu khích Nga và các điệp viên hoạt động ở miền đông Ukraine, đã chỉ ra rằng họ đã quyết tâm tạo ra sự hỗn loạn," ông Kerry nói với các nhà lập pháp Mỹ.
Ngoại trưởng Anh William Hague lên tiếng cho rằng "tất cả đã làm nổi bật chiến lược của Nga nhằm gây bất ổn cho Ukraine".
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen khẳng định trong một chuyến thăm Paris rằng, Moscow sẽ phạm "sai lầm lịch sử" nếu can thiệp vào Ukraine thêm nữa.
Những lời chỉ trích mạnh mẽ của phương Tây dành cho Nga đã khiến nhiều nhà phân tích nhận định rằng nó giống như các mối đe dọa an ninh toàn cầu trong những thập kỷ Chiến tranh Lạnh.
Ngoại trưởng Kerry cho biết ông dự định hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở châu Âu vào tuần tới để thảo luận về việc chuẩn bị cho các cuộc đàm phán bốn bên với Ukraine và EU.
Phương Tây lo ngại Nga có thể can thiệp vào tình hình Ukraine một lần nữa, do bắt nguồn một phần từ lời cam kết của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng sẽ sử dụng "tất cả các phương tiện cần thiết" để bảo vệ đồng bào của ông ở Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nga hôm 8/4 vẫn gây áp lực với chính phủ Kiev lâm thời bằng cách buộc tội quốc gia này đang chuẩn bị lực lượng quân sự trấn áp các cuộc biểu tình ở phía đông và cảnh báo về nguy cơ xảy ra nội chiến.
Nga cũng đặt điều kiện cho lời kêu gọi đàm phán 4 bên của ông Kerry bằng cách nhấn mạnh rằng các đại diện của những khu vực phía nam và phía đông Ukraine cũng phải được tham gia, một điều kiện mà Kiev không thể chấp nhận.
Nguyễn Hường