Tổng cục Thuế thừa nhận chống chuyển giá “không đơn giản”

27/04/2014 15:41
Một trong những nguyên nhân khiến hoạt động chống chuyển giá gặp khó khăn là do hợp tác giữa các nước trong chống chuyển giá không hề đơn giản.

Ông Phạm Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Thuế) cho biết, một trong những nguyên nhân khiến hoạt động chống chuyển giá gặp khó khăn là do hợp tác giữa các nước trong chống chuyển giá không hề đơn giản.

- Từ năm 2010, cơ quan thuế đã tập trung thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá, nhưng dường như tình trạng này chưa được đẩy lùi, thưa ông?

Ông Phạm Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Thuế).
Ông Phạm Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Thuế).


Ông Phạm Thanh Tùng:
Từ năm 2010 đến hết năm 2013, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra 4.857 doanh nghiệp có giao dịch liên kết bị nghi ngờ có hoạt động chuyển giá. Kết quả là, cơ quan thuế đã ra kết luận truy thu 4.200 tỷ đồng, giảm lỗ 11.000 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng 335 tỷ đồng đối với hàng ngàn doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.

Trong đó, năm 2013, cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra 2.110 doanh nghiệp, đã truy thu, truy hoàn, phạt hơn 988 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng gần 137 tỷ đồng, buộc các doanh nghiệp phải giảm lỗ hơn 4.192 tỷ đồng. Kết quả trên cho thấy, công tác thanh tra, kiểm tra trong giao dịch liên kết ngày càng hiệu quả hơn.

- Nhưng kết quả đó cũng cho thấy, hoạt động chuyển giá trong giao dịch liên kết ngày càng diễn biến phức tạp?

Ông Phạm Thanh Tùng:
Nói hoạt động chuyển giá ngày càng diễn biến phức tạp hơn là chưa chính xác, bởi hoạt động này diễn ra từ rất lâu, không chỉ doanh nghiệp nước ngoài, mà doanh nghiệp trong nước cũng chuyển giá và chuyển giá không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà diễn ra ở khắp nơi trên thế giới. Từ thực tế đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã tổng kết hàng chục hình thức chuyển giá để khuyến cáo cơ quan thuế các nước trên thế giới.

Số lượng doanh nghiệp bị phát hiện, số tiền truy thu, giảm lỗ, giảm khấu trừ qua thanh tra, kiểm tra nêu trên cho thấy, công tác chống chuyển giá ngày càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chống chuyển giá là nghiệp vụ hết sức phức tạp, đặc biệt cần sự phối hợp giữa các quốc gia.

Cũng cần nói thêm rằng, trên thế giới, chuyển giá được coi là hoạt động bình thường của doanh nghiệp, nên công tác chống chuyển giá là nhiệm vụ bình thường, thường xuyên, liên tục của ngành thuế. Khi coi đây là nhiệm vụ bình thường, thì cơ quan thuế phải có các giải pháp hữu hiệu, đồng bộ, đặc biệt cần thiết lập, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin liên quan đến giao dịch của doanh nghiệp.

- Theo khuyến cáo của OECD, muốn chống chuyển giá hiệu quả, cơ quan thuế các nước phải hợp tác chặt chẽ với nhau. Thưa ông, hợp tác giữa cơ quan thuế Việt Nam và các nước trên thế giới đang ở mức độ nào?

Ông Phạm Thanh Tùng:
Muốn biết giao dịch hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp có sát giá thị trường hay không thì phải có thông tin. Cơ quan thuế có thể khai thác thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau, trong đó có thông tin rất quan trọng là do cơ quan thuế các nước cung cấp.

Từ cuối năm 1992, Việt Nam đã đàm phán và ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần với nhiều nước trên thế giới. Đến nay, Việt Nam đã ký kết hiệp định này với khoảng 70 quốc gia. Một trong những nội dung quan trọng của hiệp định này là cơ quan thuế các nước có trách nhiệm cung cấp thông tin cho nhau.

Muốn cơ quan thuế nước ngoài cung cấp thông tin, thì mình phải có địa chỉ cụ thể về doanh nghiệp nào đó, nội dung thông tin đề nghị cung cấp cụ thể là gì... Tuy nhiên, để có những thông tin này không hề dễ dàng, vì một mặt, cơ quan thuế nước ngoài cần có thời gian để tra cứu, tìm hiểu; mặt khác, vì lợi ích doanh nghiệp nước họ, nên cơ quan thuế nước ngoài cung cấp thông tin thường chậm hoặc cung cấp không đầy đủ.

- Trong những trường hợp đó, chẳng lẽ cơ quan thuế “bó tay”?

Ông Phạm Thanh Tùng:
Theo tổng kết của OECD, để xử lý được một vụ chuyển giá, thì ngay cả các nước tiên tiến, với công nghệ quản lý thuế hiện đại, có rất nhiều thông tin để phân tích, so sánh cũng phải mất 1 - 2 năm. Có nghĩa là, muốn chống chuyển giá thành công, cần có thời gian khai thác thông tin liên quan đến các giao dịch của doanh nghiệp từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có cơ sở dữ liệu thông tin của cơ quan thuế, các bộ, ngành, thông tin tự khai thác ở trong và ngoài nước, thông tin do cơ quan thuế nước ngoài cung cấp.

Tất cả thông tin mà cơ quan thuế có được, kể cả thông tin do cơ quan thuế nước ngoài cung cấp, chỉ mang tính chất tham khảo để cơ quan thuế đưa ra các căn cứ chứng minh giao dịch của doanh nghiệp không theo thị trường, chứ không phải là cơ sở để kết luận doanh nghiệp có chuyển giá hay không.

Tóm lại, muốn chống chuyển giá hiệu quả, cơ quan thuế phải chủ động khai thác nhiều nguồn thông tin khác nhau; xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, ngành hàng đầy đủ, kịp thời, đồng bộ; thực hiện các cơ chế, chính sách, quy trình, nghiệp vụ.