Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, GS.TSKH Bùi Đại - là chiến sĩ thuộc phòng Y chính, Cục Quân y. Trước chiến dịch 3 tháng, ông cùng với Cục trưởng Cục Quân y bấy giờ là Vũ Văn Cẩn bí mật lên điều tra chiến địa, bố trí các trung tâm y tế xung quanh “lòng chảo” để phục vụ các trận đánh, lập ra “Ban Quân y tiền phương”.
GS Bùi Đại chia sẻ: “Ông Vũ Văn Cẩn làm trưởng ban, còn tôi là phó ban của Ban Quân y tiền phương. Chúng tôi phải lên trước một thời gian để nghiên cứu cắm các trạm xung quanh miệng trảo, trong đó có hướng Bắc và hướng Đông là quan trọng nhất. Hướng Bắc đánh vào Him Lam Độc lập, còn hướng Đông có con đường từ Tuần Giáo đến Điện Biên, là đường đưa quân đến và cũng là con đường tải thương về tuyến sau điều trị. Chúng tôi bố trí ở hướng Bắc ba đội điều trị và hướng Đông hai đội nữa, mỗi đội có trên dưới 100 quân số gồm cả bác sĩ, y tá, cứu thương cộng thêm với gần 500 dân công”.
Năm nay đã bước sang tuổi 90, nhưng mỗi lần nhớ lại những ngày tháng hào hùng ấy, GS Bùi Đại vẫn run run xúc động khi nhắc tới những anh chị em dân công ở nhiều địa phương. Ông bảo, dân công đã lăn xả trong chiến dịch giải phóng Điện Biên, họ cùng chiến đấu, hy sinh, nếu không có dân công thì chiến dịch không thể thành công được.
“Lực lượng dân công đã có rất nhiều đóng góp quan trọng trong chiến thắng Điện Biên Phủ, chỉ tính riêng tỉnh Thanh Hóa đã có hơn 12 vạn người tham gia chiến dịch năm ấy. Họ làm các nhiệm vụ chăm sóc và vận chuyển thương binh, rồi có những dân công lên tận hỏa tuyến, tức là lên tận hàng rào dây thép gai của địch để kéo thương binh ra. Bộ đội làm công việc cứu hộ hỏa tuyến, cứu thương binh từ chân đồn địch ra tới hàng rào dây thép gai thì dân công hỏa tuyến đưa về tuyến sau. Tôi còn nhớ lúc bấy giờ chúng ta có một khẩu hiệu rất quan trọng ‘mỗi cáng là một gia đình’, cáng có 4 người khiêng thương binh và 2 người làm nhiệm vụ hỗ trợ. Vậy là khi nào dân công ăn thì cho bộ đội ăn, nghỉ thì lại chăm sóc cho bộ đội. Lúc ấy thì làm gì có điều kiện mà chu cấp lương thực cho tất cả các lực lượng, dân công phải tự lo lương thực cho mình, nhưng họ đã lăn xả trong chiến dịch, họ chính là những người hy sinh thầm lặng tại Điện Biên năm ấy. Đúng là một cuộc chiến tranh nhân dân, không có dân thì không thể thành công”, GS Bùi Đại nhớ lại.
Thiếu tướng, Anh hùng LLVT, GS.TSKH Bùi Đại: Chiến thắng Điện Biên Phủ có phần đóng góp rất lớn của lực lượng dân công. Ảnh: Ngọc Quang. |
GS Đại nhận định: “Trước khi vào chiến dịch, một trong những vấn đề nan giải nhất là vận chuyển lương thực tiếp tế cho chiến sĩ tại Điện Biên, vì khoảng cách từ hậu phương lên tiền tuyến quá xa xôi, đường đi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt... để đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc men và các vật dụng cần thiết để đánh thắng thực dân Pháp, hàng trăm nghìn dân công đã nghe theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về với chiến dịch. Họ sử dụng xe thồ, bè nứa, dùng sức châu trò, và dùng cả sức của chính mình vận tải lương thực, xăng dầu cho chiến dịch. Ở mỗi trận đánh, mỗi chiến thắng vang dội luôn thấy hình ảnh của những anh chị em dân công”.
Dân công mở đường đưa thương binh về hậu tuyến trong chiến dịch giải phóng Điện Biên. |
Đánh sập Him Lam – ngày tàn của chế độ thực dân
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được thực dân Pháp xây dựng gồm 49 cứ điểm, tổ chức thành 8 cụm, được bố phòng chặt chẽ với hơn 16.000 quân được trang bị hỏa lực mạnh. Lúc ấy, Pháp tin rằng cứ điểm này là bất khả xâm phạm vì ngay cả trong chiến tranh thế giới lần thứ hai cũng chưa hề dựng được một hệ thống phòng ngự dã chiến mạnh đến như vậy. Ở địa thế hiểm trở ấy, Pháp cũng tin rằng quân ta không thể kéo pháo vào.
Là người trực tiếp tham gia từ đầu tới hết chiến dịch giải phóng Điện Biên, GS Bùi Đại phân tích, có hai điểm rất quan trọng về mặt chiến thuật, đó là đào hào chéo sân bay phía Bắc, ngăn chặn đường tiếp tế và thả quân của địch; tiếp đó là quyết định đánh vào Him Lam – cứ điểm mạnh nhất của địch.
Thiếu tướng. GS.TSKH. AHLLVT. Thầy thuốc Nhân dân Bùi Đại - Từng giữ các chức vụ: Phó Viện trưởng Viện 103 kiêm Hiệu phó Học viện Quân y; Viện trưởng Viện nghiên cứu Y học Quân sự; Viện trưởng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân.
Him Lam cùng Độc Lập (phía Bắc) và Bản Kéo (Tây Bắc) là một trong ba trung tâm đề kháng được coi là cửa ngõ tập đoàn cứ điểm. Trong tất cả các vị trí thuộc tập đoàn cứ điểm, Him Lam được quân Pháp xây dựng đầu tiên trên điểm cao gần 500m gồm ba cứ điểm trên ba quả đồi nằm ngay cửa ngõ đông-bắc cánh đồng Mường Thanh, án ngữ con đường Tuần Giáo - Điện Biên, cách phân khu trung tâm 2,5km.
Him Lam được xây dựng thành vị trí kiên cố nhất tại cứ điểm của quân Pháp, có lưới lửa mạnh bố trí rất cẩn mật vừa yểm hộ lẫn cho nhau, ngăn chặn mọi con đường ta có thể tiến vào, hệ thống công sự phụ gồm dây thép, vật chướng ngại, bãi mìn có nơi rộng tới 100m.
Him Lam là tiểu đoàn 3 thuộc Bán lữ đoàn Lê Dương thứ 13 - một đơn vị có bề dày chiến tích đã được xây dựng gần 100 năm. Lực lượng bảo vệ được trang bị súng có kính ngắm điện tử phát hiện mục tiêu ban đêm; đồng thời được trọng pháo ở Mường Thanh và Hồng Cúm yểm hộ theo một kế hoạch hỏa lực dày đặc. Lực lượng dự bị với xe tăng, pháo binh, không quân chi viện sẵn sàng tiến hành phản kích trong trường hợp Him Lam bị tấn công. Do đó cả tướng Na-va, Cô-nhi và Đờ Cát đều tin rằng trung tâm đề kháng Him Lam đủ sức đứng vững.
GS Bùi Đại nhớ lại: “Tôi và đồng chí Vũ Văn Cẩn nằm trên đống rơm chờ đợi tiếng súng tấn công của quân ta. Nhưng mãi đến 6 giờ chiều vẫn chưa thấy có động tĩnh gì, thì ra là Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi chiến thuật. Ban đầu, ta dự định đánh nhanh, thọc sâu thẳng vào trung tâm đầu não của địch, tức là bằng mọi cách đánh nhanh, thắng nhanh, chuyển sang chiến thuật “đánh chắc, tiến chắc”. Việc thay đổi chiến thuật này là quyết định vô cùng sáng suốt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cuối cùng chúng ta đã giành thắng lợi. Nếu đánh sâu theo một đường để thọc sâu vào thì rất có thể chúng ta sẽ thất bại, bởi lực lượng của địch lúc đó rất mạnh, chúng có thể bịt đường rút lui của quân ta. Bộ đội ta với sự giúp sức của hàng nghìn dân công đã kéo pháo lên xung quanh đỉnh núi và được ngụy trang rất kỹ càng”.
Sau khi dập nát cứ điểm Him Lam, quân địch dần suy yếu và Tướng Đờ Caxtơri đã phải đầu hàng vào ngày 7/5/1954. |
Sau trận mở màn đêm 11/3, đến sáng 13/3, pháo của ta đồng loạt bắn vào Him Lam, chặn xe tăng và bộ binh địch đã khiến Tướng Đờ Cát bị bất ngờ, lúc ấy chúng mới biết quân ta kéo được pháo lên đỉnh núi. 5 giờ chiều cùng ngày hơn 40 khẩu lựu pháo và sơn pháo dội lửa xuống cụm cứ điểm Him Lam, phân khu trung tâm, sân bay và trận địa pháo địch, một số máy bay trên Sân bay Mường Thanh và một kho xăng bốc cháy, các trận địa pháo của địch hầu như bị tê liệt.
GS Đại hồi tưởng: “Kế hoạch pháo binh thất bại thảm hại, viên quan năm chỉ huy pháo binh của Pháp ở Điện Biên Phủ là Pi-rốt đã rút chốt lựu đạn tự tử trong hầm tru ẩn. Một trung tâm đề kháng như Him Lam bị tiêu diệt nhanh chóng thì tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ không phải là một pháo đài không thể công phá, nhưng có lẽ điều gây bất ngờ nhất với lịch sử quân sự thế giới là không thế tin rằng chỉ với 56 ngày đêm, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn Điện Biên.
Chiến thắng này của Việt Nam đã đánh bại ý chí duy trì thuộc địa Đông Dương của Pháp và buộc nước này phải hòa đàm và rút ra khỏi Đông Dương, các thuộc địa ở châu Phi được cổ vũ cũng đồng loạt nổi dậy. Chỉ riêng trong năm 1960, có 17 nước châu Phi đã giành được độc lập và đến năm 1967, Pháp đã buộc phải trao trả độc lập cho tất cả các nước là thuộc địa của Pháp.