“Phong tướng phải ưu tiên lực lượng chiến đấu"

15/04/2014 20:30
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông KSor Phước nhận định, phong Tướng phải ưu tiên cho lực lượng chiến đấu, còn nếu ưu tiên cho văn phòng là bất hợp lý và không sòng phẳng.

Trong phiên thảo luận chiều nay của Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật CAND, nhiều ý kiến đã đề nghị xem lại các chi tiết quy định về phong hàm cấp tướng.

“Ưu tiên lính văn phòng thì không được”

Ông Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhận định, trong thời chiến công an đã vất vả nhưng thời bình còn vất vả hơn, vì phải tác chiến thật sự. Từ đó, chỉ ra thí dụ dự thảo Luật CAND quy định ở Tổng cục Hậu cần có 2 Trung tướng, nhưng ở Cục phòng cháy chữa cháy chỉ có 1 trung tướng, ông Ksro Phước cho rằng, khi phong quân hàm cần phải chú ý tới những đơn vị thực thi chiến đấu, cần phải có sự ưu tiên hơn.

“Thời kỳ đấu tranh chống Phun rô, đơn vị  chỗ tôi có 9 đồng chí hy sinh, thậm chí phải tăng cường cả quân số từ Bộ về. Nguy cơ thương vong, nguy cơ hy sinh là rất lớn, thì những đơn vị đó phải được ưu tiên, chứ ưu tiên lính văn phòng thì không được. Cho nên các đơn vị trực thuộc Bộ trưởng mà hàm trung tướng là bất hợp lý và không sòng phẳng, trong khi đó thành tích thực sự của lực lượng công an là các đơn vị chiến đấu. Người ta sẽ tìm cách vào các đơn vị trực thuộc Bộ trưởng hay ở các tỉnh thì vào đơn vị trực thuộc giám đốc. Thế là hỏng rồi”, ông Ksor Phước nói.

Ông KSor Phước nhận định, phong hàm phải ưu tiên cho các lực lượng chiến đấu. Ảnh minh họa.
Ông KSor Phước nhận định, phong hàm phải ưu tiên cho các lực lượng chiến đấu. Ảnh minh họa.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhận đã từng “nằm trong chăn” (ông Ksor Phước có một thời gian công tác trong lực lượng công an – PV), đã chia sẻ: “Chúng tôi ngày xưa vào lực lượng công an là chỉ có biết cống hiến, chiến đấu và hy sinh, chứ không có biết lựa chọn, mà nếu được lựa chọn thì cũng xin vào các đơn vị chiến đấu, chứ không có thích ngồi văn phòng đâu. Còn bây giờ đưa chính sách này ra là nhiều người thích quay về văn phòng. Tôi đề nghị phải cân nhắc lại hết, để khi đưa ra thì toàn lực lượng tâm phục khẩu phục. Tôi đề nghị Ủy ban Quốc phòng An ninh cũng phải xem lại chứ không thể đồng ý thế này được”.

Đi sâu phân tích Điều 23 của dự thảo luật, quy định: “Cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân”, tại điểm d ghi rõ: Phong hàm Thiếu tướng với các vị trí: Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị; Phó Chủ nhiệm chuyên trách Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương; Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương”.

Ông Ksor Phước phân tích: “Tôi thấy cả câu này không chuẩn. Trợ lý cho Ủy viên Bộ Chính trị nhiều cỡ lắm, Chính phủ cũng đã yêu cầu chuẩn hóa tiêu chí các vị trí trợ lý, thư ký… còn nếu không khéo sẽ thành vấn đề cá nhân.

Anh em nói với tôi là quy hoạch thì không trúng cấp Cục, nhưng có quan hệ nên lãnh đạo Bộ rút vào làm thư ký – tương đương với Cục trưởng. Thế là Đại tá ngay! Vậy là chỉ có ý thích của một cá nhân mà vượt cả khung quy định của công tác cán bộ. Cho nên vị trí trợ lý, thư ký là tôi đề nghị phải có tiêu chí chuẩn mực chung. Chính sách này không chỉ đơn thuần là vị trí công việc mà còn là sự đánh giá công lao cống hiến của cán bộ đó. Tôi đề nghị phải rõ chuẩn mực nếu không sẽ có tham nhũng ở chỗ đó.

Sao lại ghi là trợ lý của Ủy viên Bộ Chính trị? Sao không ghi luôn là trợ lý của Bộ trưởng Bộ Công an? Tôi đề nghị là không ghi chức danh Ủy viên Bộ Chính trị vào đây”.

Cần luật hóa việc phong tướng

Ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, về việc phong thăng hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang phải được luật hóa và thực hiện đúng yêu cầu nhiệm vụ công tác, dự thảo Luật CAND sửa đổi vẫn chưa được chỉ đạo một cách rõ ràng và thống nhất.

Chủ nhiệm Ủy Ban Tư pháp cũng chỉ ra điểm sơ hở tại Khoản 2 Điều 23 dự thảo luật: “Sĩ quan biệt phái được bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng, Vụ trưởng và tương đương trở lên tại cơ quan, tổ chức nhận biệt phái thì được xem xét thăng cấp bậc hàm cấp Tướng theo đề nghị của cơ quan, tổ chức nhận biệt phái và Bộ Công an; sĩ quan biệt phái không giữ chức vụ, có thành tích đặc biệt xuất sắc được xét thăng cấp bậc hàm cấp Tướng theo quy định của cấp có thẩm quyền”.

 “Quy định trên chưa đảm bảo chặt chẽ vì có quá nhiều đối tượng có thể được đề nghị thăng hàm cấp tướng, đồng thời cũng có quá nhiều chủ thể được đề nghị thăng hàm cấp tướng. Mặt khác, tờ trình của Chính phủ cũng không làm rõ được vì sao phải thăng quân hàm cấp tướng cho sĩ quan biệt phái được bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng, Vụ trưởng và tương đương trở lên”, ông Hiện nói.

Đồng tình với một số quan điểm cần phải rà soát lại của Ủy ban Quốc phòng An ninh và Ủy ban Tư pháp, ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chỉ rõ, cần phải đảm bảo tính thống nhất của luật này với một số luật khác như: Luật sĩ quan quân đội nhân dân, Luật công chức, Luật nhà ở… như vậy sẽ thực hiện triệt để hơn chỉ đạo của Bộ Chính trị.

“Tôi đặc biệt lưu ý Khoản 1 Điều 23, nếu để như vậy thì “diện” rất rộng và “trần” cũng rất rộng. Bây giờ bàn vấn đề này thì có phải có quá nhiều tướng trong lực lượng công an không? Theo tôi thì đó mới chỉ là một phần thôi, còn cần phải căn cứ vào hoạt động thực tế, yêu cầu của lực lượng công an, trong đó phải rà soát lại xem những cấp bậc nào, chức vụ nào thì tương xứng với hàm tướng. Thí dụ: Tổng biên tập báo thì có phải tướng không? Tại sao phải Trung tướng, tại sao phải Thiếu tướng? Và như vậy so với yêu cầu thì đã rà soát chặt chẽ chưa?”, ông Lý đặt vấn đề.

Ông Phan Trung Lý: Phong tướng không phải để hưởng chế độ chính sách.
Ông Phan Trung Lý: Phong tướng không phải để hưởng chế độ chính sách.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng chỉ ra Khoản 2 Điều 23 mà ông Nguyễn Văn Hiện đã phân tích trước đó để nhấn mạnh thêm: “Có rất nhiều loại Cục, Vụ. Có loại Cục, Vụ thuộc Bộ, nhưng cũng có loại thuộc Tổng cục, rồi phải làm rõ thế nào là biệt phái. Phong tướng ở đây không phải để hưởng chế độ chính sách, do đó tôi đề nghị phải xem lại để đảm bảo sự chặt chẽ của luật”.

Ngoài ra, nêu thí dụ từ Điều 24 quy định tại Khoản 1: “Chủ tịch nước phong, thăng cấp bậc hàm cấp Tướng đối với sĩ quan Công an nhân dân”; nhưng bên cạnh đó Khoản 2 quy định: “Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm các chức vụ Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh trong Công an nhân dân”, ông Phan Trung Lý nhận định: “Như vậy ở đây quy định như vậy là có mối quan hệ với nhau, nhưng cũng phải quy định thế nào để thấy rằng bổ nhiệm rồi cũng không nhất thiết Chủ tịch nước phải phong hàm luôn. Còn quy định như thế này thì chúng ta hiểu rằng cái này sẽ kéo theo cái kia, như vậy có đúng không?”

Ngọc Quang