Thông tấn Yonhap ngày 14/5 đưa tin cho biết, Samsung Electronics đã chính thức đưa ra lời xin lỗi và cam kết sẽ bồi thường việc một công nhân làm việc tại nhà máy của họ đã chết vì bệnh hiểm nghèo mà họ đổ lỗi cho môi trường làm việc độc hại gây ra.
Đây là lần đầu tiên Samsung đưa ra lời xin lỗi trong vụ kiện tụng kéo dài nhiều năm mà Samsung kiên quyết bác bỏ cáo buộc cho rằng môi trường làm việc tại các nhà máy sản xuất chip của họ có liên quan tới các chứng bệnh nan y mà công nhân mắc phải.
Các nạn nhân và thân nhân của họ biểu tình trước cửa trụ sở Samsung. |
"Một số công nhân làm việc tại các nhà máy của chúng tôi bị bệnh bạch cầu và các bệnh nan y khác dẫn tới một số trường hợp tử vong", Kwon Oh-hyun - Giám đốc điều hành Samsung Electronics cho biết trong tuyên bố tại cuộc họp báo ngày 14/5.
Ông Kwon đã thay mặt cho tập đoàn Samsung gửi lời xin lỗi và bày tỏ sự cảm thông sâu sắc tới thân nhân gia đình những người công nhân đã chết vì bệnh hiểm nghèo, nhưng khẳng định Samsung sẽ dừng tham gia vào các tranh chấp pháp lý với các gia đình trên và từ chối nhận trách nhiệm về họ.
Ông Kwon hứa hẹn sẽ yêu cầu một cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra độc lập môi trường làm việc tại nhà máy sản xuất chip của họ với sức khỏe của công nhận. Nếu các cáo buộc được chứng minh là thật, hãng sẽ chấp thuận bồi thường cho các nạn nhân.
Tuyên bố trên được đưa ra một tháng sau khi Samsung đàm phán với gia đình các nạn nhân và những người ủng hộ họ về điều kiện làm việc ở các nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn của Samsung độc hại.
Hồi tháng 4, một quan chức Hàn Quốc tên là Sim Sang-jung đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các gia đình nạn nhân và kêu gọi Samsung nhận trách nhiệm, bồi thường cho các nạn nhân.
Vụ kiện bắt đầu trong năm 2007 khi một công nhân tên là Hwang Yu-mi làm việc tại nhà máy sản xuất chip của Samsung ở Giheung, phía nam Seoul qua đời vì bệnh bạch cầu. Sau đó, thân nhân của Hwang tuyên bố anh đã chết vì tiếp xúc với các hóa chất độc hại tại nơi làm việc.
Năm 2010, gia đình Hwang và 4 công nhân tại nhà máy trên cũng mắc bệnh bạch cầu đã đệ đơn kiện Samsung với lý do họ mắc bệnh tại nơi làm việc. Tòa án Seoul năm 2011 đã ra phán quyết có lợi cho thân nhân của Hwang và các nguyên đơn khác.
Tháng 12/2012, cơ quan Bồi thường và phúc lợi công nhân Hàn Quốc cũng kết luận rằng một nữ công nhân của Samsung tử vong vì bệnh ung thư vú là do bệnh nghề nghiệp.
Vụ việc một lần nữa được khơi dậy hồi đầu năm nay khi bộ phim về cái chết của Hwang được phát hành.
Nguyễn Hường