Ra mắt hồi ký người sáng lập nhà nước Israel tại Hà Nội

06/05/2014 16:35
Nguyễn Hường
(GDVN)- Đặc biệt, sách cũng đề cập tới cuộc gặp gỡ của Ben Gurion và Chủ tịch Hồ Chí Minh, người từng đề nghị ông và chính phủ Do Thái khi lưu vong có thể tới VN sống
Ngày 6/5, Đại sứ quán Israel đã tổ chức buổi Tọa đàm và ra mắt cuốn sách "Tiểu sử David Ben Gurion – Lịch sử hình thành nhà nước Israel" tại Thư viện Quốc gia, Hà Nội. 

Buổi tọa đàm có sự tham dự của Đại sứ Israel tại Việt Nam Meirav Eilon Shahar, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình và Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên.

David Ben Gurion
David Ben Gurion
Cuốn sách được chính bà Đại sứ Meirav chọn lựa và giới thiệu với độc giả Việt Nam đồng thời ra mắt đúng ngày kỉ niệm 66 năm Ngày độc lập của Nhà nước Israel. Theo lời kể của bà Đại sứ tại lễ ra mắt cuốn sách, Ben Gurion và cha bà từng sống cùng một thành phố ở Ba Lan. Cha bà cũng đã từng tham gia phong trào lập quốc của Ben Gurion và nhìn lại cuộc đời của ông đã gợi cho bà nhớ tới những chặng đường mà cha bà đã trải qua. 

Ben Gurion, được xem là vị cha già ưu tú và vĩ đại của dân tộc Israel và là người đóng vai trò then chốt trong lịch sử hình thành nhà nước Israel. Ông là người đã biến ước mơ từ ngàn đời của hàng vạn người Do thái, xóa bỏ cuộc sống lưu vọng của họ trên khắp thế giới và thành lập nhà nước Israel vào ngày 6/5/1948, góp phần hết sức to lớn đưa đất nước Israel bị cô lập giữa thế giới Ả-rập trở thành một cường quốc quân sự và khoa học kỹ thuật cực kỳ tiến bộ. 

Các thành tựu sáng chói và cả những quyết định sai lầm đằng sau những nỗi thống khổ và hy vọng, giấc mơ thầm kín của Ben Gurion – vị Cha già vĩ đại của dân tộc Israel đều được tác giả vén bức màn bí mật trong cuốn sách này. Vị Thủ tướng đầu tiên của Israel này đã được tạp chí Times bầu chọn là một trong 100 nhân vật quan trọng nhất của Thế kỷ 20. 

Đại sứ Israel Meirav Eilon Shahar tại lễ ra mắt cuốn sách.
Đại sứ Israel Meirav Eilon Shahar tại lễ ra mắt cuốn sách.

Đặc biệt, cuốn sách cũng đề cập tới cuộc gặp gỡ năm 1946 của Ben Gurion và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ben Gurion từng nói rằng Israel và Việt Nam có một điểm chung là cùng tìm kiếm độc lập của mình. 

Đại sứ Israel cũng cho rằng Ben Gurion và Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều điểm tương đồng. Cả hai lãnh tụ này đã cùng trải qua vô vàn khó khăn để dẫn dắt dân tộc vượt qua khó khăn để giành độc lập. Cả hai nhà lãnh đạo đều ra đi trong tình thế đất nước chưa hoàn toàn giành được độc lập và trở về đưa đất nước tới độc lập tự do. Cả hai đều coi giáo dục là ưu tiên hàng đầu đối với mỗi một đất nước.

Bà cũng dành nhiều lời ca ngợi về tài lãnh đạo, tầm nhìn chính trị, tài quân sự, sự mạnh mẽ, quả cảm của cố Thủ tướng Ben Gurion đã giúp người Do Thái và đất nước Israel được như ngày hôm nay.

Câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa Ben Gurion và Chủ tịch Hồ Chí Minh từng được đăng tải trên tờ Điện tín Do Thái ngày 7/11/1976, ông Nguyễn Cảnh Bình - Giám đốc Alpha Books cho biết tại lễ ra mắt.

Michael Zar-Bohar - tác giả cuốn "Tiểu sử David Ben Gurion – Lịch sử hình thành nhà nước Israel".
Michael Zar-Bohar - tác giả cuốn "Tiểu sử David Ben Gurion – Lịch sử hình thành nhà nước Israel".

Theo lời kể của Ben Gurion, Hồ Chí Minh cùng ông từng gặp nhau khi họ ở cùng một khách sạn tại Paris. Khi đó họ đang cùng đàm phàn và tìm kiếm nền độc lập quốc gia cho dân tộc và đất nước mình. Do đó, họ hay gặp nhau trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, kết quả của cuộc đàm phán, cùng hy vọng và rồi cùng thất vọng về quá trình đàm phán của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đề nghị ông và chính phủ Do Thái khi bị lưu vong có thể sang định cư ở miền Bắc Việt Nam. 

Ben Gurion chưa bao giờ đồng ý cho bất cứ ai viết hồi ký của ông trước khi ông gặp Michael Zar-Bohar. Chỉ một phần cực nhỏ trong số tư liệu khổng lồ về Ben-Gurion tác gả được phép tiếp xúc là dùng được trong cuốn sách, nhưng ông cũng đã khắc họa được bức chân dung chân thực nhất của một chính khách quyết đoán thực hiện các quyết định sinh tử cho vận mệnh của đất nước Israel, và một người đàn ông cô đơn trên đỉnh cao quyền lực. 
Ben-Gurion và vợ ông, Paula, qua đời trước khi quyển hồi ký được viết và xuất bản. Nhưng tác giả của nó đã thú nhận rằng, điều đó giúp ông dễ dàng hơn trong việc xử lý một cách tự do vài khía cạnh về đời tư Ben-Gurion, vốn là những điều tác giả sẽ không đụng đến nếu ông và vợ còn sống. 

Tại lễ ra mắt, ông Trương Gia Bình đã trao tặng 10 cuốn "Tiểu sử David Ben Gurion – Lịch sử hình thành nhà nước Israel" cho Thư viện Quốc gia.

Michael Bar-Zohar (1938), sinh ở Bulgaria và di cư đến Israel năm 1948. Ông học trường trung học Teh ở Tel Aviv, Đại học Hebrew của Jerusalem, chuyên ngành kinh tế và quan hệ quốc tế và nghiên cứu Tiến sỹ tại Viện Khoa học Chính trị của Đại học Paris. 

Michael Bar-Zohar tham gia chính trị từ năm 1960, được bầu vào Knesset và đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau. Ông từng phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Israel năm 1967 và tham gia giảng dạy tại Đại học Haifa từ năm 1970 đến 1973.

Ông từng đoạt giải Sokolov cho sự nghiệp báo chí của mình và xuất bản rất nhiều sách, trong đó Tiểu sử của Ben Gurion và Shimon Peres. 

Nguyễn Hường