Tổng thống Mỹ Obama đến thăm Philippines ngày hôm nay. |
Hãng Tân Hoa Xã ngày 28/4 có bài bình luận xung quanh hiệp định hợp tác quân sự nâng cao Philippines - Mỹ trong chuyến công du Manila của Tổng thống Barac Obama, trong đó kêu gọi Washington "cẩn thận" với "xúi giục" của Philippines bởi nó có thể làm đảo lộn cân bằng của Mỹ ở châu Á.
Ông Obama bắt đầu chuyến thăm chính thức Philippines sáng hôm nay 28/4, điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình công du 4 nước châu Á được thúc đẩy để tái cân bằng trục chiến lược khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trước khi ông Obama đặt chân tới Manila, 2 nước đã ký kết hiệp định hợp tác quốc phòng nâng cao của họ cho phép sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ tại quốc gia Đông Nam Á này. Hiệp định đã được Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Đại sứ Mỹ Philip Goldberg ký chỉ vài giờ trước khi ông Obama tới.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc bình luận, động thái này là đặc biệt đáng lo ngại vì nó có thể khuyến khích Manila "quyết đoán, thậm chí liều lĩnh hơn" trong việc đối phó với Bắc Kinh, thổi bùng căng thẳng trong khu vực.
Tân Hoa Xã một lần nữa cáo buộc Philippines là "kẻ chuyên gây rối ở Biển Đông" bất chấp mọi "nỗ lực của Bắc Kinh tìm kiếm giải pháp thương thượng song phương", nhưng chính quyền Tổng thống Aquino vẫn "phản bội cam kết về đàm phán và tự ý khởi kiện ra trọng tài quốc tế"?!
Obama không đi thăm Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh luôn phủ bóng lên nội dung các cuộc hội nghị thượng đỉnh của Mỹ với các đối tác ở Đông Á. Người Philippines sử dụng hình nộm Tập Cận Bình - Obama trong chuyến công du của Tổng thống Mỹ đến quốc gia này. |
Bằng cách thúc đẩy thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ vào thời điểm này, chính quyền Tổng thống Aquino đã có ý định rõ ràng muốn đối đầu với Trung Quốc với sự ủng hộ của Mỹ, Tân Hoa Xã kết luận.
Tuy nhiên, theo hãng tin nhà nước Trung Quốc, chuyến thăm 4 nước Đông Á của Tổng thống Obama cho thấy ông đang cố gắng tìm cách cân bằng tinh tế giữa trục chiến lược châu Á và quan hệ Mỹ - Trung ngày càng mở rộng. Obama đã làm các đối tác của họ tan vỡ ảo tưởng rằng Washington sẽ giúp họ trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc?!
Dẫn lời Ted Galen Carpenter, một thành viên cao cấp viện Cato, Tân Hoa Xã cảnh báo: Mỹ sẽ mắc sai lầm chiến lược lớn nhất nếu cùng lúc đối đầu với 2 cường quốc, trong đó bao gồm cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất giữa Mỹ và Nga xung quanh vấn dề Ukraine.
Tân Hoa Xã nhắc nhở Mỹ "cảnh giác với xúi giục của Manila".
Trên thực tế, trong suốt hành trình công du 4 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và bây giờ là Philippines, ông Obama liên tục cảnh báo nước lớn không nên bắt nạt các nước nhỏ, động thái được giới truyền thông xem như tham chiếu đến tham vọng địa chính trị ngày càng lớn của Trung Quốc.
Tại Malaysia, Obama tuyên bố: Tranh chấp cần phải được giải quyết một cách hòa bình, không đe dọa hoặc cưỡng ép. Tất cả các bên phải tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn luật pháp quốc tế.
Trung Quốc liên tục tăng cường các hoạt động củng cố yêu sách bất hợp pháp trên Biển Đông, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá Vành Khăn đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép trở thành căn cứ đứng chân chiến lược bất hợp pháp của Bắc Kinh. |
Tuy nhiên, Ben Rhodes, Phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ cho rằng Mỹ đã đưa ra cam kết rất cụ thể với Nhật Bản trong vấn đề Senkaku nhưng không thể làm điều tương tự ở Biển Đông bởi tính phức tạp của vấn đề.
John Blaxland, một nhà phân tích an ninh tại đại học Quốc gia Úc cho rằng thỏa thuận hợp tác quốc phòng Mỹ - Philippines chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh tìm cách siết chặt thêm cuộc đối đầu với Philippines trên Biển Đông.
Michael Green, chuyên gia các vấn đề châu Á và Nhật bản tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược quốc tế bình luận, hiệp định hợp tác quân sự Mỹ - Philippines mở rộng vừa kí kết không chỉ giúp bảo vệ Manila mà còn phân tán lực lượng của Mỹ trong khu vực tốt hơn.