Cụ thể, ngày 28/4 báo cáo Bộ Công thương, ông Trần Văn Thịnh - Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, trong quý I/2014, sản lượng xuất bán nội địa của Tập đoàn giảm mạnh, chỉ bằng 93% so với cùng kỳ và đạt 24% kế hoạch dẫn đến chi phí đồng/lít của các phương thức bán hàng tăng so với cùng kỳ.
Ước sản lượng xuất bán 4 tháng đầu năm của Petrolimex chỉ đạt 94% so với cùng kỳ và đạt 33% kế hoạch; nhất là phương thức bán qua tổng đại lý và đại lý chỉ bằng 80% cùng kỳ. Nguyên nhân của việc sụt giảm này được Petrolimex cho biết do tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của cả nước giảm.
Sự thật con số lỗ lãi của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam? |
Động thái này của Petrolimex được cho là kiểu đánh động để được tăng giá xăng dầu trong thời gian tới.
Tuy nhiên, trước kỳ đại hội cổ đông dự kiến tổ chức vào ngày 24/5, mới đây Petrolimex đã công bố báo cáo tài chính chính thức thay vì báo cáo ngay sau khi kết thúc năm 2013, đáng lưu ý các khoản như lợi nhuận, đặc biệt là lợi nhuận kinh doanh xăng dầu, tăng mạnh.
Cụ thể, theo báo cáo của Petrolimex, năm 2013 mặc dù nhiều thời điểm tập đoàn này cho rằng giá xăng dầu chưa được điều hành theo đúng cơ chế thị trường, sát với giá thế giới, nhưng tổng lợi nhuận hợp nhất của Petrolimex đã đạt 2.021 tỉ đồng, tăng khá mạnh so với con số công bố hồi tháng 1/2014 là 1.929 tỉ đồng. Đặc biệt, khoản lợi nhuận trước thuế đến từ khối kinh doanh xăng dầu đã đạt trên 1.300 tỉ đồng so với mức công bố khi hết năm 2013 là 768 tỉ đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Ngọc Năm - Phó TGĐ Petrolimex, cho biết đúng là kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh vừa được công bố có chênh lệch “đáng kể” so với số đã công bố đầu năm 2014. Song, ông Năm cho rằng chênh lệch này là bình thường. Lý do, sau khi kết thúc năm 2013, để phục vụ tổng kết Petrolimex phải có tính toán sơ bộ mang tính dự toán. Vì được thực hiện cuối tháng 12/2013 để công bố đầu tháng 1/2014 nên nhiều công ty con chỉ có thể cập nhật khoản thu đến ngày 20/12/2013, trong khi khối lượng sản xuất kinh doanh của Petrolimex rất lớn.
Ông Năm cho biết, sau khi có báo cáo chính thức của các công ty con, Petrolimex đã có báo cáo tài chính chính xác hơn và con số ở báo cáo này chênh lệch rất ít so với báo cáo vừa công bố phục vụ đại hội cổ đông. Con số phục vụ đại hội cổ đông, theo ông Năm, là con số chính thức, đã được kiểm toán và gần như sẽ không có thay đổi, điều chỉnh nữa.
Như vậy, với kết quả kinh doanh trên, năm 2013 dù “gặp khó khăn”, doanh thu không bằng năm 2012 nhưng Petrolimex đạt lợi nhuận trước thuế bằng 207% năm 2012. Lợi nhuận sau thuế cũng đạt 205% so với năm 2012.
Từ thực tế này nhiều ý kiến cho rằng việc Petrolimex kêu lỗ trong quý 1 năm 2014 là “chiêu bài” cũ giống với năm 2013 khi liên tục con số lỗ lãi nhập nhằng được Petrolimex đưa ra khiến dư luận không biết đâu là con số lãi thật, lỗ thật của đơn vị này.
Đứng ở góc độc chuyên gia kinh tế, trả lời trên Tiền Phong, bà Phạm Chi Lan cho rằng: Khi công bố lãi, cổ phiếu của Petrolimex sẽ có lợi trên sàn chứng khoán. Điều cần bàn là khi muốn tăng giá, Petrolimex thường báo lỗ. Mức lỗ này đúng hay sai rất khó nhận biết trong khi cơ quan quản lý chỉ dựa vào báo cáo của Petrolimex để phê duyệt nên càng khiến dư luận thấy kinh doanh xăng dầu không minh bạch. “Vì thiếu minh bạch (cả từ doanh nghiệp và cơ quan quản lý) nên chưa thể kiểm soát được lỗ lãi của Petrolimex”, bà nói.
Trước đó, trong thư gửi tới cổ đông, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Petrolimex, cho rằng năm 2013 Chính phủ đã vận hành “khá đầy đủ” nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu, các lĩnh vực kinh doanh của Petrolimex đều “chuyển biến tích cực”. Đặc biệt, các lĩnh vực đã đem lại lợi nhuận lớn cho Petrolimex gồm: hóa dầu - gas, bảo hiểm... Các lĩnh vực khác như xây lắp, vận tải, thiết kế vẫn duy trì được sự ổn định so với năm 2012.
Ông Bùi Ngọc Bảo thông báo tới cổ đông năm 2013 Petrolimex dự kiến trả cổ tức cho cổ đông từ 8-10%.