Bộ trưởng Thăng ra tối hậu thư với Cục trưởng đường sắt

01/05/2014 10:17
Ngọc Quang
(GDVN) - Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu ông Nguyễn Hữu Thắng – người vừa bị đình chỉ chức vụ phải báo cáo trước 7/5.

Như Báo Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, liên quan tới việc dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông bị đội giá lên 339 triệu USD, ngày 27/4, ông Nguyễn Hữu Thắng - Cục trưởng Cục đường sắt nói trên một tờ báo: “Mình đã làm hết mức rồi, nhìn các dự án như tuyến số 3: Nhổn - Ga Hà Nội 2 lần khởi công đến giờ phút này đã làm được gì đâu. Chúng tôi làm được nhiều cũng không ai khen ngợi hết, điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên”. Ngay lập tức, Bộ trưởng Bộ GTVT – ông Đinh La Thăng đã ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ của ông Thắng, do phát ngôn thiếu trách nhiệm với tư cách là chủ đầu tư, gây bức xúc trong dư luận.

Sau đó 2 ngày, Thứ trưởng Bộ GTVT – ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đình chỉ chức vụ của ông Thắng không chỉ vì vấn đề phát ngôn, mà vì cần phải làm rõ trách nhiệm trong việc dự án chậm tiến độ.

Thông tin mới nhất từ lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Bộ trưởng đã yêu cầu Cục trưởng Thắng phải gửi toàn bộ báo cáo về quá trình thực hiện thẩm định và quá trình triển khai dự án cũng như tổng mức đầu tư dự án trước ngày 7/5.

Ông Nguyễn Hữu Thắng phải báo cáo Bộ trưởng Đinh La Thăng trước 7/5.
Ông Nguyễn Hữu Thắng phải báo cáo Bộ trưởng Đinh La Thăng trước 7/5.

Dự án này khởi công vào tháng 10/2011 với tổng mức đầu tư hơn 552 triệu USD, trong đó vay vốn ODA Trung Quốc 419 triệu USD. Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế-cung cấp thiết bị-xây lắp, vận hành). Dự kiến tuyến đường sẽ khai thác vào tháng 6/2015.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án đã vướng mắc về GPMB và sự phối hợp thực hiện, kinh nghiệm của ban quản lý dự án và năng lực nhà thầu đã khiến dự án chậm trễ, đội vốn đầu tư. Sau đó, Bộ GTVT đã kiến nghị với Chính phủ xin điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 891 triệu USD (tức là thăng thêm 339 triệu USD).

Báo cáo giải trình về việc điều chỉnh dự án của Bộ GTVT gửi Thủ tướng nói rõ, riêng việc chậm chễ GPMB được cho là nguyên nhân đội thêm chi phí GPMB từ 37,57 triệu USD (theo Quyết định số 635 Bộ GTVT năm 2009) lên 62,63 triệu USD (tăng 25,06 triệu USD).GPMB và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật kéo dài, chi phí xây lắp tăng kéo theo các chi phí thuế GTGT, lãi vay, bảo hiểm vốn vay, phí các loại... cũng tăng thêm, dự kiến phải cần thêm 88,3 triệu USD.

Trước thông tin dư luận lo ngại về việc bỏ thầu giá rẻ, dây dưa chậm tiến độ khiến đội giá lên đến 62%, Chính phủ đã giao trách nhiệm cho Bộ GTVT nghiên cứu, lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, tiến hành thẩm định, quyết định và chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Theo ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT, bộ này đang tiến hành rà soát lại tất cả những hạng mục, nguyên nhân phát sinh tăng, đồng thời phối hợp với cơ quan tư vấn thiết kế rà soát lại thiết kế, kỹ thuật và biện pháp tổ chức thi công. Để đảm bảo tiến độ của dự án, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành làm việc với phía Trung Quốc để vay thêm vốn ODA cho phần vốn tăng thêm của dự án.

Do đây là dự án đầu tiên thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC, từ khi lập dự án cho tới phê duyệt, triển khai và thi công dự án là cả quá trình dài tới 5 năm, nên dự án đã chịu tác động rất nhiều từ biến động giá cả thị trường.

Theo Bộ GTVT, một trong những khó khăn, vướng mắc tại dự án này là sự chưa thống nhất về việc quản lý hợp đồng EPC. Theo thông lệ quốc tế, tổng thầu EPC chịu trách nhiệm toàn bộ về việc triển khai dự án, chủ đầu tư chỉ đóng vai trò quản lý, giám sát về chất lượng và tiến độ; nhưng theo quy định của Việt Nam thì chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn bộ về chất lượng, tiến độ của công trình và phải thực hiện các công việc quản lý chi tiết cho từng hạng mục.

Dự án bị đội giá tới 339 triệu USD đang gây ra nhiều bức xúc trong dư luận, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo phải làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tập thể.
Dự án bị đội giá tới 339 triệu USD đang gây ra nhiều bức xúc trong dư luận, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo phải làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tập thể.

Cũng liên quan tới ngành đường sắt, Bộ GTVT đã cho phép Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện quy trình bổ nhiệm ông Vũ Tá Tùng - Phó Tổng giám đốc giữ chức thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty, thay cho ông Nguyễn Đạt Tường. Trước khi giữ chức Phó Tổng giám đốc (từ tháng 8/2013), ông Tùng là Tổng giám đốc Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn.

Những thay đổi nhân sự mạnh mẽ ở ngành đường sắt những ngày qua cho thấy quyết tâm của Bộ trưởng Đinh La Thăng trong việc gây dựng hình ảnh thân thiện với người dân trên mỗi chuyến tàu.

Sau khi nhận được nhiều phản ánh không hài lòng từ người dân và cả các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng dịch vụ vận tải đường sắt, trong một cuộc họp bàn về phương án đổi mới dịch vụ đường sắt, Tư lệnh ngành giao thông đã nói gay gắt: "Ngành đường sắt đang rất khó khăn, đang rất nhiều việc phải làm nhưng cán bộ lại dành thời gian đi chơi golf nhiều hơn cả ngành hàng không. Thiếu việc làm nên người lao động phải nghỉ, nhiều công nhân cố làm nhưng lương rất thấp, không đảm bảo đời sống. Vậy không hiểu trước khi vác gậy đi chơi môn thể thao của giới thượng lưu thì những người “đứng đầu đứng mỏ” của ngành đường sắt có nghĩ gì về sự khốn khó của người lao động?”.

Ngọc Quang