Trung Quốc đang cố thúc đẩy xuất khẩu vũ khí ở Đông Nam Á

05/05/2014 08:08
Đông Bình
(GDVN) - Báo Trung Quốc tuyên truyền vũ khí của họ tốt và phát huy hiêu quả trong một số cuộc chiến tranh khu vực gần đây, nên có triển vọng xuất khẩu tốt ở Đông Nam Á.
Máy bay chiến đấu Kiêu Long Trung Quốc
Máy bay chiến đấu Kiêu Long Trung Quốc

Mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 28 tháng 4 đưa tin quảng cáo cho rằng, công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc hiện nay phát triển mạnh mẽ đã gây kinh ngạc cho phương Tây, đã có một hệ thống nghiên cứu chế tạo tiên tiến tiếp cận phương Tây, nhiều vũ khí do Trung Quốc chế tạo đã trang bị cho rất nhiều quốc gia, phát huy vai trò "không thể thay thế".

Là láng giềng của Trung Quốc, thị trường vũ khí Đông Nam Á là một trong những khu vực quan trọng được Trung Quốc chào hàng.

Trong tương lai, cùng với việc xây dựng đường sắt kết nối các nước Lào, Myanmar và Thái Lan với Vân Nam - Trung Quốc, quan hệ Đông Nam Á-Trung Quốc càng "chặt chẽ" hơn, đây cũng là nguyên nhân chính giúp cho vũ khí Trung Quốc tiếp tục xâm nhập các nước Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Indonesia.

Theo bài báo, trong 15 năm qua, Trung Quốc lúc bán được lúc không bán được vũ khí ở Thái Lan, Myanmar, Malaysia, có nước thậm chí đã xuất hiện tình hình không mua trang bị quân sự của Trung Quốc nữa.

Nhưng, bài báo cho rằng, "những năm gần đây, tính năng vũ khí trang bị của Trung Quốc được nâng lên rất nhiều, thị trường vũ khí Đông Nam Á lại mở cửa".

Đặc biệt là Trung Quốc đã xuất khẩu được nhiều các trang bị hạng nặng như đạn tên lửa tầm xa đa năng, xe tăng. Những vũ khí như đạn tên lửa tầm xa của Trung Quốc có ưu thế về sản xuất và giá cả so với trang bị cùng loại của các nước khác.

Xe tăng chiến đấu MBT-2000 do Trung Quốc và Pakistan hợp tác phát triển
Xe tăng chiến đấu MBT-2000 do Trung Quốc và Pakistan hợp tác phát triển

Xe tăng

Bài báo cho biết, 10 năm trước, các trang bị chủ yếu của lục quân như xe tăng chiến đấu, xe bọc thép còn được sử dụng như những trang bị chủ lực của Thái Lan, Myanmar.

Nhưng, hiện nay, Thái Lan đã từ bỏ mua xe tăng chiến đấu MBT-2000 của Trung Quốc, chuyển sang mua xe tăng Oplot của Ukraine. Trước đây, Thái Lan từng mua xe tăng Type 69 của Trung Quốc, nhưng nay sao lại không mua nữa?

Bài báo cho biết, xe tăng trước đây Thái Lan mua của Trung Quốc thiếu thốn linh kiện nghiêm trọng, môi trường sử dụng không phù hợp và xảy ra nhiều sự cố. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu xe tăng và xe bọc thép của Trung Quốc.

Xe tăng Trung Quốc cũng đã tham gia nhiều cuộc cạnh tranh vũ khí ở Đông Nam Á. Trước đây, trong hoạt động tranh thầu xe tăng chiến đấu của Malaysia, Trung Quốc cho xe tăng MBT-2000 tranh thầu với các xe tăng như PT-91M của Ba Lan, M84 của Serbia, cuối cùng Malaysia đã chọn Ba Lan.

Xe tăng MBT-2000 tuy không được thị trường Thái Lan, Malaysia chấp nhận, nhưng đã xuất khẩu cho các nước Pakistan, Bangladesh, Myanmar, các nước. Trung Quốc còn hợp tác với Pakistan, thông qua Pakistan cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trong việc huấn luyện, bảo dưỡng xe tăng cho các nước như Bangladesh.

Bài báo tin rằng, cùng với sự xuất hiện của xe tăng MBT-3000 và trang bị thế hệ mới khác, đồng thời hệ thống hậu cần, bảo dưỡng của quân đội Trung Quốc được tăng cường, trong tương lai, việc xuất khẩu xe tăng và xe bọc thép của Trung Quốc sẽ có bước tiến lớn.

Tên lửa chống tăng HJ-8 Trung Quốc
Tên lửa chống tăng HJ-8 Trung Quốc

Tên lửa

Theo bài báo, tên lửa chống tăng của Trung Quốc đã có nhiều thành tích trên phạm vi thế giới, nhất là dòng HJ-8.

Do hiệu quả tác chiến thực tế của nó tốt (từng tham gia cuộc nội chiến Bosnia-Herzegovina, chiến tranh Kosovo, nội chiến Sudan, nội chiến Sri Lanka, nội chiến Syria), ở thị trường Đông Nam Á, Malaysia đã mua tên lửa chống tăng của Pakistan - một phiên bản của HJ-8 Trung Quốc.

Rất nhiều vũ khí do Pakistan sản xuất đều đã xuất khẩu cho nhiều quốc gia, như tên lửa đất đối không vác vai ANNA Mk (QW-1).

Tên lửa phòng không vác vai của Trung Quốc đã xuất khẩu cho các nước Indonesia, Thái Lan, trong đó Indonesia mua tên lửa Tiền Vệ-3 (QW-3), Hải quân Thái Lan trang bị tên lửa phòng không Tiền Vệ-18 (QW-18) tiên tiến nhất. Myanmar cũng có thể đang trang bị tên lửa vác vai HY-6 Trung Quốc.

Theo bài báo, tên lửa QW-18 có điểm cải tiến lớn nhất là đã lắp hai đầu dẫn sóng ngắn, từ đó đã nâng cao khả năng nhận diện mục tiêu và chống gây nhiễu.

Tầm bắn của tên lửa là 5.000 m, tốc độ là 600 m/giây, bắn cao 4.000 m. Lực lượng phòng thủ bờ biển Hải quân Thái Lan đã trang bị tên lửa QW-18.

Rocket tầm xa WS-2 Trung Quốc
Rocket tầm xa WS-2 Trung Quốc

Rocket

Trong tất cả vũ khí xuất khẩu cho Đông Nam Á, rocket được cho là một loại thành công nhất. Trong đó, Thái Lan đã trang bị WS-1B, WS-32, Lào sớm sở hữu dòng WS, các nước như Indonesia cũng đang cân nhắc.

Trong đó, rocket WS-1B của Lục quân Thái Lan có tầm bắn trên 180 km, sau khi lắp hệ thống dẫn đường GPS thì độ chính xác tấn công của rocket dòng WS do Trung Quốc sản xuất sẽ đạt mức 50 m.

Thái Lan đang xem xét sử dụng hệ thống dẫn đường Bắc Đẩu của Trung Quốc, hệ thống Bắc Đẩu phiên bản dân dụng cũng đã xâm nhập vào thị trường Thái Lan, hai bên Trung Quốc-Thái Lan đã ký kết thỏa thuận hợp tác sử dụng hệ thống Bắc Đẩu. Sau khi được dẫn đường chính xác, rocket đối đất đa năng tầm xa trong tương lai sẽ có thị trường quốc tế rất lớn.

Tên lửa chống hạm C-705 Trung Quốc
Tên lửa chống hạm C-705 Trung Quốc

Tên lửa chống hạm

Tình hình xuất khẩu tên lử chống hạm của Trung Quốc có tiến triển, nhìn vào tình hình hiện nay, Indonesia đã sử dụng tên lửa chống hạm C-802 và C-705, trong khi đó, Thái Lan và Pakistan luôn sử dụng tên lửa chống hạm C-802A, C-602; còn Myanmar, Bangladesh đã sử dụng tên lửa C-802.

Sở dĩ xuất hiện tình hình tốt như vậy là do loại tên lửa này của Trung Quốc có tính năng “nổi trội”.

Nhất là tên lửa C-802 và C-602 có tầm bắn đã vượt xa tên lửa hạm đối hạm cùng loại của phương Tây. Đồng thời, Trung Quốc bán giá rẻ, chỉ bằng 1/3 hoặc 2/3 tên lửa chống hạm cùng loại của phương Tây, việc sử dụng và bảo trì cũng đơn giản, thuận tiện, về cơ bản có thể tự sửa chữa và bảo trì.

Hơn nữa, các tên lửa chống hạm C-801 và C-602 có đặc điểm cải tiến từ tên lửa chống hạm thành tên lửa hành trình.

Như vậy có thể chiếm nhiều thị phần vũ khí hơn ở Đông Nam Á. Ngoài ra, tên lửa chống hạm Trung Quốc cũng đã phát triển được phiên bản đa năng, cải tiến một chút có thể trở thành tên lửa hành trình mặt đất.

Ý định mua mới nhất là Indonesia. Do tên lửa chống hạm C-705 phiên bản xuất khẩu của Trung Quốc thể hiện tốt khi Indonesia thử nghiệm, phiên bản tấn công đối đất của nó cũng đã hoàn thành nghiên cứu chế tạo; loại này giá rẻ, tính năng linh hoạt có thể so sánh với tên lửa lớn hơn, đắt hơn do nước khác chế tạo.

Tên lửa hành trình C-602 Trung Quốc
Tên lửa hành trình C-602 Trung Quốc

Đồng thời, tên lửa C-705 được cải tiến thành tên lửa hành trình tấn công đối đất, tầm bắn vẫn là 140 km, áp dụng dẫn đường GPS + quán tính, có thể dụng vào nhu cầu lắp thêm thiết bị hồng ngoại, tìm kiếm TV, độ chính xác tấn công có thể đạt 10 m. Nghe nói, tên lửa chống hạm C-705 đã có khách hàng quốc tế, nhưng phiên bản cải tiến tấn công đối đất còn chưa xuất khẩu.

Indonesia muốn nhập khẩu 40 quả tên lửa chống hạm C-705 và lắp ráp, sản xuất ở Indonesia. Trong khi đó, công việc đổi sang trang bị của quân đội Thái Lan cũng đã cơ bản hoàn thành. Nguồn tin từ hải quân Thái Lan cho biết, 4 năm trước, hải quân Thái Lan đã có tên lửa C-802A.

Máy bay không người lái

Myanmar, Pakistan đã sớm sử dụng máy bay không người lái CH-3. Đây là máy bay tấn công không người lái sử dụng động cơ cánh quạt, có khả năng lắp 2 quả tên lửa chống tăng AR-1. CH-3 trang bị tên lửa chống tăng AR-1, trọng lượng đầu đạn tên lửa này khoảng 10 kg, tầm bắn khoảng 2 - 8 km, tốc độ bắn 1,1 Mach, trọng lượng tên lửa 45 kg. AR-1 sử dụng phương thức dẫn đường laser bán chủ động, sử dụng 1 động cơ tên lửa thể rắn.

Máy bay không người lái CH-3 Trung Quốc trưng bày tại triển lãm
Máy bay không người lái CH-3 Trung Quốc trưng bày tại triển lãm

Khả năng xuyên phá thép của AR-1 lớn hơn 1.000 mm, còn khả năng xuyên bê tông là 1.200 mm.

Từ việc Trung Quốc chào bán CH-3 và AR-1 cho thấy, Trung Quốc sau này sẽ chào bán nhiều trang bị hơn cho các nước Đông Nam Á, trong khi đó, trang bị lực lượng mặt đất và trang bị bay (như tên lửa, máy bay) có thể là trang bị quân sự được Trung Quốc chào bán chủ yếu trong tương lai.

Hiện nay, không quân hoàng gia Brunei có kế hoạch sở hữu và trang bị máy bay không người lái để tăng cường theo dõi, kiểm soát hiệu quả hơn đối với vùng biển, mặt đất Brunei. Indonesia cũng đang tích cực phát triển, mua sắm máy bay không người lái.

Tàu hộ vệ

Tờ "Jane's Defense Weekly" Anh cho biết, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và Đức đã đồng thời tham gia đấu thầu mua tàu hộ vệ mới của Thái Lan, đây sẽ là cuộc tranh thầu ít thấy giữa vũ khí cỡ lớn của Trung Quốc và Mỹ trên thị trường vũ khí quốc tế.

Vào tháng 9 năm 2012, chính phủ Thái Lan phê chuẩn đầu tư 1 tỷ USD để mua 2 tàu hộ vệ mới. Gần đây, cùng với sự chuyển biến tốt của nền kinh tế Thái Lan và nhu cầu nâng cao khả năng tác chiến của hải quân Thái Lan liên tục tăng lên, kế hoạch này đã được tái khởi động.

Tàu hộ vệ tên lửa Ngọc Lâm Type 054A Trung Quốc (ảnh minh họa)
Tàu hộ vệ tên lửa Ngọc Lâm Type 054A Trung Quốc (ảnh minh họa)

Trung Quốc giới thiệu với Thái Lan phiên bản Type 054T của tàu hộ vệ Type 054 nhằm đáp ứng nhu cầu của hải quân hoàng gia Thái Lan.

Có nguồn tin tiết lộ, Thái Lan và Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành đàm phán về thỏa thuận này, Trung Quốc có kế hoạch bán 3 tàu hộ vệ Type 054T và 6 máy bay trực thăng săn ngầm Z-9EC cho Thái Lan, giá cả phù hợp với ngân sách 1 tỷ USD của hải quân Thái Lan. Nhưng, hải quân Thái Lan cuối cùng lựa chọn tàu hộ vệ tên lửa lớp 3.000 tấn của Hàn Quốc. Nguyên nhân vì đâu?

Bài báo phỏng đoán cho rằng, điều này rất có thể là Thái Lan rất không hài lòng với việc sử dụng và tương thích điện tử của tàu chiến Trung Quốc. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, Thái Lan đã đặt mua 2 tàu hộ vệ lớp Naresuan Type F25T của Trung Quốc. Nhưng, 2 tàu hộ vệ này mãi không trang bị hệ thống tên lửa phóng thẳng đứng MK41 theo kế hoạch ban đầu.

Nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân là do khi Trung Quốc thiết kế, thiết bị điện không đồng bộ, làm cho vũ khí trang bị phương Tây không tương thích. Cho nên, 2 tàu chiến này của Thái Lan luôn duy trì trạng thái thiếu vũ khí, không được lắp bất cứ tên lửa phòng không nào. Trong khi đó, lần này, Hàn Quốc rất có khả năng chế tạo một thân tàu, vũ khí và thiết bị điện tử bên trên đến từ phương Tây hoặc thị trường quốc tế.

Tàu ngầm thông thường cải tiến lớp Minh Type 035G Trung Quốc
Tàu ngầm thông thường cải tiến lớp Minh Type 035G Trung Quốc

Tàu ngầm

Hải quân Bangladesh đã chính thức đạt thỏa thuận với Trung Quốc, nhập khẩu 2 tàu ngầm thông thường Type 035G cũ. Trung Quốc đồng thời có trách nhiệm đào tạo cho lực lượng tàu ngầm của hải quân Bangladesh, tổng trị giá hợp đồng trên 200 triệu USD. Tàu ngầm sẽ chính thức bàn giao cho hải quân Bangladesh vào năm 2019.

Đây là một đơn đặt hàng xuất khẩu tàu ngầm lớn nhất của Trung Quốc cho đến nay. Nhưng, loại tàu ngầm này không có nhiều khả năng lắm trong việc xâm nhập vào các thị trường Thái Lan, Indonesia. Như vậy, loại tàu ngầm nào có khả năng xâm nhập các khu vực này?

Tàu ngầm phiên bản xuất khẩu S20 Trung Quốc được phát triển trên nền tảng tàu ngầm diesel lớp Nguyên Type 041 nội địa.

Tàu này dài 66 m, rộng 8 m, cao 8,2 m, lượng giãn nước khi nổi là 1.850 tấn, lượng giãn nước khi lặn là 2.300 tấn, tốc độ lớn nhất có thể đạt tới 18 hải lý/giờ, hành trình lớn nhất khi chạy với tốc độ 16 hải lý/giờ có thể đạt 8.000 hải lý, lặn sâu nhất đạt 300 m. Khác với tàu ngầm Type 041 của hải quân Trung Quốc, tàu ngầm S20 xuất khẩu sẽ trang bị thiết bị AIP.

Trung Quốc sẽ tiếp thị tàu ngầm S20 cho Thái Lan, hiện nay hải quân Thái Lan chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Căn cứ vào kế hoạch của Thái Lan, năm 2014 hải quân Thái Lan sẽ thành lập đơn vị tàu ngầm đầu tiên, chủ yếu là nghiên cứu, huấn luyện. Lô đầu tiên sẽ cần 3 tàu ngầm.

Mô hình tàu ngầm S-20 Trung Quốc
Mô hình tàu ngầm S-20 Trung Quốc

Hơn nữa, cùng với việc hải quân các nước Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Singapore từng bước trang bị tàu ngầm mới, trong tương lai nhu cầu thị trường tàu ngầm khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục mở rộng. Tàu ngầm của Trung Quốc có thể xâm nhập khu vực này.

Tương lai sẽ tốt hơn?

Cùng với khả năng nghiên cứu khoa học và trình độ chế tạo của công nghiệp quân sự Trung Quốc không ngừng tăng lên, trong các vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc, cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều vũ khí trang bị công nghệ cao.

Máy bay chiến đấu Kiêu Long, máy bay huấn luyện JL-10, xe tăng MBT-3000, tên lửa phòng không HQ-9 do Trung Quốc nghiên cứu chế tạo gần đây đã tham gia tranh thầu ở nhiều nước.

Bài báo cho rằng, Trung Quốc từng bước trở thành nước lớn sản xuất và xuất khẩu vũ khí, chắc chắn gây ảnh hưởng lớn hơn ở Đông Nam Á.

Phương Tây không muốn xuất khẩu một số vũ khí tiên tiến, Trung Quốc có thể trở thành người cung ứng thay thế.

Ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc đang triển khai cạnh tranh thị trường với Nga, châu Âu và Mỹ, thị trường vũ khí Đông Nam Á sẽ trở thành một trong những nơi bán vũ khí "phá giá" của Trung Quốc trong tương lai.

Xe tăng chiến đấu MBT-3000 Trung Quốc
Xe tăng chiến đấu MBT-3000 Trung Quốc
Đông Bình