Hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng 2014 có xu hướng giảm

06/05/2014 07:28
Xuân Trung
(GDVN) - Một số tỉnh, thành khi được hỏi đã thông tin, lượng hồ sơ đăng ký dự thi của học sinh năm nay ít hơn năm trước.
Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thường Sa, chuyên viên Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT Bến Tre) cho biết, lượng hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng (ĐKDT ĐH, CĐ) năm nay đạt 17.008 hồ sơ, giảm 3.400 hồ sơ với năm 2013. Trong đó, khối A vẫn được thí sinh lựa chọn nhiều nhất với 7.546 hồ sơ, đáng chú ý khối C đạt 902 hồ sơ, mặc dù chưa có thống kê cụ thể về lượng chênh lệch hồ sơ khối C, nhưng theo nhận định của bà Sa, khối C năm nay có khả quan hơn năm trước. 

Nói về nguyên nhân lượng hồ sơ giảm, bà Sa nhận định, do lượng học sinh năm nay giảm và trong năm qua các thí sinh đã được tổ chức hướng nghiệp tốt hơn, các em biết được khả năng của mình, biết sức mình tới đâu để dự thi vào ngành và trường phù hợp. Các em đã xác định được định hướng nghề nghiệp của mình chính xác hơn.

Các thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học. Ảnh minh họa
Các thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học. Ảnh minh họa

Cũng theo dự kiến, ngày 9/5 tới đây các Sở GD&ĐT trong cả nước sẽ bàn giao hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ về các trường đại học.

Tại tỉnh Thanh Hóa theo ông Nguyễn Văn Long, trưởng phòng Giáo dục Chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT Thanh Hóa) cho biết, so với năm 2013, số lượng hồ sơ đã giảm 14.000 (năm 2013 giảm gần 16.000 so với 2012), năm nay toàn tỉnh nhận được 49.000 hồ sơ đăng ký dự thi, trong đó hồ sơ cao đẳng là gần 2.400 (chiếm 4, 8%) và đại học 46.600 (chiếm 95,2%).

Cũng theo ông Long, với khoảng 40.000 học sinh tốt nghiệp THPT năm 2014 nhưng chỉ có 49.000 hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng (như mọi năm mỗi học sinh có thể làm từ 2 hồ sơ trở lên), như vậy có thể thấy rõ việc phân luồng học sinh đã được thực hiện rất tốt. 

Số em tốt nghiệp đi kiếm việc làm luôn khá nhiều, đa phần là do cả học sinh và gia đình không cố cùng kiếm tấm bằng đại học.

Trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp tỉnh Thanh Hóa cũng bày tỏ, lượng hồ sơ như vậy đó cũng có thể do một phần các em lượng sức mình, hiểu được nhu cầu việc làm thông qua việc công khai số lượng sinh viên ra trường đang thất nghiệp của Sở năm vừa qua với 25.000 người đã qua đào tạo chưa có việc làm.

Năm nay tại Thanh Hóa, top 10 trường được thí sinh lựa chọn nhiều nhất theo thứ tự: Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Hồng Đức, Đại học Nông nghiệp, Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, Học viện Tài chính, Đại học Y Thái Bình, Đại học Tài nguyên môi trường, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Thương mại, Đại học Giao thông vận tải Hà Nội.

Theo đó, chỉ 10 trường nêu trên đã chiếm 44,3% hồ sơ đăng ký dự thi trong tổng số 290 trường đại học. 

Tại Hà Nội, ông Ngô Văn Sự, phó trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, năm nay thành phố có 152.000 hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng, giảm hơn 10.000 so với năm trước.

Tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi vào các ngành nghề tương đương năm ngoái. Các khối kinh tế, tài chính, nông nghiệp vẫn chiếm ưu thế. Trường có hồ sơ cao nhất là Đại học Công nghiệp Hà Nội với 8.100 bộ, tiếp đến là Đại học Kinh tế Quốc dân với hơn 6.000 hồ sơ, tiếp đến là Đại học Kỹ thuật Công nghiệp.

Theo ông Sự, dù đã được cảnh báo về số lượng dư thừa nguồn nhân lực các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, thí sinh vẫn đăng ký dự thi vào nhóm ngành này với số lượng khá cao.
Xuân Trung