Bác sĩ Nguyễn Thu Hương, trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay. từ khi dịch sởi bùng phát đến nay, hàng ngày bệnh viện phải tiếp nhận từ 50 đến 60 bệnh nhân sởi. Chủ yếu là trẻ nhỏ, độ tuổi từ 9 tháng đến 10 tuổi.
Tuy nhiên, số bệnh nhân phải nằm lại viện điều trị, tính từ khoảng đầu tháng 2/2014 đến thời điểm này là 184 người, hiện tại chỉ còn 40 bệnh nhân và chưa có trường hợp nào tử vong tại bệnh viện. Trong đó, bệnh nhân nặng là 2 người, còn lại là bệnh nhân trung bình. "Bệnh nhân nặng hầu như là những người chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh", bác sĩ nói.
Bác sĩ Nguyễn Thu Hương, trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn đang thăm hỏi bệnh nhân. (Ảnh: Diện Hứa) |
Bà Hương cũng nhấn mạnh, là một trong số rất nhiều đơn vị tiếp nhận và điều trị bệnh sởi, bệnh viện chúng tôi không thể nắm bắt hết tình hình dịch sởi trên cả nước, nhưng theo dự cảm và từ thực tế điều trị của bệnh viện, thì dịch sởi đang có xu hướng giảm. Mức độ bệnh đã được khống chế.
Ngay ngày đầu dịch bùng phát, Sở y tế TP Hà Nội đã có buổi tập huấn cho các bác sĩ trong khoa để học tập phương án điều trị tốt nhất. Theo đó, bệnh viện thường xuyên tổ chức những buổi giao ban hàng ngày để rút kinh nghiệm và triển khai cách điều trị mới.
Trước tiên, nhằm có phương pháp tốt nhất cho bệnh nhân, bệnh viện đã phân loại các bệnh nhân theo trạng thái bệnh: nhẹ, trung bình và nặng để có phương án điều trị riêng. Trường hợp nhẹ, bác sĩ kê đơn thuốc, dặn dò người nhà bệnh nhân chăm sóc và theo dõi diễn biến để đến ngay cơ sở y tế khi có chuyển biến nặng. Đối với bệnh nhân mắc sởi trạng thái bình thường sẽ được tiêm kháng sinh và điều trị tại bệnh viện. Đặc biệt, với bệnh nhân nặng cần cho thở bằng máy thở hỗ trợ hô hấp. Điều trị theo phác đồ cũng được bệnh viện áp dụng khá thành công với các bệnh nhân sởi. Tuy nhiên, phương pháp này thường xuyên được thay đổi để phù hợp với thực tế.
Bác sĩ bệnh viện hướng dẫn gia đình bệnh nhân cách sử dụng máy thở. (Ảnh: Diện Hứa) |