Bắc Kinh phải ngừng ngay những hành động khiêu khích trên Biển Đông, rút giàn khoan và hạm đội tàu bảo vệ khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. |
Tờ Financial Times ngày 13/5 bình luận, những năm gần đây Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh nhằm tìm kiếm sự hiện diện tối đa trên Biển Đông, chính điều này đã dẫn đến một loạt căng thẳng, mới nhất là vụ Bắc Kinh kéo giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Hành động (bất hợp pháp) đó của phía Trung Quốc được Financial Times cho rằng "mới và đáng ngạc nhiên" sau một thời gian Bắc Kinh giả đò tỏ ra thân thiện với Việt Nam. Hành động của Trung Quốc đã gây ra một rạn nứt ngoại giao xấu xí. Mỹ cũng khẳng định hành động của Trung Quốc là khiêu khích.
Theo Financial Times, hiện chưa rõ lý do tại sao Trung Quốc lại đang thử nghiệm quan hệ với Việt Nam. Những giả thuyết khác nhau được đặt ra, nó có thể là một phản ứng muộn màng với chuyến công du của Obama tới 4 nước châu Á ủng hộ Philippines khởi kiện đường lưỡi bò ra tòa án trọng tài quốc tế.
Bắc Kinh cũng có thể tức giận (?!) vì Việt Nam đề nghị Nhật Bản cung cấp tầu tuần tra để tăng cường khả năng phòng thủ của mình.
Dù là lý do gì, thì rõ ràng Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm chính trong việc gia tăng đột ngột những căng thẳng trên Biển Đông. Nhưng Việt Nam cũng cần phải cảnh giác, tránh kích hoạt một cuộc xung đột với Trung Quốc, đối đầu bằng quân sự với Bắc Kinh, Financial Times bình luận.
Đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ không phải việc ngày một ngày hai, người Việt cần bình tĩnh và hết sức tỉnh táo kẻo mắc mưu khiêu khích từ Bắc Kinh. Đối tượng cần đấu tranh phản đối là nhà cầm quyền Trung Quốc, không phải người dân và doanh nghiệp của họ. |
Vụ giàn khoan 981 lại thêm một lý do mạnh mẽ đòi hỏi Trung Quốc và ASEAN cần nỗ lực để giải quyết sự rạn nứt ngoại giao sâu xa trên Biển Đông. Phản ứng của ASEAN trong vụ giàn khoan 981 là yếu ớt.
Bắc Kinh yêu sách "chủ quyền" với gần như toàn bộ Biển Đông trên cơ sở 1 bản đồ nội bộ họ phát hành từ năm 1953 với đường 9 đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò đòi tới 85% diện tích Biển Đông. Bắc Kinh chưa bao giờ giải thích cơ sở pháp lý của một tuyên bố như vậy.
Theo Finacial Times, ASEAN cần tái tập trung các nỗ lực để tìm một giải pháp cho những tuyên bố. Mỹ sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình này theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc đã cho họ một sự liều lĩnh để khẳng định quyền kiểm soát Biển Đông và dùng cái gọi là "chủ quyền lịch sử" để đòi yêu sách vùng biển giàu năng lượng. Nếu Bắc Kinh muốn khẳng định chính sách "trỗi dậy hòa bình" của họ được thực hiện nghiêm túc, thì họ phải chấm dứt các hành động hiếu chiến bởi rủi ro của một cuộc xung đột nếu nổ ra sẽ rất lớn.