Reuters ngày 21/4 phân tích, quyết định ký kết hiệp định Geneva hồi tuần trước của Nga không có nghĩa là điện Kremlin sẽ tự rút lui, mà nó có nghĩa là Tổng thống Vladimir Putin đã sẵn sàng kiên nhẫn trong việc theo đuổi mục tiêu cuối cùng của mình.
Theo Reuters, mục đích trên và những động thái gần đây của Nga dường như đã chỉ ra rằng ông Putin đang chờ đợi ngày có thể tái đoàn kết các dân tộc nói tiếng Nga, gồm cả những người sống ở biên giới Ukraine về một ngôi nhà chung.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Như một chiến thuật cao tay, ông Putin hiểu rằng việc đẩy nhanh quá trình để đạt được tham vọng này có thể sẽ gây tổn hại cho nước Nga mà trong thực tế đã được chứng minh thông qua các mối đe dọa cấm vận cứng rắn của phương Tây và nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga ở châu Âu.
Việc ký kết Hiệp định Geneva cho thấy phương Tây đã sẵn sàng thỏa hiệp, nhưng với Moscow nó chỉ là một chiến thuật.
"Bây giờ, điều quan trọng là chuẩn bị cho tình huống cuộc khủng hoảng tại Ukraine sẽ kéo dài. Hiệp định có thể bị phá vỡ và được lập lại một lần nữa. Nhưng Nga sẽ không thụt lùi mà sẽ tiến lên", Fyodor Lukyanov - Biên tập viên của tờ tạp chí "Russia in Global Affairs" do Ngoại trưởng Nga phụ trách cho biết.
Putin sẽ không chủ động can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine trong thời gian tới. Nhưng châu Âu sẽ phải học cách thích ứng với một tương lai bấp bênh về nguồn cung cấp khí đốt từ Nga khi mà các mối đe dọa trừng phạt có thể làm gián đoạn nó.
|
Việc ký kết Hiệp định Geneva cho thấy phương Tây đã sẵn sàng thỏa hiệp, nhưng với Moscow nó chỉ là một chiến thuật. |
Theo Reuters, mục tiêu chính của Nga ở Ukraine là có giới hạn. Đó là bảo vệ an ninh của Nga, chống lại sự mở rộng của NATO và giúp đỡ người nói tiếng Nga ở Ukraine nếu họ bị đe dọa.
Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao châu Âu đã bày tỏ hoài nghi rằng việc ký kết thỏa thuận Geneva chỉ là một chiến thuật, mồi nhử của Moscow.
Bằng cách ngồi vào bàn đàm phán, điện Kremlin sẽ làm giảm áp lực ngoại giao lên mình và kiếm thêm thời gian trước khi lệnh trừng phạt mới được áp đặt.
Đàm phán và thỏa hiệp chỉ là một phần của chiến thuật của Putin, một nhà ngoại giao nói với Reuters với điều kiện giấu tên và nhấn mạnh rằng theo ý kiến của riêng ông thì Putin muốn cả Ukraine.
Đằng sau những bác bỏ, điện Kremlin dường như cũng đã hé lộ mục tiêu thực sự của Nga ở Ukraine. Tại chương trình đối thoại trực tiếp với người dân hôm 17/4, Tổng thống Putin có lúc đã nói rằng dưới thời Nga hoàng, phần lớn miền đông và miền nam Ukraine thuộc về Nga với tên gọi Novorossiya (nghĩa là nước Nga mới).
"Tất cả những vùng lãnh thổ đó đã được chuyển giao cho Ukraine trong những năm 1920 bởi chính phủ Liên Xô. Tại sao họ làm điều đó chỉ có Chúa mới biết," ông Putin nói.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama. |
Tuyên bố này sau đó được củng cố bởi lời phát biểu của một cựu cố vấn kinh tế của ông Putin tên là Andrei Illarionov, người viết trên blog cá nhân của mình rằng: "Mục tiêu (của Nga) là Novorossiya. Đây là sứ mệnh lịch sử của người Nga".
Phát ngôn viên của ông Putin, Dmitry Peskov khi được yêu cầu giải thích về những gì Tổng thống Putin đã nói về "Novorossiya" và biên giới thời Sa hoàng, đã từ chối bình luận.
Trong khi đó, Russia Today dẫn ý kiến của chuyên viên phân tích quân sự Mỹ Ralph Peters cho biết, các thỏa thuận gần đây tại Geneva là chiến thắng của ông Putin, nhưng là thất bại của Tổng thống Mỹ.
Nhà phân tích Mỹ thừa nhận rằng thời điểm hiện nay Tổng thống Nga là “chính trị gia mạnh nhất, hiệu quả nhất và sáng chói nhất trên vũ đài quốc tế”. Trong khi đó, ông Obama không có một số tố chất như ở Tổng thống Nga – đó là khả năng tư duy về triển vọng dài hạn và cố gắng thấy trước những gì sẽ diễn ra trong những thập kỷ tới.
“Tầm nhìn xa này đem lại cho ông ấy (Vladimir Putin) sức mạnh khổng lồ", nhà phân tích người Mỹ nhận xét.
Nguyễn Hường