Thảm họa ăn theo vụ Lê Văn Luyện: Vì sao nhiều người "like"?

18/09/2011 08:13
Vũ Phong
(GDVN) - Sau khi Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết Kinh hoàng "đại thảm họa" ăn theo vụ Lê Văn Luyện, hàng trăm comment đã được độc giả gửi tới Báo...
Tinh thần chung của những phản hồi này cho rằng đó không thể là sản phẩm âm nhạc, một thứ nhảm nhí và thậm chí "độc hại" đối với cộng đồng mạng. Điều này lại trái ngược với kết quả nhìn thấy được trên Youtube.

Cụ thể, ở các phiên bản clip "Nàng Luyện lỡ bước" được đăng tải trên Youtube, số người bấm "like" (thích) lại nhiều hơn người bấm "dislike" (không thích) đối với trường hợp này. Ví dụ như phiên bản do thành viên Produck... tải lên ngày 4/9/2011 đến nay đã có khoảng 150 nghìn người xem, thì có 237 người thích, trong khi không thích chỉ là 56 người. Thông thường những "thảm họa" âm nhạc từng xuất hiện như "Da nâu" Phi Thanh Vân, "Nói dối" Phương My... đều chung "số phận" là rất nhiều người "dislike", nhưng clip "Nàng Luyện lỡ bước" lại có vẻ như là ngoại lệ.

Như chúng tôi đã ghi nhận từ cộng đồng mạng và phân tích, đại đa số đều nhất trí "Nàng Luyện lỡ bước" là một "thảm họa" không hơn không kém, vậy nên phải chăng những con số "bất bình thường" nói trên thể hiện một điều gì đó? Để phần nào giải đáp thắc mắc này, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội Việt Nam.

TS Khuất Thu Hồng, Phó viện trưởng Viện Ngiên cứu phát triển xã hội.
TS Khuất Thu Hồng, Phó viện trưởng Viện Ngiên cứu phát triển xã hội.

- Bà đã xem clip này chưa và thấy nó như thế nào?

TS Khuất Thu Hồng: Tôi thấy nó thật vớ vẩn. Tôi nghĩ những người làm ra clip này chắc là họ cũng rỗi việc, không có việc gì để làm.

- Có rất nhiều comment tỏ ra thích thú khi xem clip này, dù nó rất phản cảm, tục tĩu. Bà có thể đứng ở góc độ chuyên môn đưa ra lý giải vì sao không?

Tôi nghĩ là một bộ phận giới trẻ bây giờ không có việc gì để làm cả nên họ sẵn sàng tham gia vào những cái hoạt động chẳng có ý nghĩa gì, vô bổ. Không có những hoạt động thú vị hơn để thu hút sự tham gia của họ cho nên họ sẵn sàng vào mạng, thấy bất cứ một thứ gì là lên tiếng. Cái đấy là thể hiện thời gian không được sử dụng đúng mục đích.

- Liệu những bình luận, hành động của các bạn trẻ quanh một clip phản cảm như vậy có phản ánh một tâm lý có vấn đề của một bộ phận các bạn hay không?

Tôi chắc chắn rằng là có vấn đề với một bộ phận các bạn trẻ. Có cảm giác như họ hoàn toàn bối rối, không có định hướng cho mình. Cho nên, khi thấy bất cứ một cái gì lạ, một cái gì ngộ nghĩnh, thậm chí ngớ ngẩn, thì họ cũng có thể tham gia vào. Cái đấy rất là không hay.

- Vậy thì có thể nói rằng trong tâm lý của một bộ phận các bạn trẻ hiện nay đó là sự bệnh tật không?

Trong một cái chuẩn mực nào đấy thì cũng có thể nói theo cách như vậy. Họ không có được những hoạt động lành mạnh thì họ có thể nghĩ ra hoặc tham gia vào các trò vô bổ. Điều này rất là đáng tiếc, nhưng thực tế là như vậy!

- Xét ở góc độ xã hội học thì những hành động như vậy của bạn trẻ có gây ra hệ lụy gì với xã hội không thưa bà?

Tôi cho rằng nếu cái này lan tràn thành ra một thứ mà mình gọi là bệnh dịch thì chắc chắn sẽ có những cái ảnh hưởng xấu đến xã hội. Rõ ràng nếu họ tán thưởng, dành thời gian để làm những điều vô bổ như thế thì họ sẽ không còn thời gian để làm những việc lành mạnh khác, còn bản thân họ thì chắc chắn không học được gì hay, tốt đẹp.

- Clip có tính đùa cợt trong khi các nạn nhân và ngay cả gia đình hung thủ cũng đang chịu đau đớn, giày vò. Vậy liệu hành động đó với một số thứ khác như sự vô cảm, nạn "hôi của" khi người đi đường gặp nạn... chúng có liên quan gì với nhau không?

Có thể chúng có sự liên quan. Bản thân bố mẹ không ai mong muốn con cái mình như thế, cho nên đem chuyện này ra làm trò cười, giễu cợt một cách quá đáng như thế thì không thích hợp một chút nào. Nó cho thấy một bộ phận giới trẻ không được giáo duc cách ứng xử làm sao cho phù hợp, không có trách nhiệm trước một vấn đề xã hội.

- Như bà đã nói do các bạn trẻ thiếu những sân chơi lành mạnh, vì vậy đã lao vào những trò như thế để tiêu khiển. Vậy bà có đưa ra lời khuyên, định hướng gì để các bạn trẻ có những hành động lành mạnh hơn?

Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề giáo dục của cả nhà trường và xã hội chứ không của riêng ai. Đó là những chính sách, chương trình rất lớn, là định hướng chung của toàn xã hội. Phải làm sao để chúng ta mở được nhiều những sân chơi mới thu hút các bạn trẻ như thể dục thể thao, phòng âm nhạc để hát hò, giao lưu với nhau, vui chơi giải trí một cách lành mạnh. Có như vậy mới mong những chuyện tương tự không còn diễn ra.

- Xin cám ơn bà!
Vũ Phong