Làm phá sản chiến thuật "Bên miệng hố chiến tranh" của Trung Quốc

19/05/2014 16:01
Trần Nghĩa Sơn
(GDVN)- Nhiều học giả uy tín trên thế giới có chung nhận định là Việt Nam tuy yếu hơn Trung Quốc nhưng Việt Nam có truyền thống không chịu khuất phục.

Trong quan hệ với các nước láng giềng, Trung Quốc thường xuyên sử dụng chiến thuật hăm dọa sử dụng vũ lực. Phải chăng đây là cách quan hệ láng giềng mang “đặc sắc Trung Hoa”?
 
Thông tấn xã Đài Loan ngày 15/5/2014 đưa tin, quân đội Trung Quốc đã báo động sẵn sàng chiến đấu cấp 3 đối với các đơn vị quân đội ở sát biên giới Việt - Trung, tất cả sĩ quan binh sĩ 100% trực chiến trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang trên Biển Đông, sau khi Trung Quốc kéo giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng trong ngày 15/5 vừa qua, Tân Hoa Xã dẫn thông báo trên tài khoản Weibo của báo Giải phóng quân Trung Quốc cho biết việc một số hãng truyền thông đưa tin rằng quân đội tại khu vực biên giới Trung - Việt được lệnh báo động chiến đấu cấp ba là “thông tin giả”.

Lắm mưu nhiều kế, thật giả khó lường

Một số ý kiến cư dân mạng cho rằng: Động thái trên là kế “dương Đông, kích Tây” của Trung Quốc, muốn thu hút chú ý của Việt Nam ở hướng biên giới trên bộ. Một số khác lại phỏng đoán đó là kế “thực thực, hư hư” (thật thật, giả giả) nhằm “nắn gân” Việt Nam, uy hiếp nhiều hướng để Việt Nam phải lo sợ, không dám kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển.

Quân đội Trung Quốc ngày càng hung hăng (Ảnh: Petrotimes)
Quân đội Trung Quốc ngày càng hung hăng (Ảnh: Petrotimes)

Bưu điện Hoa Nam ngày 16/5 đưa tin, Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo của Đảng cộng sản Trung Quốc, lại kêu gọi nhà cầm quyền nước này "buộc phải chiến tranh" với các quốc gia "khiêu khích ý định hòa bình của Trung Quốc", sau khi Tổng tham mưu trưởng nước này đổ lỗi cho Việt Nam và Mỹ ở Biển Đông.

Đối với Trung Quốc mà nói, nhiều khi, người ta khó biết đâu là thật, đâu là giả. Nhưng điều có thể khẳng định là dù dưới hình thức nào thì Trung Quốc cũng thường xuyên dùng giọng điệu đe dọa sử dụng vũ lực với các quốc gia láng giềng có tranh chấp với Trung Quốc.

“Trỗi dậy hòa bình”?

Một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao Trung Quốc lại hay hăm dọa nước khác? Họ không tiếp tục xây dựng hình tượng “trỗi dậy hòa bình” nữa sao? Thật ra, trong hai thập niên qua, Trung Quốc đã bỏ ra khá nhiều công sức, tiền bạc để xây dựng hình ảnh một nước Trung Quốc đang trỗi dậy một cách hòa bình. 

Hàng năm Trung Quốc đã chi ra một khoản ngân sách lên tới 200 triệu USD để thúc đẩy việc học tiếng Trung trên toàn thế giới. Học viện Khổng giáo, một mô hình truyền bá văn hóa Trung Quốc giống như “Hội đồng Anh” và “Trung tâm văn hóa Pháp” đã được lập ra. 

Theo thống kê, cho đến cuối năm 2008, đã có tới 249 học viện Khổng Tử được xây dựng trên 78 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng có một sự khôi hài là cũng với việc ra sức truyền bá văn hóa Khổng giáo thì Trung Quốc cũng không dấu được sự tham lam vô độ của mình. Qua yêu sách của cái gọi là “đường chín đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, bao trùm 80% diện tích biển Đông.

Để phục vụ cho sự tham lam đó, họ bất chấp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, mà họ cũng là một bên tham gia ký kết, ra sức dùng “cơ bắp” để giành giật các vùng lãnh hải của các quốc gia láng giềng như Philippines, Việt Nam. 

Ngay cả các nước như Malaysia hay Indonesia, vốn trước kia “không có ý kiến gì” với Trung Quốc, nay cũng đã tỏ rõ thái độ cảnh giác trước các hành động ngày càng lấn lướt của Trung Quốc trên biển Đông.

Bảo vệ chủ quyền: Không có chuyện sợ!
 
Chúng ta phải hiểu là chiến thuật hăm dọa dùng vũ lực hay chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh” là kế của Trung Quốc nhằm “không đánh mà thắng”. Nếu như “đối tượng” bị hăm dọa mà thật sự sợ sệt thì xem như họ đạt mục tiêu.

Nhiều học giả uy tín trên thế giới có chung nhận định là Việt Nam tuy yếu hơn Trung Quốc nhưng Việt Nam có truyền thống không chịu khuất phục. Người Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Bởi chúng ta đã hiểu thế nào là đau thương của chiến tranh.

Nhưng cần phải xác định một cách rõ ràng, không mơ hồ, không nhầm lẫn rằng: Yêu hòa bình không có nghĩa là sợ chiến tranh. 

Các cơ quan truyền thông nhà nước ngày 17/5 dẫn lời Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nói: Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ các phương án để bảo vệ chủ quyền, kể cả phương án “không hòa bình”! 

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì Trung Quốc lại càng lấn tới! Nếu lịch sử lại đặt Việt Nam ở vào một tình thế bắt buộc phải thực hiện chiến tranh để bảo vệ đất nước thì tin rằng tất cả người dân Việt Nam sẽ sẵn sàng hy sinh vì đất nước.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã mạnh mẽ khẳng định: “Không có chuyện sợ trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền”. Chúng ta phải đoàn kết, nhân dân và chính phủ một lòng, nhất định sẽ làm phá sản âm mưu “không đánh mà thắng” của nhà cầm quyền Trung Quốc./.
Trần Nghĩa Sơn