Chỗ dựa nào để chủ đầu tư Sakura Tower công khai phạm luật?

17/05/2014 06:05
Duy Phong
(GDVN)- Trong một văn bản gửi UBND quận Thanh Xuân, chủ đầu tư Sakura Tower đã thừa nhận thay đổi công năng từ sàn kỹ thuật sang căn hộ, nhà ở.
Ngang nhiên thay đổi công năng

Trong một văn bản gửi UBND quận Thanh Xuân mới đây, chủ đầu tư tòa nhà Sakura Tower ở 47 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân (Hà Nội) là Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn đã thừa nhận tự ý thay đổi công năng, biến sàn kỹ thuật thành căn hộ nhà ở.

Một trong những văn bản thừa nhận sai phạm của chủ đầu tư.
Một trong những văn bản thừa nhận sai phạm của chủ đầu tư.

Theo đó, chủ đầu tư đã công khai thừa nhận: ...Thay đổi công năng sử dụng gồm: 1. Tầng kỹ thuật 1 (tầng 3B): Diện tích sử dụng là 1.112,7m2 để bố trí văn phòng làm việc của công ty. Tầng kỹ thuật 2 (tầng 12B): Diện tích sử dụng 1.164,4m2 để bố trí các căn hộ nhà ở cho cán bộ công nhân viên công ty hoặc cho thuê.

Không chỉ thay đổi công năng tầng kỹ thuật, chủ đầu tư còn thay đổi thiết kế tầng penthouse (căn hộ thông tầng) và tầng mái. Chủ đầu tư thừa nhận: “Từ thiết kế ban đầu là các căn hộ cao cấp, diện tích rộng, thông tầng penthouse thành các sản phẩm độc lập, chia nhỏ thành các căn hộ có diện tích phù hợp đáp ứng nhu cầu thị trường…”.

Tuy vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng nhưng chủ đầu tư vẫn cho rằng: “Việc điều chỉnh công năng một số hạng mục trên, không ảnh hưởng, thay đổi hình thức, kiến trúc mặt chính công trình, vị trí xây dựng công trình, cốt nền, các chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, chiều cao công trình…”.

Theo cách lý giải trên, dường như chủ đầu tư Sakura Tower đang thản nhiên “ngồi” trên pháp luật, thách thức dư luận và các cơ quan công quyền của Hà Nội.

Khách hàng bị doanh nghiệp “thòng”?

Theo quy định của pháp luật thì chủ đầu tư phải thực hiện đúng thiết kế, quy hoạch và giấy phép xây dựng. Khách hàng khi mua căn hộ có quyền yêu cầu chủ đầu tư phải xây dựng đúng như thiết kế, giấy phép của cơ quan nhà nước cấp.

Sakura Tower đã gây ra nhiều "tai tiếng" ở Hà Nội.
Sakura Tower đã gây ra nhiều "tai tiếng" ở Hà Nội.

Tuy nhiên, chủ đầu tư tòa nhà Sakura Tower lại “lý cùn” rằng: Theo mục 2- Điều 11, Hợp đồng mua bán nhà giữa chủ đầu tư và các hộ dân mua nhà có quy định: “Các diện tích và hạng mục công trình thuộc quyền sở hữu riêng của bên bán: tầng lửng, tầng mái, tầng thương mại, tầng hầm 01, tầng văn phòng, không gian kỹ thuật và không gian tầng mái”.

Vì lẽ đó, chủ đầu tư nhận định: “Các tầng lửng, tầng mái, tầng thương mại, tầng hầm 01, tầng văn phòng, không gian kỹ thuật và không gian tầng mái thuộc quyền sử dụng của chủ đầu tư”.

Như vậy, ngay từ khi ký hợp đồng mua bán căn hộ, chủ đầu tư đã “thòng” những điều khoản có lợi cho họ. Tuy nhiên, không vì thế khách hàng không có quyền khởi kiện chủ đầu tư. Bởi, căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, chủ đầu tư không những vi phạm pháp luật mà còn gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của hàng nghìn cư dân ở tòa nhà Sakura Tower.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Duy Phong