Viết tiếp bài “Hiệu phó Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nên bảo vệ lại luận án”, ngày 13/5 Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện với GS. Viện sỹ Trần Đình Long (Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới). Liên quan tới bản Kết luận của Bộ GD&ĐT về nội dung tố cáo PGS. Nguyễn Cảnh Lương có dấu hiệu đạo văn, sao chép lại gần như 100% của rất nhiều nội dung luận án của PGS.TS. Đặng Văn Khải.
Theo kết luận của Bộ GD&ĐT thì nội dung tố cáo là đúng một phần. Kết luận cũng khẳng định, ông Nguyễn Cảnh Lương không che giấu nguồn gốc tài liệu tham khảo khi đã liệt kê luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải tại danh mục tài liệu tham khảo của Luận án. Hội đồng chấm luận án đều đã biết luận án của ông Nguyễn Cảnh Lương có sử dụng lập luận trong luận án của PGS.TS Đặng Văn Khải nhưng chỉ lưu ý việc trích dẫn và vẫn đánh giá tốt về giá trị luận án.
GS. Viện sỹ Trần Đình Long. |
Trao đổi về nội dung bản kết luận của Bộ GD&ĐT, GS. Viện sỹ Trần Đình Long khẳng định, kết luận này không xác định được phần hay định lượng sao chép là bao nhiêu, cách trả lời của Bộ chưa được rõ ràng, từ đó khó có thể kết luận mức độ vi phạm là bao nhiêu.
Về bản luận án của PGS. Nguyễn Cảnh Lương, ngay người hướng dẫn là GS. Nguyễn Văn Mậu đã phê rằng: “Chương II và Chương III của PGS. Lương là học lại cách làm của người khác một cách cẩn thận”. Về khẳng định này, GS. Viện sỹ Trần Đình Long cho rằng, nếu hiểu về từ ngữ thì “học lại một cách cẩn thận” tức là chép lại không có sai sót gì hay nói cách khác là sao y bản chính.
“Chỗ này cũng phải xem lại bởi một thầy giáo hướng dẫn đã nói như vậy thì có nên hay không, trong luận văn có nên chép lại của người khác một cách cẩn thận hay không, với câu khẳng định của GS. Mậu tức là sao y nguyên bản, như thế thì khó chấp nhận được” GS. Long cho hay.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ GD&ĐT có mời một Hội đồng chức danh giáo sư ngành Toán để thẩm định lại công trình của PGS. Nguyễn Cảnh Lương, Hội đồng này chủ yếu thiên về việc xét học hàm, còn việc thẩm định luận án lại liên quan tới học vị. Vậy, kết quả có chính xác và khách quan? GS. Viện sỹ Trần Đình Long cho rằng, chính GS. TSKH Lê Hùng Sơn cũng đã nói về điều này và Bộ GD&ĐT cần tham khảo ý kiến của GS. Sơn, bởi GS. Sơn là người hiểu biết nhiều nhất về lĩnh vực liên quan tới luận văn của PGS. Nguyễn Cảnh Lương.
Qua sự việc của PGS. Nguyễn Cảnh Lương, xét trong bối cảnh năm 1996 khi PGS. Lương bảo vệ luận án vẫn còn những quy định chưa thật rõ ràng về đào tạo tiến sỹ. Vấn đề này có ý kiến nói rằng, có thể thông cảm? Tuy nhiên, khẳng định lại với chúng tôi GS. Viện sỹ Trần Đình Long cho rằng, có thể quy chế đào tạo tiến sỹ của ta lúc đó chưa có kinh nghiệm, nên có thể có những quy định chưa chặt chẽ. Nhưng lương tâm của người làm khoa học thì không thể nói trước đây 20 năm có thể thấp hơn bây giờ.
GS. Viện sỹ Trần Đình Long cho biết, qua sự việc này một bài học lớn cho ngành giáo dục, đó là tình trạng đạo và sao chép của nhau trong nghiên cứu khoa học sẽ là hình ảnh xấu trong mỗi nhà trường nói chung và giới khoa học nói riêng. Và nếu không xử lý dứt điểm tình trạng này, đặc biệt những người trực tiếp phục trách công việc này sẽ thành tiền lệ xấu về sau.
Từng nói với chúng tôi về lòng trung thực trong nghiên cứu khoa học, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, GS. TSKH. Trần Vĩnh Diệu cho rằng, qua đọc hai bản luận văn thấy rằng, nếu PGS. Lương có trích dẫn đàng hoàng sẽ không ai nói được điều gì, vì trong khoa học phải có tính kế thừa, nếu thầy đã làm mà trò đi theo thầy cũng là chuyện bình thường.
Nhưng đằng này anh Lương không trích dẫn, đó là cái dở, có nhiều lập lờ ở chỗ này. Chỗ này nhiều người nói là biểu hiện của không trung thực là đúng. Làm nghiên cứu khoa học cái gì cũng phải nghiên cứu rất kỹ tổng quan, cụ thể trong từng chương phải có trích dẫn rõ ràng, ai đã làm tới đâu, mình làm tới đâu. Tệ nhất là lập lờ không trích dẫn. Nếu nói anh Lương vô tình thì không đúng, vì trích dẫn là chuyện đương nhiên phải làm, còn không trích dẫn là chuyện cố tình chứ không phải cẩu thả” GS. Diệu khẳng định.
Phải hủy luận văn, cho bảo vệ lại
Nó trên Infonet, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, với bản Kết luận của Bộ GD&ĐT về vụ ông Nguyễn Cảnh Lương là rất lửng lơ, mâu thuẫn.
GS. Thuyết cho rằng, khó có thể chấp nhận việc một nghiên cứu sinh lấy ý kiến người khác làm thành một chương rưỡi (một nửa) luận án của mình, đồng thời không ghi chú đó là ý kiến của người khác, nhất là khi đã được các thầy hướng dẫn và Hội đồng chấm luận án nhắc nhở.
“Về mặt xử lý, tôi hiểu là Bộ cũng như Hội đồng chức danh ngành Toán có những điều khó xử. Nhưng đã là việc công thì cần gạt tình cảm cá nhân sang một bên, theo quy chế mà làm. Vụ việc của ông Nguyễn Cảnh Lương cần được xử lý công bằng với những vụ việc tương tự. Trước đây, ông Hoàng Xuân Quế ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng bị khiếu nại là sao chép luận án của người khác và đã bị Bộ tước bằng. Tại sao mỗi trường hợp Bộ lại xử lý một kiểu như vây?” – GS Thuyết nêu quan điểm.
Từng trao đổi với chúng tôi, GS. TKSH. Lê Hùng Sơn cho biết, bản chất của câu chuyện này là không trung thực. Theo GS. Sơn, Bộ GD&ĐT phải hủy luận án của PGS.Nguyễn Cảnh Lương và cho bảo vệ lại.
“Đây không thể nói là sơ suất được, bởi vì một Bí thư Đảng ủy với một trình độ như vậy thì không thể sơ suất được. Trước đó thì tôi không nói, nhưng khi PGS.Lương đã vào Đảng, đã làm ở vị trí như vậy thì tự anh phải biết” GS. Sơn cho biết.
Cũng theo GS. Lê Hùng Sơn, với bản kết luận của Bộ GD&ĐT như vậy là hơi dung túng cho PGS. Nguyễn Cảnh Lương và không nghiêm khắc. Ngoài ra, với kết luận của Hội đồng ngành GS. Sơn cũng cho là hơi hồ đồ, vì rằng luận án của PGS. Lương chỉ là ở Chương I, vậy Chương II, Chương III làm ra để làm gì?