Thưa GS. NGND Phan Huy Lê, ông có chia sẻ gì về cách dạy và học lịch sử ở trường phổ thông hiện nay, việc đổi mới phương pháp dạy sẽ làm thay đổi việc học sử không?
GS. NGND Phan Huy Lê: Cải cách thi cử là cần thiết nhưng thi phổ thông với cách như vừa rồi có lẽ Bộ GD&ĐT chưa lường hết hệ quả của nó. Kết quả đăng ký chọn sử rất ít, có trường không học sinh nào chọn sử. Thực trạng như thế, dư luận có hai xu hướng, xu hướng thứ nhất là lo lắng vị thế môn xã hội thấp xuống và làm ảnh hưởng đến việc học sử. Nhưng xu hướng thứ hai cho rằng không quá lo lắng do học sinh phải tính toán liên quan đến thi đại học nên đó là sự tính toán thông minh tất yếu.
GS. NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam. |
Cá nhân tôi nghĩ với cách thi như thế thì hoàn toàn không ngạc nhiên khi học sinh sẽ bỏ môn sử và môn địa, sẽ chọn các môn tự nhiên. Tính toán về lợi ích của học sinh là hoàn toàn hợp lý. Nhưng về phương diện thứ hai tôi nhấn mạnh là yêu cầu giáo dục toàn diện. Hiện chúng ta chưa phân ban, có nghĩa yêu cầu giáo phổ thông phải bao gồm các môn. Cách thi như hiện nay thì không riêng môn sử mà các môn xã hội nói chung cũng bị hạ thấp, coi là môn phụ.
GS. NGND Phan Huy Lê: Việc này không do môn sử không hấp dẫn, cũng không phải do học sinh quay lưng mà hoàn toàn do giáo dục môn sử ở trường phổ thông hiện nay. Quan điểm về dạy sử là môn phụ, cách dạy môn sử hiện nay ai cũng phải chán, tôi cũng chán. Toàn sự kiện, thừa mà lại thiếu nhiều cái quan tọng, thiếu sức hấp dẫn, chương trình, sách giáo khoa như thế, dạy như thế, tôi nghĩ học sinh chán sử là tất yếu.
Nói học sinh quay lưng với sử theo tôi hơi quá đáng, nhưng hiện học sinh không thích môn sử là thực trạng phổ biến. Tôi cho rằng với cách dạy hiện nay, với chương trình và sách giáo khoa hiện nay thì điều đó là tất yếu.
Chương trình nặng kiến thức, sự kiện, trí nhớ như thế thì với tuổi trẻ đầy năng động, đầy sức sống như thế rõ ràng các em không chấp nhận được và trong một mức độ nào đó thì thái độ không thích sử, bày tỏ sự không đồng tình với nội dung và phương pháp dạy hiện nay theo tôi là tích cực, đó là bày tỏ thái độ chủ động, năng động hơn của tuổi trẻ, phản ứng và không chấp nhận lối dạy đó, phải thay đổi cách dạy và học sử.
Theo ông có cần phải làm một cuộc chấn hưng đối với môn lịch sử cũng giống như chúng ta đang làm cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục?
GS. NGND Phan Huy Lê: Phải đặt môn sử trong cả hệ thống giáo dục phổ thông, không thể tách ra được. Muốn thay đổi môn sử phải thực hiện nó trong tổng thể, tức là trong đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông, môn sử cũng phải được thay đổi trong toàn bộ hệ thống của nó, từ nhận thức về môn sử như thế nào, dạy sử nhằm mục đích gì, môn sử góp sức gì vào đào tạo con người ở lớp trẻ, từ đó mới xác định học cái gì, học như thế nào.
Những học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh gỏi môn lịch sử do Bộ GD&ĐT tổ chức sẽ là nguồn động lực cho các bạn noi theo. Ảnh chụp trong Lễ tuyên dương, trao thưởng cho học sinh đạt giải nhất, nhì ba trong kỳ thi học sinh giỏi môn lịch sử sáng ngày 22/4. Ảnh Xuân Trung |
Đó là hàng loạt câu hỏi phải trả lời trong nhận thức về môn sử và thể hiện nó trong chương trình môn sử, sau đó là biên soạn sách giáo khoa, sách giáo khoa cực kỳ quan trọng. Theo tôi sách giáo khoa hiện nay không thể chấp nhận được, phải thay đổi về căn bản. Việc đào tạo giáo viên cũng phải đào tạo đáp ứng yêu cầu mới của cuộc cải cách dạy và cách học của học sinh. Cách dạy và cách học của học sinh cũng phải thay đổi.
Trong thời gian qua nhiều học giả, chuyên gia, các thầy cô giáo rất ủng hộ đưa môn sử là môn thi bắt buộc, nhưng học sinh dường như không thích điều đó, ông nghĩ sao?
Tôi nghĩ phải có những môn bắt buộc, không nên vắng sử. Nếu tổ chức thi như cải cách của Bộ GD&ĐT, thực tế là loại trừ môn sử. Chúng ta hình dung như thế nào nếu học sinh lớn lên trở thành công dân mà hiểu biết về sử mờ mịt, thiếu hệ thống và thiếu căn bản? Từ đó không chỉ thiếu kiến thức mà còn liên quan đến vấn đề tính cách, ý thức công dân, dân tộc, theo tôi vấn đề này hết sức cơ bản và cần có sự nghiên cứu có trách nhiệm.
GS. NGND Phan Huy Lê: Ở mình thiếu định hướng vững vàng trên một nền tảng vững chắc mà thường chênh vênh, chuyển từ cực đoạn này sang cực đoạn khác, các lĩnh vực khác kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như vậy.
Lỗi hệ thống trong giáo dục hiện nay tôi cho không phải là khiếm khuyết bộ phận, mà khiếm khuyết hệ thống nên nếu mình chỉ chữa từng bộ phận thì nó thành chắp vá. Ví dụ như môn sử, sách nặng nề như vậy thì bổ sung, bỏ bớt đi, bộ vừa làm như vậy thành chắp vá. Sách không chỉ dùng cho thầy giáo, học sinh mà nó chứa đựng trong đó cả vị thế và chức năng của môn học. Khi chương trình chưa thay đổi thì sửa sách giáo khoa không có ý nghĩa gì cả, có chăng chỉ điều chỉnh một ít, bổ sung một vài cái, gạt bỏ một vài cái.
Phải thay đổi từ hệ thống nên vấn đề đặt ra là phải hiểu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là cả hệ thống, trong đó có nhiều hệ thống con, từng bộ môn, từng cấp học.