Nhà báo kỳ cựu Thái Lan Kavi Chongkittavorn. |
Nhà báo kỳ cựu Thái Lan Kavi Chongkittavorn ngày 14/4 phân tích trên tờ The Nation cho biết, Thứ Hai tuần tới các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc sẽ có cuộc họp tại Pattaya, Thái Lan sau cuộc gặp tại Tô Châu, Trung Quốc tháng 9 năm ngoái. Chongkittavorn nhận xét việc Trung Quốc sẵn sàng cùng ASEAN trao đổi "vấn đề nhạy cảm" này là một bước ngoặt.
Tháng trước các quan chức cấp chuyên gia ASEAN và Trung Quốc đã gặp nhau tại Singapore để xem xét tiến độ và chuẩn bị các nội dung khuyến nghị cho hội nghi Pattaya, đồng thời thảo luận tổng thể quan hệ ASEAN - Trung Quốc.
6 tháng qua đã có những diễn biến quan trọng trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc, bao gồm cả tuyên bố về vùng nhận diện phòng không hay (cái gọi là) quy chế đánh bắt cá trên Biển Đông mà tỉnh Hải Nam đưa ra. Mặt khác các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc đều đưa ra những tuyên bố về sự nguy hiểm của các tranh chấp đang diễn ra và nguy cơ xung đột.
Trước thềm công du Đông Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama cuối tháng này, Washington nhiều lần kêu gọi ASEAN đoàn kết và thúc đẩy nhanh hơn tiến trình đàm phán, ký kết COC. Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường một lần nữa nhắc lại, Bắc Kinh cam kết phát triển hòa bình nhưng sẽ "đáp trả thích đáng" (cái họ gọi là) hành động khiêu khích trên Biển Đông.
Trong diễn đàn kinh tế Bác Ngao tuần trước tại Hải Nam, ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ đáp trả mạnh mẽ cái họ gọi là "hành vi khiêu khích" của các bên trên Biển Đông?! |
Kavi Chongkittavorn nhận xét, trong quá khứ những sự kiện như vậy sẽ ngay lập tức cản trở các cuộc đối thoại ASEAN - Trung Quốc và quá trình tham vấn. Tuy nhiên với động lực mới trong ASEAN và châu Á, bao gồm quan hệ Trung - Mỹ, các bên yêu sách chủ quyền ở Biển Đông xét thấy cần thiết để thúc đẩy tiến trình đàm phán COC.
Năm nay ASEAN và Trung Quốc đã quyết định đẩy nhanh quá trình đàm phán COC với 4 cuộc đàm phán, 2 cuộc cấp chuyên viên (tháng 6 tại Jakarta và tháng 10 tại Bangkok), 2 cuộc họp lãnh đạo cấp cao (Pattaya và Bangkok). Với vai trò là nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc, Thái Lan hy vọng 14 tháng còn lại của nhiệm kỳ có thể mang lại một số tiến bộ đáng kể với tiến trình đàm phán COC.
Mặc dù đang phải đối mặt với khủng hoảng chính trị trong nước, Thái Lan rất muốn chứng tỏ khả năng lãnh đạo của mình trong việc thúc đẩy tiến trình đàm phán COC. Sau hơn 10 năm theo đuổi hướng dẫn thực hiện DOC, thời điểm này các quốc gia liên quan cảm thấy đã đến lúc thúc đẩy sự tham gia của ASEAN và Trung Quốc.
Trong cuộc họp của các quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần trước tại Tô Châu, hai bên đã đồng ý một loạt kế hoạch hành động, bao gồm thiết lập đường dây nóng, trao đổi thông tin và dữ liệu cũng như đề xuất phương án hợp tác tìm kiếm cứu nạn chung.
Gần đây Bắc Kinh đã tài trợ tất cả các chi phí cho việc thiết lập kênh thông tin liên lạc đường dây nóng giữa Trung Quốc và ASEAN, tuy nhiên ASEAN vẫn chưa trả lời có đồng ý đề nghị này hay không.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) trong hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc. |
Để tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, Thái Lan đã đưa ra 1 danh sách các điểm tương đồng trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc được ghi nhận trong nhiều văn bản được ký kết từ năm 1992 trở lại đây và các hoạt động ngoại giao thực tế. Đổi lại, Trung Quốc cũng đã công bố một tài liệu về những quan điểm phổ biến mà 2 bên chia sẻ.
Trong các hoạt động tham vấn thời gian tới, ASEAN và Trung Quốc sẽ thảo luận 6 yếu tố phổ biến chính để có thể hình thành các nội dung chính của COC. Mỗi bên đã đồng ý đề xuất danh sách những chuyên gia hỗ trợ các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc về khía cạnh kỹ thuật, họ sẽ làm việc cùng nhau từ đầu, khác xa với dự thảo COC mà ASEAN chuẩn bị ban đầu.
3 yếu tố đầu tiên bao gồm cách để tăng cường lòng tin chính trị, đảm bảo tham vấn hiệu quả, cam kết với mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Hiệp ước Thân thiện và hợp tác và các văn bản khác có liên quan. Một nguyên tắc quan trọng là tôn trọng độc lập và chủ quyền của nhau.
3 yếu tố còn lại liên quan đến việc phát huy tinh thần và nguyên tắc DOC, bao gồm thực hiện đầy đủ và hiệu quả tự do hàng hải. Ngoài ra ASEAN và Trung Quốc đã thảo luận về nhiều dự án chung và các hoạt động trên Biển Đông cần dược thực hiện.
Trong lĩnh vực này, Thái Lan đang là nước đi đầu. Đề nghị 90 triệu baht để kiểm tra trữ lượng cá ngừ ở Biển Đông đã được Trung Quốc chấp thuận, đây sẽ là dự án đầu tiên mà quỹ hàng hải 500 triệu USD mà Bắc Kinh phân bổ.
Cuối cùng, yếu tố quan trọng nhất là cam kết giải quyết tranh chấp lãnh thổ và pháp lý bằng biện pháp hòa bình. Kavi Chongkittavorn tin rằng ASEAN và Trung Quốc đã đi một chặng dường dài trong hoạt động thảo luận về tranh chấp Biển Đông.
Một điều rõ ràng, 2 bên không còn đủ khả năng tiếp tục giam mình trong vũng lầy phá hoại nghiêm trọng nỗ lực của họ để xây dựng cộng đồng Đông Á, nhà báo Thái Lan nhận xét.