- Theo anh mục đích của Trung Quốc khi ngang ngược mang giàn khoan 981 vào vùng biển Việt Nam hơn nửa tháng nay là gì?
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh |
Có vẻ như Trung Quốc không hoàn toàn tập trung vào mục đích khoan dầu. Đây chỉ là cái cớ để Trung Quốc thăm dò thái độ của Việt Nam và dư luận quốc tế. Họ nhúng một chân vào vùng lãnh thổ của ta, để xem thái độ chủ nhà thế nào. Nếu chúng ta mềm yếu thì sẽ nhúng chân khác vào để chiếm luôn làm chủ. Còn nếu chúng ta làm dữ quá thì có thể Trung Quốc sẽ rút hoặc bù lu bù loa lên chửi bới, vu vạ rồi liều lĩnh chiếm lấy…
Với Trung Quốc thì thủ đoạn nào cũng có thể xảy ra, nên ta càng phải cảnh giác cao độ, cương quyết và mạnh mẽ phá tan âm mưu “vừa đánh vừa đàm”; đập tan bẫy “vùng biển tranh chấp” rồi bày trò đàm phán “gác tranh chấp cùng khai thác”.
- Trước sự bành trướng, khiêu khích cao độ của Trung Quốc, theo anh phản ứng của Việt Nam trong thời gian qua như thế nào?
Cần phải xác định rằng, các bước đi hiện nay của Nhà nước ta đang đúng hướng, sử dụng vũ khí mạnh mẽ của ngoại giao, của truyền thông, của chứng nhận lịch sử để đấu tranh, khẳng định với Trung Quốc và quốc tế rằng, Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam, không thể chối cãi được.
Qua hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, thời gian qua, cả nước ta cũng đã dấy lên tinh thần yêu nước nồng nàn. Chúng ta đoàn kết xuống đường phản đối hành động bành trướng của Trung Quốc nhưng vẫn thể hiện phẩm chất yêu chuộng hòa bình và không sợ bất cứ thủ đoạn xâm lược nào.
Chúng ta mềm dẻo, kiên nhẫn nhưng cương quyết và kiên định lập trường bảo vệ chủ quyền. Lâu rồi, mới có một sự thống nhất, đồng tâm, đồng trí, đồng lòng cao như thế giữa các tầng lớp nhân dân và lãnh đạo quốc gia, điều này rất đáng mừng. Sức mạnh này cần phải phát huy hơn nữa cả trong công cuộc xây dựng đất nước và chống tham nhũng.
- Nhưng nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục ‘giở trò’ bánh trướng, ngang ngược ở vùng biển của nước ta thì theo anh, Việt Nam có nên kiện Trung Quốc ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về sai phạm này không?
Việc kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế hoặc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chắc chắn phải làm, vì đây là động thái mạnh nhất để có thể ép Trung Quốc gỡ bỏ âm mưu xâm phạm chủ quyền biển Đông của Việt Nam mà không cần phải dùng tới biện pháp đối đầu vũ lực.
- Được biết phía Hội nhà văn Việt Nam đã gửi thư ngỏ đến Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc, anh nghĩ việc làm này sẽ đem lại kết quả khả quan chứ?
Thư ngỏ của Hội nhà văn Việt Nam gửi Hội nhà văn Trung Quốc phản ánh suy nghĩ, thái độ, trách nhiệm của các nhà văn Việt Nam đối với chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc mình.
Đồng thời cũng đề nghị các nhà văn Trung Quốc, bằng lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút lên tiếng với chính phủ nước mình dừng ngay lại hành động xâm phạm trắng trợn, bất chấp luật pháp quốc tế mà chắc chắn trong một xã hội văn minh không quốc gia nào lại hành xử như thế. Đặc biệt là Trung Quốc – một nước có bề dày văn hóa, văn học vĩ đại càng phải tránh xa những hành vi được coi là phi đạo lý như thế.
Tác dụng của thư ngỏ thể hiện thái độ và tiếng nói của các nhà văn Việt Nam đến chính quyền Bắc Kinh ở mức độ nào là tùy thuộc vào tâm thế, đạo lý, và vào nhận thức của họ. Bày tỏ vẫn phải bày tỏ, phản đối vẫn phải phản đối, nhưng với chúng ta, bất cứ lúc nào cũng phải nêu cao cảnh giác, sẵn sàng bảo vệ Tổ Quốc.
- Còn với tư cách cá nhân, anh thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này như thế nào?
Như tôi đã từng viết, nhà văn có quyền lực của nhà văn, đó là quyền lực câu chữ. Trước sinh mạng của Tổ Quốc mình, nhà văn hay bất cứ một công dân Việt Nam… hãy dùng chữ của mình để kêu gọi tình đoàn kết, phân tích minh bạch tình hình, đốt lửa vào lòng yêu nước của nhân dân, thông qua những bài viết, tiểu luận, tản văn, tác phẩm… tạo thêm sức mạnh tinh thần của toàn dân tộc. Tôi nghĩ như thế và tôi đang nỗ lực làm như thế.