"Vụ 981: Tập Cận Bình đang tìm cách đối phó phản ứng của Việt Nam"

16/05/2014 09:59
Hồng Thủy
(GDVN)- Tập Cận Bình (là người) thực dụng. Đặt giàn khoan 981 là một phần của kế hoạch lớn hơn, và đây không phải hành động khiêu khích mới nhất chúng ta sẽ thấy
Ông Tập Cận Bình.
Ông Tập Cận Bình.

ABS CBN News ngày 16/5 dẫn lời học giả Ernie Bower, Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) bình luận, Việt Nam với hàng ngàn năm kinh nghiệm trong quan hệ phức tạp với Trung Quốc đã cố gắng hết sức để không mắc bẫy Bắc Kinh ở Biển Đông.


Chiến dịch gây áp lực của Bắc Kinh đối với Việt Nam bao gồm việc kéo giàn khoan 981 hạ đặt (bất hợp pháp) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt nam cũng như các cuộc đụng độ trên Biển Đông có khả năng là 1 phần của chiến lược phát triển quân sự cứng rắn mà Bắc Kinh theo đuổi kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền.

Bower nói rằng ông sẽ không ngạc nhiên nếu Trung Quốc áp đặt cái gọi là vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông như họ đã từng làm trên biển Hoa Đông và vấp phải sự phản đối kịch liệt của Mỹ, Nhật bản, Hàn Quốc.

"Chúng ta thấy Tập Cận Bình (là người) thực dụng. Điều này thực sự là một phần của một kế hoạch lớn hơn, và đây không phải hành động khiêu khích mới nhất chúng ta sẽ thấy", Bower nhận xét.

Học giả Bower. Ảnh: CSIS.
Học giả Bower. Ảnh: CSIS.
Ngày 16/5, tờ Bloomberg bình luận, Tập Cận Bình đang phải xem xét làm thế nào để đối phó với phản ứng giận giữ của Việt Nam trong vụ giàn khoan 981, một trong những nỗ lực của Bắc Kinh hòng ngăn chặn Đông Nam Á đoàn kết thành một khối chống âm mưu bành trướng Biển Đông.

Những phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam có "nguy cơ" phá hoại chính sách Tập Cận Bình đã chế ra để củng cố quyền lực từ khi nhậm chức - thặt chặt quan hệ với một số nước ASEAN trong khi leo thang và thách thức trên Biển Đông.

Bất kỳ những động thái leo thang nào của Trung Quốc trên Biển Đông cũng có thể đẩy khu vực Đông Nam Á thắt chặt quan hệ hơn nữa với Mỹ và Nhật Bản.

"Nếu Trung Quốc tiếp tục gây rắc rối với các nước láng giềng nhỏ hơn họ sẽ tạo ra cảm giác khó chịu về việc bị 1 láng giềng to xác chà đạp. Người Trung Quốc không muốn Mỹ can thiệp nhưng hành động của họ đang đẩy các nước láng giềng tới chỗ kêu gọi sự giúp đỡ từ Mỹ", giáo sư Sreeram Chaulia, Hiệu trưởng trường Quan hệ quốc tế Jidal, Ấn Độ nói với Bloomberg.

Partrick Cronin, Giám đốc chương trình An ninh châu Á -  Thái Bình Dương từ Trung tâm An ninh mới của Mỹ bình luận: "Lãnh đạo Trung Quốc đang thử nghiệm một mô hình chấp nhận rủi ro bằng các sử dụng ép buộc để khẳng định, kiểm soát yêu sách lãnh thổ hàng hải của mình."

"Tập Cận Bình muốn các nước láng giềng phải lựa chọn giữa hợp tác theo các điều kiện của Trung Quốc hoặc phải đối mặt với chiến thuật tăng áp lực và cản trở của Trung Quốc", Patrick Cronin nhận xét.

Hồng Thủy