Mấy ngày nay khi dư luận đang phát sốt vì dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị đội giá 339 triệu USD thì đùng một cái ông Nguyễn Hữu Thắng - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam bị “vạ miệng”. Nguyên văn lời của ông Thắng được báo chí đăng tải như sau: “Mình đã làm hết mức rồi, nhìn các dự án như tuyến số 3: Nhổn - Ga Hà Nội 2 lần khởi công đến giờ phút này đã làm được gì đâu. Chúng tôi làm được nhiều cũng không ai khen ngợi hết, điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên”.
Ngay lập tức, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thể hiện uy quyền của mình bằng một quyết định tạm đình chỉ công tác với ông Thắng với lý do “kỷ luật phát ngôn”. Và tới hôm qua, Bộ GTVT tiếp tục “bổ sung” thêm thông tin, việc đình chỉ chức vụ của ông Thắng còn là để kiểm điểm tiến độ của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Đại đa số các ý kiến đều bày tỏ sự ủng hộ với cách “xử” của Bộ trưởng Đinh La Thăng, bởi vì đó là hành động cần thiết để chấn chỉnh lại ngành giao thông vốn bị coi là có quá nhiều “ung nhọt” trong cả chục năm trở lại đây.
Nếu để ý có thể thấy những bất ổn nhiều năm qua của ngành đường sắt đã lọt vào “tầm ngắm” của vị Tư lệnh ngành giao thông. Nhớ lại trong cuộc họp bàn về việc nâng cao năng lực, chất lượng vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không để giảm tải cho vận tải đường bộ diễn ra chiều 18/4, Bộ trưởng Thăng đã bày tỏ rõ thái độ không hài lòng với ngành đường sắt: “Muốn phát triển thì phải đổi mới, phải trải thảm đỏ mời chào khách hàng, thế nhưng đằng này lại tỏ thái độ độc quyền, bao cấp để chờ người ta đến. Ngành đường sắt trồng cây sung rồi ngồi chờ sung rụng, làm việc theo kiểu quả trứng - con gà”.
Từ sự quyết liệt của Bộ GTVT, nhìn sang Hà Nội vẫn thấy “lặng như tờ”. Nhiều người đã đặt câu hỏi: Hà Nội chậm trễ GPMB dẫn tới dự án này bị đội giá 25 triệu USD (tương đương 520 tỷ đồng) thì những ai phải chịu trách nhiệm? Liệu có “tướng” nào bị “trảm”?
Bi hài nhất là ngay cả khi Chính phủ đã ra “tối hậu thư” là phải hoàn thành GPMB các hạng mục đường điện vào tháng 8/2013, nhà dân vào tháng 11/2013 và hạng mục nghĩa trang Vân Nội trong tháng 12/2013… thì tới tận tháng 3/2014 Hà Nội vẫn không làm nổi. Nhìn ở một góc độ nào đó có thể thấy là lãnh đạo Hà Nội vẫn tỏ ra “bất lực” với vấn đề GPMB vốn là điểm nghẽn cố hữu trong rất nhiều dự án ở Thủ đô. Có người bảo, cũng may mà Chính phủ đã có nhắc nhở, chứ nếu không thì thiệt hại không dừng lại ở con số 25 triệu USD.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, chỉ riêng việc chậm GPMB đã khiến dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông bị đội giá thêm 25 triệu USD. Ảnh: Ngọc Quang. |
Chưa hết, báo cáo giải trình về việc điều chỉnh dự án của Bộ GTVT gửi Thủ tướng nói rõ, GPMB và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật kéo dài, chi phí xây lắp tăng kéo theo các chi phí thuế GTGT, lãi vay, bảo hiểm vốn vay, phí các loại... cũng tăng thêm, dự kiến phải cần thêm 88,3 triệu USD (tương đương 1.900 tỷ đồng). Ai sẽ chịu trách nhiệm về khoản tiền bị đội lên khủng khiếp như vậy?
Mọi sự lãng phí ngân sách (tiền thuế của dân) đều không thể chấp nhận được, nhưng trên thực tế thì chuyện đội giá dự án dường như đã trở thành căn bệnh trầm kha ở Việt Nam, trong đó có rất nhiều dự án ở Hà Nội.
Có thể kể tới đó là dự án cầu Vĩnh Tuy khởi công từ tháng 2/2005, dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2007 với số vốn đầu tư rất lớn – gần 3.600 tỷ đồng, nhưng đã bị chậm tiến độ gần 4 năm. Đã có thông tin cho rằng việc chậm tiến độ khiến dự án thiệt hại 130 tỷ đồng, nhưng sau buổi lễ khánh thành được tổ chức hoành tráng thì người ta cũng quên luôn trách nhiệm của những cá nhân, tập thể để xảy ra sự chậm chễ này.
Còn với dự án cầu Nhật Tân, cũng vì chậm GPMB nên nhà thầu Nhật Bản đòi bồi thường 200 tỷ đồng (phía Việt Nam lý giải với dân chúng là chi phí phát sinh). Và cho đến bây giờ cũng chưa quy được trách nhiệm cho ai.
Ở nhiều quốc gia phát triển, người đưa ra quyết định sẽ phải chịu trách nhiệm rất lớn nếu phạm sai lầm, ngay cả khi quyết định ấy chưa triển khai, trong khi đấy ở ta cứ có chuyện xảy ra là tìm cách đổ lỗi cho nhau, chẳng mấy khi quan chức dám đứng ra nhận trách nhiệm.
Tại một cuộc họp bàn cách tháo gỡ khó khăn cho dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 (Nhổn – ga Hà Nội) vào cuối tháng 2 vừa qua, Chủ tịch TP Hà Nội cũng đã đưa ra tối hậu thư là Từ Liêm phải hoàn thành GPMB chậm nhất vào 30/4. Ông Chủ tịch cũng dọa sẽ mời thanh tra công vụ vào cuộc để xử lý trách nhiệm.
Nhưng tất cả mới chỉ là hô khẩu hiệu! Bởi sau hàng loạt dự án chậm tiến độ ở trước đây thì Hà Nội cũng chưa cách chức được quan nào.