"Châu Á hình thành liên minh chống nguy cơ xâm lược từ Trung Quốc"

03/05/2014 07:32
Hồng Thủy
(GDVN) - Với chính sách bành trướng lãnh thổ, Trung Quốc đã tự biến mình thành kẻ thù của gần như tất cả các nước láng giềng, Epoch Times bình luận
Học giả Edward Luttwak.
Học giả Edward Luttwak.

Epoch Times ngày 2/5 bình luận, cho đến gần đây Nhật Bản vẫn là đất nước bị hiến pháp cấm sử dụng chiến tranh để giải quyết tranh chấp quốc tế. Philippines nằm trong danh sách vi phạm bản quyền của Mỹ. Indonesia duy trì quan điểm trung lập. Không Tổng thống nào của Mỹ thăm Malaysia trong vòng 48 năm qua.

Tất cả những điều này bây giờ đã thay đổi sau khi ông Obama kết thúc chuyến công du 4 nước châu Á, gồm Nhật Bản, Philippines, Malaysia và Hàn Quốc. Một liên minh các nước châu Á hiện nay đang hình thành trong bối cảnh quân đội Mỹ đang tập trung vào châu Á. Cùng với đó là các thỏa thuận kinh tế mới, tăng cường quan hệ đối ngoại, tháo gỡ căng thẳng.

Tuy nhiên Trung Quốc không phải là 1 phần của liên minh này. Điều này là do thực tế với chính sách bành trướng lãnh thổ, Trung Quốc đã tự biến mình thành kẻ thù của gần như tất cả các nước láng giềng, Epoch Times bình luận. Trong năm qua, các hành động của Bắc Kinh cuối cùng đã thể hiện rõ hình ảnh giới chức Trung Quốc đã cố gắng xây dựng trong nhiều thập kỷ.

"Những gì xảy ra là Trung Quốc đã bỏ rơi chính sách trỗi dậy hòa bình của họ", Edward Luutwak, một chuyên gia từng tư vấn cho Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ bình luận.

Trung Quốc bắt đầu giảm dần chính sách trỗi dậy hòa bình của họ khi Bắc Kinh bắt đầu phô diễn sức mạnh của mình trong tuyên bố chủ quyền ở Hoa Đông và Biển Đông (xâm phạm chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia láng giềng).

Chính cách tiếp cận hung hăng của Trung Quốc trong các yêu sách chủ quyền (vô lý, bất hợp pháp) đã dẫn tới xu thế hình thành 1 liên minh chống lại (tham vọng bành trướng lãnh thổ của) Trung Quốc.

Các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đang khiến khu vực và quốc tế lo ngại.
Các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đang khiến khu vực và quốc tế lo ngại.

Căng thẳng lãnh thổ đạt tới cao trào tháng 11 năm ngoái khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố áp đặt cái gọi là khu nhận diện phòng không (ADIZ) đối với Hoa Đông và sau đó ban hành cái gọi là quy định nghề cá ở Biển Đông. 

Nghiêm trọng hơn, tàu Trung Quốc đã gần như đâm vào tàu cá và tàu quân sự của các quốc gia khác. Máy bay phản lực Trung Quốc bay theo, áp sát các máy bay trong khu vực, Epoch Times cho biết.

Cuối cùng, những gì Trung Quốc đã tạo ra là một môi trường vô cùng căng thẳng với ý đồ làm cho các nước khác cảm thấy sợ hãi mà từ bỏ yêu sách lãnh thổ của mình. Tuy nhiên kết quả hóa ra ngược lại hoàn toàn với mong muốn, dự tính của Bắc Kinh.

Luttwak cho rằng, tình hình hiện nay khác thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Các cuộc xung đột hiện nay với Trung Quốc rất khác: "Trong khu vực Thái Bình Dương có những quốc gia mạnh hơn Trung Quốc, GDP lớn hơn Trung Quốc và công nghệ hiện đại hơn Trung Quốc. Kết hợp lại, Ấn Độ và Nhật Bản mạnh hơn Trung Quốc."

Ông cho rằng sức mạnh của Trung Quốc đang mờ nhạt nhiều hơn sau những tháng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bị chậm lại, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc đẩy các nước láng giềng vào tình thế phải quân sự hóa và hình thành một liên minh chống lại hành động bành trướng của họ.

Trong khi Obama công du 4 nước châu Á, Nhật Bản thông báo sẽ xây dựng một trạm radar quân sự trên đảo Yonaguni. Bắc Kinh nhanh chóng tuyên bố sẽ tuần tra, diễn tập quân sự và các hoạt động khác gần trạm radar mới của Nhật.

Học giả June Teufel Dreyer.
Học giả June Teufel Dreyer.

Theo June Teufel Dreyer, một cựu chuyên gia về Viễn Đông của Quốc hội Mỹ, cố vấn chính sách châu Á, Obama đã có những bước đi đúng đắn để bảo vệ đồng minh. Bà cũng lưu ý, Trung Quốc có khả năng sẽ kiểm tra quyết tâm của Mỹ đến đâu và căng thẳng rồi đây sẽ còn leo thang hơn nữa.

"Tôi nghĩ rằng những gì Trung Quốc đang cố gắng làm là kích động Nhật Bản để làm một cái gì đó, giống như bắn một phát súng, và sẽ tạo cho họ cái cớ để leo thang. Họ sẽ nói Nhật Bản đã làm điều này và chúng tôi đang bắt buộc phải kháng cự", Dreyer bình luận.

Đối với Hoa Kỳ, Trung Quốc đã vô tình giúp người Mỹ tăng cường quan hệ và liên minh với châu Á theo những cách thức của Mỹ. Chỉ 2 năm trước đây Nhật Bản đã sẵn sàng để yêu cầu người Mỹ rời khỏi Okinawa, nhưng quan điểm này đã nhanh chóng thay đổi sau khi Bắc Kinh tuyên bố ADIZ Hoa Đông và bắt đầu đe dọa Nhật Bản.

Tuyên bố của Trung Quốc đã buộc Mỹ làm rõ mối quan hệ quốc phòng với Nhật Bản, trong chuyến công du Tokyo vừa qua Tổng thống Obaam đã trực tiếp, công khai khẳng định rõ rằng Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản, bao gồm quần đảo Senkaku.
Hồng Thủy