Giảm dạy làm "quan" từ khi học trò ngồi ghế trường trung học cơ sở

14/04/2014 07:57
Xuân Trung
(GDVN) - “Phần lớn nhân lực được đào tạo dưới chuẩn về chuyên môn, nhưng trình độ học vấn lại cao. Đào tạo không bám sát chiến lược phát triển của đất nước...”

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam (VIPUA) vừa có Hội thảo thứ hai liên quan tới Đề án về tái cấu trúc hệ thống giáo dục, thực hiện đúng tinh thần theo “đặt hàng” của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong Hội nghị tổng kết 20 năm mô hình giáo dục ngoài công lập được tổ chức trước đó. 

Phân tích những việc cần làm ngay tại bản Đề án này, TS. Lê Viết Khuyến - Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục (thuộc VIPUA) cho biết, đề án này tập trung đề cập tới khu vực giáo dục nghề nghiệp - nơi đào tạo ra nguồn nhân lực cho đất nước, bởi đất nước muốn đi vào nền kinh tế tri thức phải phát triển giáo dục bậc cao, đặc biệt là giáo dục đại học. 
Học tập mô hình phân luồng Đài Loan

Trong bài phân tích của mình về bối cảnh thế giới, TS. Lê Viết Khuyến lấy ví dụ từ Hàn Quốc cho thấy, sau 30 năm đất nước này đã phát triển tăng vọt bỏ xa các nước ở Châu phi có cùng mốc phát triển với mình. 

Thay mặt cho VIPUA trình bày bản Đề án này trước các nhà chuyên môn, các nhà khoa học, TS. Lê Viết Khuyến đặt câu hỏi, một hệ thống giáo dục tốt cần căn cứ vào những tiêu chí gì? Lấy ví dụ ở giáo dục Hoa Kỳ có một số tiêu chí gồm: Công bằng; chất lượng; hiệu quả. Phải đảm bảo 3 tiêu chí này mới được gọi là hệ thống giáo dục tốt. Nhưng muốn đảm bảo được 3 tiêu chí này phải có tiêu chí thứ tư là tính thống nhất, tập trung, không thả nổi.

TS. Lê Viết Khuyến phát biểu tại buổi trình bày Đề án tái cơ cấu hệ thống giáo dục. Ảnh Xuân Trung
TS. Lê Viết Khuyến phát biểu tại buổi trình bày Đề án tái cơ cấu hệ thống giáo dục. Ảnh Xuân Trung

Một vấn đề mà giáo dục Việt Nam cần phải chú ý tới, theo TS. Khuyến đó là đa dạng hóa loại hình đào tạo, các nguồn lực đào tạo. Trong các hướng đi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cấu trúc của thành phần nhân lực, trình độ nhân lực phải luôn luôn phát triển theo hướng đa dạng, có sự phân luồng. 

Qua nghiên cứu, TS. Khuyến cho rằng, những nước có nền giáo dục phát triển thấp mới phân luồng sau tiểu học. Còn lại những quốc gia phát triển thường phân luồng sau THPT như Hoa Kỳ, phân luồng sau THPT đòi hỏi đất nước phải có tiềm lực kinh tế mạnh. 

Phân luồng sau THCS thường diễn ra ở các nước đang phát triển, điển hình là của Đài Loan (1989). Đây không phải là mô hình mới nhất nhưng theo đánh giá nó thích hợp nhất với Việt Nam. Theo sơ đồ này, sau tốt nghiệp THCS sẽ có khoảng trên 70% đi vào trung học nghề (phát triển lên cao đẳng, đại học theo hướng công nghệ), chỉ có khoảng 30% vào THPT (hướng đi theo THPT rồi phát triển lên đại học – gọi là hướng học thuật).

TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, việc phân luồng của chúng ta cũng nên như Đài Loan, bởi quy mô đào tạo, trình độ đào tạo luôn bám sát vào sự dịch chuyển kinh tế. 

Trong bối cảnh của đất nước, TS. Khuyến nhận định thực tế đường lối chính sách của ta khá phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục của thế giới, nhưng công tác triển khai hoàn toàn đi ngược lại. Hiện tại, hệ thống giáo dục hiện hành chúng ta cũng có phân luồng học sinh sau THCS (theo trung học chuyên nghiệp từ 3-4 năm, trung học nghề từ 1-3 năm và sơ cấp nghề dưới 1 năm). Phần lớn học sinh chúng ta đi theo kênh thẳng qua THPT rồi lên tới đại học và tới thạc sỹ, tiến sỹ - đây là sự phân luồng không đáng kể.

Phân luồng mạnh sau 2015

Trong vài năm gần đây số liệu cho thấy việc phân luồng của chúng ta đang có sự bất cập lớn. Theo số liệu thống kê của Tổng cục thống kê (2001), cơ cấu trình độ lực lượng lao động đang làm việc không có trình độ chiếm 84,6%, có trình độ  trên 15%. Năm 2010 có 2.669 trường phổ thông, trong đó trung cấp nghề chỉ có 303 trường, trung cấp chuyên nghiệp 282 trường, con số này không cân xứng để tạo ra sự cân đối. Dẫn tới việc phân luồng học sinh sau THCS không đồng đều. 

Con số năm 2010, học sinh tốt nghiệp THCS có hơn 1 triệu em, số đi vào THPT chiếm 84,1%, vào trung học chuyên nghiệp chỉ có 2,04%, vào học dạy nghề chỉ có 4%, còn lại tham gia vào thị trường lao động (bỏ học đi làm chiếm 9,86%). Theo TS. Khuyến sự phân luồng ở đây hầu như không có. 

GS. Trần Hồng Quân đề nghị, cấu trúc giáo dục phổ thông cần có nghiên cứu sâu hơn, đồng bộ hơn. Ảnh Xuân Trung
GS. Trần Hồng Quân đề nghị, cấu trúc giáo dục phổ thông cần có nghiên cứu sâu hơn, đồng bộ hơn. Ảnh Xuân Trung

“Với sự phân luồng như thế này thì khó đến năm 2020 đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nếu muốn sửa phải sửa ngay ở cơ cấu phân luồng, sửa từ ngay hệ thống” TS. Khuyến khẳng định.

Nhận xét thêm về việc đào tạo nguồn nhân lực trong thời gian qua, TS. Lê Viết Khuyến cho biết, cơ chế quản lý chúng ta đang có sự chồng chéo, không hiệu quả, phần lớn nhân lực được đào tạo dưới chuẩn về chuyên môn, nhưng trình độ học vấn lại cao (biểu hiện bằng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp luôn ở mức gần 100%). Công tác đào tạo chưa bám sát chiến lược phát triển của đất nước, địa phương thả nổi cho các cơ sở đào tạo, dẫn tới cơ cấu trình độ, ngành nghề không hợp lý. 

Hầu như không có sự phân luồng người học và không có sự phân tầng cơ sở giáo dục. Cơ chế liên thông bất ổn định (học sinh THPT lại trở lại học trung học chuyên nghiệp, trung học nghề). 

Trong bản Đề án của Hiệp hội, dự kiến phân luồng học sinh Việt Nam sau 2015 dựa trên mô hình sau THCS, lý do cho việc nên phân luồng sau THCS vì Việt Nam chưa là nước phát triển, cũng chưa là nền công nghiệp chế tạo. Theo đó, 80% học sinh sẽ được phân luồng thành tỷ lệ 30% vào trung học nghề, 50% vào THPT.

Dự thảo sơ đồ phân luồng học sinh Việt Nam sau THCS của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập.
Dự thảo sơ đồ phân luồng học sinh Việt Nam sau THCS của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập.

Trao đổi thêm về tái cấu trúc hệ thống giáo dục, GS. Trần Hồng Quân – Chủ tịch VIPUA cho biết, vấn đề cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam không phải là lần đầu tiên bàn, nhiều năm trước cũng đã xây dựng hệ thống này, nhưng cho tới nay khi đánh giá lại có những điều không hợp lý và cần phải thay đổi.

Riêng vấn đề cấu trúc giáo dục phổ thông cần có nghiên cứu sâu hơn, đồng bộ hơn. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói chung và giáo dục đại học phải tiến thêm một bước để có mối quan hệ với các bộ phận khác ngoài hệ thống (có tính chất liên thông). 

GS. Quân cũng cho biết, phạm vi của Đề án tái cấu trúc hệ thống giáo dục Việt Nam chỉ bó gọn nhất định, đây là hệ thống giáo dục quốc dân (hệ thống giáo dục dân sự, trong đó có giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề, cao đẳng, đại học), hệ thống các trường quân đội, công an, các đoàn thể vẫn có mối liên quan nhất định với hệ thống này. 

Điều cần làm để đào tạo lại nguồn nhân lực

Đề xuất từ TS. Lê Viết Khuyến: Thứ nhất, Nhà nước cần tập trung chỉ đạo ở tầm vĩ mô, kết hợp với phân cấp họp cho các địa phương, bộ ngành. 

Thứ hai, trao quyền tự chủ thực sự cho các cơ sở giáo dục đại học. 

Thứ ba, thực hành triệt để phân luồng người học sau THCS, Nhà nước có chính sách khuyến khích phân luồng như: chỉ tiêu đào tạo, phân bố nguồn ngân sách, chính sách học phí, học bổng hợp lý. 

Thứ tư, phải chuẩn hóa các trình độ đào tạo, duy trì trung học nghề và bỏ trung học chuyên nghiệp. 

Thứ năm, quy hoạch đào tạo nhân lực mềm dẻo, thường xuyên điều chỉnh cho phù hợp với cơ cấu kinh tế vùng, miền, địa phương. 

Thứ sáu, xây dựng hệ thống giáo dục mở, đảm bảo cơ chế liên thông ngành học, bậc học. 

Thứ bảy, xây dựng thói quen học suốt đời. 

Thứ tám, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, ngân sách nhà nước chỉ tập trung cho bậc học thấp và các mục tiêu trọng điểm, còn lại huy động từ xã hội, không có bao cấp.

Xuân Trung