PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam về vấn đề Đại sứ du lịch đang thu hút sự chú ý của dư luận.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) |
- Nghệ sĩ Trung Quốc Lục Tiểu Linh Đồng ứng cử vị trí Đại sứ du lịch của Việt Nam tại Trung Quốc, ông có ủng hộ thiện chí của diễn viên này không?
Đại sứ du lịch cho Việt Nam thì là người Việt Nam vẫn hay hơn còn bạn bè quốc tế, họ quan tâm thì cũng được nhưng không nhất thiết là phải nhận cái danh xưng đó.
Trong cái nỗ lực, tình cảm, thiện chí của người Việt Nam hiện nay...hoàn toàn có thể giúp được du lịch Việt Nam, dân tộc Việt Nam, hình ảnh con người, đất nước Việt Nam sáng ngời ở bất cứ chỗ nào chứ không nhất thiết phải có chức vụ, hay vị trí là Đại sứ du lịch Việt Nam.
Nhưng tôi vẫn hoan nghênh thiện chí đó của Lục Tiểu Linh Đồng.
- Ý ông là 'hoan nghênh' thiện chí của Lục Tiểu Linh Đồng nhưng không nên trao danh hiệu đó cho diễn viên này?
Nói chung là điều này phức tạp lắm làm sao chúng ta có thể kiểm soát được. Đến ngay cô Lý Nhã Kỳ, làm việc cũng hay ho thế mà thiên hạ còn bàn ra tán vào đủ bao nhiêu thứ. Lựa chọn ai rất khó thế nên bài toán khó chọn được ai thì đẩy quả bóng ra khỏi nước thì điều đó cũng không nên làm.
Tôi nghĩ chọn lựa một nhân vật làm Đại sứ du lịch cũng không nhất thiết phải lựa chọn một người không hề có tỳ vết, hoặc toàn vẹn đến mức thánh thiện như là tiên. Nên việc đòi hỏi những tiêu chí như thế này dường như rất mâu thuẫn: phải có tiền này, nhiệt tình này, phải có sắc đẹp này, tên tuổi này, tự nguyện này, phải không bị ném đá này...chúng ta cài vào đấy những tiêu chí mà người thường không thể thỏa mãn được.
Tôi thì cũng chả yêu thích Lý Nhã Kỳ nhưng tôi cho rằng nhiệm kỳ trước cô ấy làm cũng được hà cớ gì phải truất.
- Nhưng theo quan điểm của ông nếu ý nguyện của Lục Tiểu Linh Đồng được đáp ứng thì du lịch Việt Nam sẽ phát triển hơn hiện nay chứ?
Tôi nghĩ điều này sẽ trở thành trớ trêu vì cái người được bổ nhiệm, chúng ta cứ dùng từ bổ nhiệm đi vì nó cũng là một chức vụ cho dù chức vụ đó không thuộc hệ thống của nhà nước nhưng vẫn là một chức vụ, một vai trò quan hiếu của lĩnh vực làm tỏa sáng, mời gọi và làm tôn vinh hình ảnh của Việt Nam. Vậy thì Việt Nam chúng ta phải quản lý được, điều chỉnh được, và Việt Nam chúng ta phải sử dụng được.
Bây giờ một thần dân ở ngoại bang, dẫu rằng ở đó, chúng ta vẫn có những người gọi là đồng chí nhưng chúng ta có kiểm soát được đâu. Ví dụ bây giờ hành tung của họ, họ thực hiện việc này việc kia chúng ta không điều chỉnh được thì lúc bấy giờ ai chịu trách nhiệm?
Đại sứ du lịch không phải là chìa khóa vạn năng, không phải là cứu cánh, không phải là cái huyệt để khi chúng ta bấm vào cái huyệt con thuyền du lịch thì nó thăng hoa kết trái.
Nó chỉ là điểm nút trong toàn bộ cái lộ trình chúng ta xây dựng hình ảnh và chúng ta khởi phát một nền du lịch Việt Nam, lấy con người làm trung tâm, lấy cái việc gần gũi con người, bè bạn tỏa sáng trên bình diện thế giới là cái đích của mình.
Thế nên Đại sứ du lịch chỉ là một điểm nút thôi cho dù trong thời điểm nhất định nào đấy nó là điểm nhấn nhưng không phải là tất cả, cái chính vẫn là nguồn lực nội sinh của Việt Nam.
- Vậy trong cái lộ trình ấy theo ông hình ảnh Đại sứ du lịch quan trọng như thế nào và có quá cần thiết không?
Theo tôi không có cũng chẳng sao cả. Tôi nghĩ có thể tuyển dụng một phi đội Đại sứ du lịch không nhất thiết là một cá nhân bởi vì tất cả các Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, tất cả nghề thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, tất cả các doanh nhân, những người có lòng yêu tổ quốc Việt Nam cũng say mê nền du lịch Việt Nam đều có thể lâm thời đảm nhiệm chức năng Đại sứ du lịch.
Đại sứ du lịch là người làm tôn vinh hình ảnh du lịch tại Việt Nam thôi, nếu có một người nào đó xứng đáng để bổ nhiệm thì hoan nghênh. Nhưng nếu chúng ta cứ tranh cãi mãi mà không bổ nhiệm được ai thì để trống cũng có chết ai đâu. Bởi vì bằng chứng là lúc có cũng chẳng lên mà bỏ trống cũng chẳng xuống.
- Có người nói rằng, Việt Nam đang quá quan trọng hình ảnh Đại sứ du lịch mà không quan tâm đến an sinh xã hội. Điển hình là thành phố lớn như Sài Gòn nhưng cứ hở ra là trộm cắp. Đó cũng là lý do du lịch Việt Nam không thể phát triển. Theo ông nhận định này có đúng không?
Tôi nghĩ điều đó cũng có cơ sở của nó bởi vì các thần dân của các quốc gia lục địa già (các nước Châu Âu), người ta sống quen trong điều kiện bình yên, người ta rất thích phượt và đến những vùng miền xa lạ để nếm trải cảm giác lạ, cảm giác mạnh. Nhưng nên nhớ là cảm giác lạ, mạnh đó như là tiếp xúc một nền văn hóa khác lạ chứ không phải là cái hiểm họa từ cộng đồng con người đưa lại. Nên chừng nào xã hội chúng ta chưa an toàn thì chừng đó vẫn không hút được khách.
Người ta sẵn sàng đến với những vùng mông muội, nhịn đói, nhịn khát khi đi trên sa mạc nhưng không bị chết chóc bởi con người. Tức là người ta chấp nhận những rủi ro từ thiên nhiên hơn là vì sự thù hằn, dã man mông muội của một cộng đồng người tưởng phát triển đấy nhưng hóa ra vẫn dã man và còn nguy hiểm hơn sự chưa phát triển kia.
- Ở Việt Nam phần lớn những người ứng cử vị trí Đại sứ du lịch toàn là giới nghệ sĩ chứ không phải là doanh nhân hay quan chức nào khác. Ông có lý giải được điều này không?
Như chúng ta thấy giới nghệ sĩ, mà hầu hết lại là nữ chứ không phải là đàn ông, người ta thích vị trí này. Điều đó vì nó liên quan đến nhu cầu làm đẹp, liên quan đến nhu cầu làm duyên làm dáng, đến tỏa sáng...muốn mọi người biết mình là ai.
Tôi nói điều này hơi méo mó một chút nhưng đàn ông, doanh nhân thành đạt sức mạnh của họ là đồng tiền. Cái việc gì họ có thể 'rời non lấp biển' được bằng nguồn lực tài chính của họ chứ không nhất thiết phải nhảy nhót trên diễn đàn. Cho nên cái hình ảnh Đại sứ du lịch gần gũi với nghệ thuật, với giới showbiz, gần với những gì mang tính chất trình diễn.