Xây dựng nhà trưng bày Hoàng Sa

29/04/2014 13:40
HOÀNG QUÂN
(GDVN) - Lấy hình tượng con dấu vua Minh Mạng trong Sắc chỉ thành lập hải đội Hoàng Sa năm 1835 để xây dựng nhà trưng bày Hoàng Sa.

Ngày 29/4, UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) cho biết đã chọn đồ án “Con dấu chủ quyền đất nước Việt Nam” của nhóm tác giả Fuminori Minakami (Nhật Bản) cùng kiến trúc sư Trần Quốc Thành và Nguyễn Huy Quang, công ty TNHH Kiến trúc VRIGHT (Nhật Bản) để xây dựng nhà trưng bày Hoàng Sa.

Đồ án của nhóm tác giả này đã vượt qua 42 đồ án khác để đạt giải nhì (không có giải nhất) của cuộc thi tuyển “phương án kiến trúc nhà trưng bày Hoàng Sa” do UBND huyện Hoàng Sa tổ chức vừa qua.

Đồ án được chọn để xây dựng "nhà trưng bày Hoàng Sa"
Đồ án được chọn để xây dựng "nhà trưng bày Hoàng Sa"

Theo đồ án thì công trình là kết quả của ứng dụng kỹ thuật mới và ngôn ngữ kiến trúc hiện đại trên nền không gian kiến trúc và điêu khắc Việt, sử dụng vật liệu đá tự nhiên với kỹ thuật chế tác đá nổi tiếng của các nghệ nhân Đà Nẵng và các vùng miền, dân tộc.

Hình tượng con dấu vua Minh Mạng trong Sắc chỉ thành lập hải đội Hoàng Sa năm 1835 trở thành dấu mốc khẳng định chủ quyền. Cấu trúc vuông hội tụ nguyên khó giao thoa của đất trời, hình vuông còn là hệ lưới tọa độ căn bản của Quốc tế để xác định vị trí lãnh thổ.

Hai khối chính của công trình hòa quyện vào nhau là biểu tượng của sự thống nhất ý trí, khẳng định vị trí và sự tồn tại của Hoàng Sa đã được xác nhận bởi thư tịch cổ trong nước cũng như trên thế giới, như  một minh chứng lịch sử cho chủ quyền biển đảo Hoàng Sa của Việt Nam được bạn bè quốc tế công nhận.

Khoảng giao thoa giữa hai khối chính của công trình là khối lõi trưng bày biểu trưng cột mốc của quyền Hoàng Sa của Việt Nam được đặt trên nền mặt nước. Dấu mốc chủ quyền là trung tâm cấu trúc của công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa và cũng là ý tưởng xuyên suất của phương án.

Nền dốc dùng màu đỏ, tượng trưng cho lá cờ tổ quốc, màu máu của những người con dân tộc đã ngã xuống để bảo vệ tổ quốc, cho trái tim, tâm hồn mỗi người Việt Nam, bao bọc xung quanh mốc chủ quyền thiêng liêng, thể hiện tư tưởng độc lập, tự chủ, tự cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với ý nghĩa đó, công trình sẽ là tiếng nói quan trọng củng cố niềm tin trong lòng công chúng về sự hiện hữ của một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.

Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và TP Đà Nẵng dự Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” vào tháng 1/2014 tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh H.Q
Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và TP Đà Nẵng dự Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” vào tháng 1/2014 tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh H.Q

Được biết, UBND huyện Hoàng Sa đã được UBND TP Đà Nẵng cấp cho một lô đất rộng 700m2 tại đường Hoàng Sa – Lê Văn Thứ để xây dựng “nhà trưng bày Hoàng Sa” và chuẩn bị khởi công xây dựng.

Công trình “nhà trưng bày Hoàng Sa” sẽ là nơi trưng bày các hiện vật, hình ảnh, tư liệu lịch sử, pháp lý cũng như các cơ sở về lịch sử, chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.

Đây cũng là địa chỉ để tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, nuôi dưỡng ý chí đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam; giúp cho bạn bè quốc tế hiểu thêm về Hoàng Sa và ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong việc thực thi, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

HOÀNG QUÂN