Thêm một vụ công an lạm quyền, thu hàng rồi im lặng?

09/05/2014 06:39
Ngọc Quang
(GDVN)- Công ty Hoàng Phương phản ánh, Công an huyện Đông Anh tạm giữ số hàng trị giá khoảng 800 triệu đồng, nhưng đã hơn 90 ngày chưa giải quyết.

Thu hàng trong đêm

Theo đơn phản ánh của ông Lê Cao Tân – Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Hoàng Phương (thôn Đường Yên, xã Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội) gửi tới Báo Giáo dục Việt Nam: Vào lúc 14h ngày 17/01/2014, Công an huyện Đông Anh do anh Thắng (đội công an Phụ trách xã – Công an huyện Đông Anh) phụ trách, kiểm tra việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường tại công ty. Thời gian kiểm tra là 5 ngày.

Theo yêu cầu kiểm tra, công ty đã xuất trình đầy đủ các giấy tờ có liên quan cho tổ kiểm tra. Tiếp theo tổ kiểm tra yêu cầu kiểm tra về hàng hóa sản xuất, công ty đã xuất trình đầy đủ giấy tờ liên quan đến sản xuất hàng hóa như: hồ sơ công bố, tiêu chuẩn sản phẩm, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Đến khoảng 19h cùng ngày, tổ kiểm tra tiến hành lập biên bản về vi phạm hình thức nhãn mác. Cụ thể, nhãn sản phẩm ghi địa chỉ: “KCN Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội” không đúng so với địa chỉ trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là thôn Đường Yên, xã Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội.

Với lý do trên tổ kiểm tra đã ra quyết định tại chỗ tạm giữ toàn bộ hàng hóa của công ty gồm có 166.968 lon và chai nước ngọt các loại (trị giá khoảng 800 triệu đồng), đưa về kho cây xăng Huyền Vinh trên quốc lộ 3 thuộc xã Đông Hội, huyện Đông Anh.

Ông Tân cho biết: “Chúng tôi đã trình bày rõ với tổ kiểm tra là số lượng hàng trên công ty sản xuất để chuẩn bị tiêu thụ trong dịp tết Nguyên đán, nhưng vì in sai địa chỉ trên sản phẩm nên công ty chưa đưa ra thị trường mà đang chờ khắc phục nhãn cho đúng quy định. Tuy nhiên, anh Thắng đã không đồng ý và nói là phải thu giữ về cơ quan công an”.

Ông Lê Cao Tân - Giám đốc Công ty Hoàng Phương cho biết, Công an huyện Đông Anh giữ sản phẩm nước giải khát đã hơn 90 ngày khiến nhiều sản phẩm hết hạn sử dụng, doanh nghiệp đã thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Ông Lê Cao Tân - Giám đốc Công ty Hoàng Phương cho biết, Công an huyện Đông Anh giữ sản phẩm nước giải khát đã hơn 90 ngày khiến nhiều sản phẩm hết hạn sử dụng, doanh nghiệp đã thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Cũng theo ông Tân, trong quá trình công an tạm giữ hàng hóa, công ty có kiến nghị để hàng tại kho công ty, công an có thể niêm phong chờ xử lý, tuy nhiên tổ công tác đã huy động sẵn khoảng 17 chuyến xe ô tô tải cùng các lực lượng bốc xếp khoảng 40 người, trong đó có cả lực lượng bảo vệ của công an xã Xuân Nộn vào công ty mang hàng đi. Quá trình bốc hàng diễn ra tới 4 giờ sáng ngày 18/1/2014.

“Chúng tôi có yêu cầu Công an lập biên bản kiểm đếm số hàng thực tế mang đi và giao lại cho chúng tôi 1 bản, tuy nhiên điều đó không được thực hiện. Chúng tôi không cho xe ra cổng và yêu cầu tổ kiểm tra giao lại cho công ty: quyết định kiểm tra, biên bản làm việc, quyết định tạm giữ, biên bản tạm giữ, biên bản niêm phong, biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên, anh Khoa - thành viên trong tổ kiểm tra nói nếu công ty không mở cổng thì phá cổng, nếu ai can ngăn thì bị coi là chống người thi hành công vụ. Lúc đó anh Thắng không có mặt tại địa điểm kiểm tra. Sau cùng, vì không thể giữ nổi nên công ty đã mở cổng để xe ra và đồng ý kiểm đếm hàng hóa vào sáng hôm sau”, ông Tân cho biết.

Tạm giữ quá lâu dẫn tới hàng hết hạn sử dụng

Sáng ngày 20/1/2014, đại diện Công ty Hoàng Phương đến đội công an PTX-ANTT làm việc và đề nghị anh Thắng giao lại các giấy tờ pháp lý liên quan đến việc kiểm tra ngày 17/1/2014, và kiểm đếm số hàng đã thu giữ, tuy nhiên anh Thắng yêu cầu công ty phải làm công văn mới cho vào kho kiểm đếm số hàng thực tế mà cơ quan công an đã thu giữ tối 17/1.

Tới ngày 21/1/2014, Công ty Hoàng Phương có công văn yêu cầu kiểm đếm thực tế hàng hóa, nhưng lại bị từ chối mà không có lý do.

Chiều 22/1/2014, khi đại diện của công ty đi cùng một cán bộ của tổ kiểm tra (anh Khánh) đến kho cây xăng Huyền Vinh thì phát hiện công an để hàng hóa trên nền đất cùng khu vực với một số cột bơm xăng dầu hỏng.

“Ngày 17/2/2014, Công an huyện Đông Anh yêu cầu cùng với chúng tôi lấy mẫu tại trụ sở cơ quan đang lưu giữ để mang đi giám định chất lượng, mà không lấy mẫu tại kho tạm giữ. Chúng tôi thấy việc lấy mẫu của cơ quan Công an không đúng theo quy định của pháp luật về lấy mẫu giám định thực phẩm nên không chấp nhận”, ông Tân cho hay.

Sản phẩm nước giải khát của Công ty Hoàng Phương bị thu về vứt lăn lóc dưới đất, cạnh các thiết bị xăng dầu trong kho của cây xăng Huyền Vinh.
Sản phẩm nước giải khát của Công ty Hoàng Phương bị thu về vứt lăn lóc dưới đất, cạnh các thiết bị xăng dầu trong kho của cây xăng Huyền Vinh.

Giám đốc của Công ty Hoàng Phương cho rằng, Công an huyện Đông Anh đã làm không đúng quy trình và cần phải sớm trả lại hàng hóa cho công ty nhiều lần để nghị trả lại hàng hóa vì 4 lý do:

Thứ nhất, nội dung kiểm tra của Công an huyện Đông Anh là kiểm tra về việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, nhưng lại kiểm tra cả về hàng hóa và chất lượng sản phẩm là vượt quá phạm vi nội dung kiểm tra, vi phạm khoản 10 Điều 8 Thông tư số 56/2012/TT-BCA: "Nghiêm cấm việc tiến hành kiểm tra mà không có quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc tự ý mở rộng đối tượng, nội dung, phạm vi kiểm tra hoặc lợi dụng việc kiểm tra để sách nhiễu, gây khó khăn phiền hà cho hoạt động sản xuất kinh doanh doanh nghiệp".

Thứ hai, hàng hóa sản xuất tại cơ sở kinh doanh có sai về ghi nhãn sản phẩm nhưng chưa đưa ra thị trường tiêu thụ thì thuộc trách nhiệm của công ty khắc phục lại mới được đưa ra lưu thông trên thị trường, Công an huyện Đông Anh đã kiểm tra và kết luận vi phạm, thu giữ hàng hóa là trái thẩm quyền, không đúng quy định của pháp luật về kiểm tra nhãn hàng hóa, vi phạm các quy định của Thông tư 16/2009/TT-BKHCN ngày 02/6/2009 của Bộ khoa học và Công nghệ.

Thứ ba, kiểm tra, tạm giữ hàng hóa không lập biên bản tại thời điểm kiểm tra, tạm giữ vào ban đêm là không đúng quy định về việc tạm giữ hàng hóa theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.

Thứ tư, việc tạm giữ, bảo quản hàng hóa thực phẩm để lẫn với các cột bơm xăng dầu hỏng và trên nền đất là không đúng với quy định bảo quản thực phẩm và không đúng với công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của công ty.

Ông Tân nói: “Cho đến nay, Công an huyện Đông Anh đã tạm giữ hàng hóa của chúng tôi hơn 3 tháng mà biên bản tạm giữ hàng hóa, biên bản làm việc, biên bản vi phạm hành chính đều không có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty và họ chưa đưa ra kết luận gì là vi phạm luật xử lý vi phạm hành chính, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp; rất nhiều thùng hàng trong số bị thu giữ đã hết hạn sử dụng, ước tính thiệt hại đã lên tới vài trăm triệu đồng. Chúng tôi dự tính thiệt hại trong thời gian tới còn lớn hơn rất nhiều lần.Kể từ ngày thành lập đến nay, công ty luôn chấp hành đầy đủ nghĩa vụ của một doanh nghiệp về sản xuất kinh doanh thực phẩm, nhất là về chất lượng sản phẩm hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua nhiều lần kiểm tra, doanh nghiệp chưa có bất kỳ vi phạm nào về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường”.

Để làm rõ hơn các nội dung phản ánh trên, Báo Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Công an huyện Đông Anh và sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả.

Ngọc Quang