Rủi ro Bitcoin và sự “đầu hàng” của cơ quan quản lý?

27/04/2014 09:58
NHẤT NGÔN
(GDVN) - Ngày 26/4, chuyên gia Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đưa ra nhận định, cảnh báo và khuyến nghị về việc quản lý đồng tiền “ngang hàng” Bitcoin.

Một xu hướng mới nổi lên trong thời gian gần đây là sự xuất hiện ngày càng nhiều các đồng tiền “ngang hàng”, với mức độ phổ biến và sự quan tâm ngày càng lớn. 

Khác với các đồng tiền truyền thống, các đồng tiền “ngang hàng” không do một thực thể duy nhất chịu trách nhiệm phát hành, bảo đảm và thực hiện chức năng thanh toán bù trừ.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, các đồng tiền này có được nhờ nỗ lực “khai thác” của các thành viên và số tiền đào được giảm dần theo thời gian. Có nhiều loại tiền “ngang hàng” như vậy, phổ biến nhất cho tới nay là Bitcoin với nhiều diễn biến tăng giảm khá mạnh trong thời gian gần đây.

Sự xuất hiện của các đồng tiền “ngang hàng” nói chung và Bitcoin nói riêng gặp phải nhiều phản ứng khác nhau. Một số ít các quốc gia như Đức và Singapore công nhận đồng Bitcoin, nhiều sàn giao dịch Bitcoin có quy mô lớn và nhiều doanh nghiệp chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền này.

Quản lý đồng tiền "rủi ro" cao Bitcoin ra sao?
Quản lý đồng tiền "rủi ro" cao Bitcoin ra sao?

Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã tuyên bố cấm hoặc không bảo trợ các đồng tiền “ngang hàng” (ví dụ Bitcoin) như một phương tiện thanh toán.

Các lý do chính cho lệnh cấm này là việc các đồng tiền này có thể phục vụ cho hoạt động rửa tiền, tài trợ cho khủng bố v.v… trong khi chịu rủi ro bị ăn cắp qua mạng.

Chuyên gia kinh tế của Quốc hội nhận định, rủi ro đối với hệ thống tài chính quốc tế giảm dần, song rủi ro đối với các nhà đầu tư đã tham gia đào và giao dịch các đồng tiền này ngày càng lớn hơn, nhất là sau khi sàn giao dịch Mt.Gox tuyên bố phá sản.

“Tuy nhiên, trên thực tế sự phát triển và phổ biến của đồng tiền “ngang hàng” như Bitcoin vẫn ngày càng lớn mạnh. Nhiều dịch vụ như thanh toán học phí, mua bán hàng qua mạng, thanh toán một số hàng hóa như Cà phê, máy đổi tiền sang Bitcoin v.v… vẫn tồn tại và nằm ngoài ý chí chủ quan của cơ quan quản lý cũng như các ngân hàng Trung ương”- Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết.

Các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra khuyển nghị: “Điều cần làm hiện tại là đánh giá sớm và đẩy đủ những tác động có thể của tiền “ngang hàng” và chuẩn bị các chiến lược “ứng phó” chủ động”.

Thời gian qua, Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam đã tiến hành thông báo website www.bitcoinvietnam.com.vn theo thủ tục thông báo website TMĐT bán hàng với Cục TMĐT & CNTT. Website này hoạt động theo mô hình sàn giao dịch, nơi cho phép các thành viên lên trao đổi, mua bán Bitcoin. 

Tuy nhiên, Cục TMĐT&CNTT đã từ chối hồ sơ thông báo của website này với lý do: “Việc thông báo website chỉ áp dụng đối với các website TMĐT bán hàng, trên đó người bán phải cung cấp thông tin cho khách hàng để có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ khi quyết định giao kết hợp đồng.

Hiện tại, tiền ảo Bitcoin chưa được quy định là hàng hóa hay dịch vụ trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 52/2013/NĐ-CP”.

Bitcoin bắt đầu được giao dịch trên sàn Mt.Gox vào tháng 6/2010, đến năm 2013, Bitcoin được sử dụng trên cả phương diện thanh toán, giao dịch hàng hóa và tài sản đầu tư.

Trước đó, hồi tháng 2/2014, theo NHNN, Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi chính phủ, hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng Internet ngang hàng.

Thực tế đầu năm 2014, giá Bitcoin đã sụt giảm mạnh sau khi hai sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới là Mt.Gox và BitStamp tạm ngừng cho khách hàng rút tiền vì sự cố kỹ thuật và nhà chức trách Mỹ bắt giữ 4 nhân vật bị tình nghi đã sử dụng Bitcoin cho các giao dịch tội phạm.

Ngày 25/2/2014, sàn Mt.Gox đã bất ngờ đóng cửa khiến hàng triệu USD của thành viên mạng lưới Bitcoin đứng trước nguy cơ mất trắng. 

Tại Việt Nam, việc “đào” và đầu tư vào Bitcoin bắt đầu có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Việc sở hữu Bitcoin do “khai thác” được tại Việt Nam là rất ít mà chủ yếu là mua qua một số sàn giao dịch. NHNN khẳng định theo các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam...

Sự xuất hiện của Bitcoin đã gây ra nhiều tác hại, rủi ro cho người sử dụng như:

Thứ nhất, các giao dịch bằng Bitcoin có tính ẩn danh cao nên Bitcoin có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp.

Thứ hai, Bitcoin là tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số nên nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn.

Thứ ba, do giá trị đồng Bitcoin biến động mạnh và phức tạp trong thời gian ngắn nên hoạt động đầu tư vào Bitcoin ẩn chứa nhiều nguy cơ về bong bóng, tiềm ẩn gây thiệt hại cho người đầu tư.

Thứ tư, Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó, người sở hữu Bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi.

 
NHẤT NGÔN