Thông tin này được Chủ tịch Quốc hội cho biết tại buổi họp sáng nay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
"Dự án sửa đổi khoản 2 Điều 13 Luật quốc tịch Việt Nam được sửa đổi theo hướng bỏ quy định thời hạn. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam", Chủ tịch cho biết.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: Đăng Học. |
Theo Báo cáo của Bộ Ngoại giao, sau gần 5 năm thực hiện đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2013, mới có trên 6.000 người làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, là một tỷ lệ thấp so với tổng số người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch. Có hai nguyên nhân được xác định:
Thứ nhất, nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có quốc tịch nước sở tại, nên nhu cầu đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam của họ không thật sự cấp thiết, thậm chí ở các nước theo nguyên tắc một quốc tịch cứng thì việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam có thể ảnh hưởng đến quy chế quốc tịch của họ ở nước sở tại, đến quyền lợi, công ăn việc làm, cư trú của họ; cộng đồng người Việt Nam định cư ở rất nhiều nước (khoảng trên 100 nước), một bộ phận trong số họ, nhất là ở các nước chưa có cơ quan đại diện của ta, có thể chưa biết đến quy định mới của Luật Quốc tịch năm 2008.
Thứ hai, công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, nhất là Thông tư, Thông tư liên tịch, chưa kịp thời, làm cho việc triển khai đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trên thực tế không bảo đảm được đúng thời gian Luật định; công tác phối hợp tổ chức triển khai thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam giữa các Bộ liên quan còn hạn chế; cơ chế liên thông, gắn kết giữa việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam với việc cấp hộ chiếu Việt Nam chưa được hướng dẫn rõ ràng.
Trong khi đó, thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ kết thúc vào ngày 01/7/2014 tới đây. Theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 thì những người không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ đương nhiên mất quốc tịch Việt Nam. Sau này, nếu có nguyện vọng thì phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật.
Trước đó, ngày 13/11/2008, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi), lần đầu tiên cho phép công dân Việt Nam trong một số trường hợp đặc biệt được có hai quốc tịch. Đồng thời, để giải quyết tình trạng không rõ ràng về quốc tịch Việt Nam trong cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài do lịch sử để lại, trên cơ sở quán triệt chính sách của Đảng và Nhà nước ta về nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam, nguyên tắc xuyên suốt của pháp luật nước ta về quốc tịch từ 1945, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định tại khoản 2 Điều 13 một điều khoản có tính chất chuyển tiếp như sau: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam”.
Mục đích của việc quy định điều khoản chuyển tiếp này là nhằm thực hiện chính sách của Đảng ta đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được ghi nhận tại Nghị quyết số 36/NQ-TƯ ngày 26 tháng 3 năm 2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, bảo đảm cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam (công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài) có cơ hội được đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, kể cả trong trường hợp đã có quốc tịch nước ngoài.
Mặt khác, quy định việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam cũng tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo hộ của Nhà nước ta đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, đồng thời cũng nhằm bảo đảm cho công tác quản lý quốc tịch, quản lý công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được hiệu quả hơn, phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước.