Theo Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Phương, việc khái toán kinh phí của Đề án dựa trên định mức chi tài chính theo quy định của Bộ Tài chính và thực tiễn đổi mới chương trình, SGK lần trước.
Vì vậy, khái toán kinh phí của Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 sẽ gồm 5 phần chính.
Thứ nhất là biên soạn chương trình, SGK và sách giáo viên (SGV) gồm: Xây dựng chương trình tổng thể và chương trình các môn học của 12 lớp; biên soạn SGK, SGV; tổ chức thẩm định…với nguồn kinh phí khoảng 105 tỷ đồng.
|
Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa đang thu hút sự quan tâm của xã hội. Ảnh minh họa |
Phần thứ hai, tổ chức dạy thử nghiệm dự kiến tiến hành năm học 2016-2017 tại 600 trường (chiếm khoảng 2% tổng số trường) với 340 nghìn học sinh (gồm tập huấn bồi dưỡng; đánh giá hoàn thiện SGK, SGV và cấp SGK thử nghiệm miễn phí cho toàn bộ học sinh các trường thử nghiệm và SGV cho khoảng 20 nghìn người...) với nguồn kinh phí khoảng 910 tỷ đồng.
Phần thứ ba, triển khai dạy học đại trà theo chương trình, SGK mới (từ năm học 2018-2019 đối với các lớp đầu cấp) dự kiến kinh phí khoảng 8.150 tỷ đồng (gồm triển khai dạy đại trà trên khoảng 30.000 trường với 15 triệu học sinh; tập huấn bồi dưỡng dạy học đại trà chương trình, SGK mới cho khoảng 900 nghìn cán bộ, giáo viên…).
Theo chánh văn phòng bộ này, số kinh phí khái toán không phải là nguồn do Bộ sử dụng để triển khai đổi mới mà chủ yếu là kinh phí theo quy định tài chính hiện hành có liên quan đến cả một số bộ, ngành, địa phương.
Ông Phương lấy ví dụ, nguồn kinh phí trang thiết bị dạy học là 20.100 tỷ đồng phần lớn do Bộ Tài chính phân bổ cho các địa phương theo hoạt động đầu tư ngân sách.
Mặt khác, khái toán kinh phí trong Đề án bao gồm cả phần chi thường xuyên hằng năm như hiện nay, nếu không đổi mới vẫn phải chi (nếu không thực hiện đổi mới thì nguồn kinh phí hằng năm chi cho công tác thiết bị vẫn chiếm khoảng 50% so với khái toán kinh phí đổi mới; công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên theo quy định hiện nay là 120 tiết/giáo viên/năm thì đổi mới là 200 tiết/giáo viên/năm (tăng 80 tiết)…
Đáng chú ý, để thực hiện triển khai việc dạy học đại trà theo chương trình, SGK mới cần thực hiện đầu tư trang thiết bị dạy học (gồm bổ sung thay thế khoảng 50% thiết bị dạy học tối thiểu đã có; trang bị mới thiết bị do chương trình, SGK mới yêu cầu…) với nguồn kinh phí khoảng 20.100 tỷ đồng.
Phần còn lại là ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng kênh truyền thông giáo dục phục vụ đổi mới chương trình, SGK mới gắn với xây dựng xã hội học tập; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá với kinh phí dự kiến khoảng 5.010 tỷ đồng.
Xuân Trung