Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. |
Channel News Asia ngày 22/5 đưa tin, sáng nay tại Hội nghị Nikkei ở Nhật Bản, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã có bài phát biểu dự đoán những kịch bản châu Á sẽ đối mặt trong 20 năm tới. Trong khi Mỹ vẫn sẽ là siêu cường ưu việt của thế giới và đóng vai trò cân bằng ngày càng quan trọng ở châu Á, các nước trong khu vực sẽ chứng kiến một siêu cường mới ngày càng phát triển - Trung Quốc.
Châu Á sẽ thế nào trong 20 năm tiếp theo kể từ bây giờ? Chúng ta có thể dự đoán một số xu hướng với sự tự tin, nhưng có rất nhiều ẩn số và do đó sẽ có nhiều kết quả khác nhau, ông Lý Hiển Long nhận định. Những cường quốc đóng vai trò chủ chốt trong khu vực sẽ vẫn là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản trong khi Ấn Độ tập trung vào Nam Á nhiều hơn là Đông Á.
Bắt đầu từ Hoa Kỳ. Ngày nay Mỹ vẫn là một trung tâm quyền lực toàn cầu chiếm ưu thế. Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, quyền lực và ảnh hưởng của Mỹ đã củng cố an ninh và ổn định trong khu vực kể từ sau Chiến tranh Thế giới II và thúc đẩy tất cả các nước phát triển thịnh vượng. Theo Thủ tướng Singapore, Mỹ là một trung tâm quyền lực lành tính, mang tính xây dựng. Điều này lý giải tại sao Mỹ vẫn được chào đón bởi các nước trong khu vực.
Chính sách tái cân bằng của chính quyền Obama ở châu Á phản ánh quan điểm chiến lược của Mỹ, rằng Hoa Kỳ đã, đang và sẽ luôn là một sức mạnh ở Thái Bình Dương. Thật không may, vì vai trò "cảnh sát toàn cầu", Mỹ đã mất hơn 50 ngàn binh sĩ thiệt mạng trong chiến tranh Iraq và Afghanistan, người dân Mỹ cảm thấy mệt mỏi. Họ không muốn tham gia vào những cuộc chiến mới hoặc có những gánh nặng mới, dù là Syria, Ukraine hay châu Á.
Đối thủ của Mỹ cảm nhận được điều này và hy vọng Washington đã mất đi ý chí để thúc đẩy lợi ích của mình cũng như bảo vệ "giới hạn đỏ" mà Mỹ đặt ra.
Cuộc chiến Iraq và Afghanistan đã khiến người Mỹ mệt mỏi. |
Nền kinh tế Mỹ cũng đã trải qua những khó khăn. Khủng hoảng tài chính toàn cầu là một trở ngại lớn, khủng hoảng đã là quá khứ nhưng thực trạng hiện nay vẫn chưa phục hồi được đến mức trước khủng hoảng. Nền chính trị Mỹ với sự chia rẽ sâu sắc giữa 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa làm suy yếu khả năng của Mỹ để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính cũng như các vấn đề quan trọng khác, từ cải cách luật nhập cư đến cân đối chi tiêu xã hội.
Vì những khó khăn này một số quan điểm cho rằng Hoa Kỳ đang suy giảm vĩnh viễn. Lý Hiển Long khẳng định ông không tin điều này. Ngược lại, Mỹ là một xã hội rất kiên cường, năng động và phát triển kinh doanh. Hoa Kỳ đã trải qua nhiều thử thách và đau khổ trong lịch sử của mình, nhưng mỗi lần sau đều tăng trưởng hơn trước.
Ông Lý Hiển Long tin rằng, trong 20 năm tới Mỹ vẫn là siêu cường ưu việt trên thế giới. GDP của Trung Quốc có thể sẽ vượt mỹ về mặt tổng số, nhưng không phải GDP bình quân đầu người. Mỹ sẽ vẫn là nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới, dẫn đầu trong đổi mới, công nghệ và tài năng. Ông dự đoán trong danh sách Fotune 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu 20 năm tới sẽ có những công ty mới ở Mỹ hiện vẫn chưa ra đời, cũng giống như Google và Facebook 20 năm trước.
Lực lượng vũ trang Mỹ sẽ vẫn ghê gớm nhất với công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Mỹ sẽ vẫn tiếp tục có lợi ích ở châu Á, lợi ích quan trọng, đầu tư lớn, thị trường lớn và nhiều bạn bè ở đây. Hoa Kỳ có tất cả các động cơ để tham gia vào khu vực trên diện rộng.
Tuy nhiên, cũng có 2 điều không chắc chắn trong dự đoán này. Đầu tiên là làm thế nào để người Mỹ vượt qua tâm trạng lo lắng hiện tại, lấy lại sự tự tin và ý chí để thúc đẩy lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới. Thứ 2, các chính trị gia 2 đảng cần phải vượt qua những bế tắc hiện nay như thế nào để tạo ra sự đồng thuận tiến về phía trước chứ không phải sa lầy vào vũng bùn đảng phái.
Bên cạnh Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong khu vực. Trong thực tế, sự thay đổi lớn nhất với châu Á trong 20 năm tới sẽ bao gồm sự tăng trưởng quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc. Ngân hàng Thế giới dự báo, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo PPP vào cuối năm nay, trong 20 năm qua nó đã tăng kích thước gấp 3 - 4 lần. Tiêu chuẩn sống của Trung Quốc sẽ đạt đến những gì họ gọi là "xã hội khá giả".
Một góc thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. |
2 thành phố Trùng Khánh và Quảng Châu sẽ vào top đô thị hàng đầu thế giới cùng Bắc Kinh, Thượng Hải. Nhiều công ty Trung Quốc sẽ có thêm các nhà lãnh đạo toàn cầu như ICBC, Haier và Alibaba.
Quân đội Trung Quốc ẽ là một lực lượng chiến đấu tiên tiến và mạnh mẽ, tương xứng với nền kinh tế và sức mạnh của Trung Quốc, ông Long nhận định. Trung Quốc đang mua sắm vũ khí, khí tài hiện đại như máy bay phản lực tàng hình, tàu sân bay và phát triển chiến tranh mạng.
Tuy nhiên quân đội Trung Quốc sẽ không đạt được độ "tinh tế" như quân đội Mỹ, nhưng là một lực lượng vũ trang mạnh. Hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đã được xác định từ đầu, cùng với nông nghiệp, công nghiệp và khoa học - công nghệ, nên không phải điều gì gây ngạc nhiên với bất cứ ai.
Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về nhân khẩu học. Với chính sách một con, Trung Quốc sẽ là một trong những nước già nhanh nhất thế giới. Kích thước dân số Trung Quốc trong độ tuổi lao động đã lên đến đỉnh điểm và bắt đầu thu hẹp. 20 năm tới, Trung Quốc sẽ có gần 300 triệu người cao tuổi từ 65 trở lên, gần như tương đương toàn bộ dân số Mỹ hiện nay.
Thủ tướng Lý Hiển Long cũng cho rằng, có 2 điều không chắc chắn quan trọng trong con đường tương lai của Trung Quốc 20 năm tới. Về nội bộ, Trung Quốc có thể phải biến đổi xã hội của mình để đáp ứng các nhu cầu mới, mong đợi của một thế hệ mới.
Nền chính trị Trung Quốc phải tạo được sự ổn định, hướng tới tương lai để chính phủ hoạt động một cách tự giác. Sự thay đổi kinh tế đã mang lại những thay đổi xã hội sâu sắc. Thế hệ mới ở Trung Quốc được giáo dục, hiểu biết về internet. Trung Quốc phải xây dựng các tổ chức xã hội và mạng lưới an toàn để chăm sóc họ, đồng thời phải khắc phục được nạn tham nhũng nghiêm trọng.
Sẽ là một thách thức lớn cho bất cứ nước nào chứ không riêng gì nước lớn như Trung Quốc khi không có một lộ trình để làm theo trong lúc cố gắng phát triển một mô hình xã hội, chính trị khả thi. Trung Quốc vẫn cứ đang dò đá qua sông.
Ngày càng xảy ra nhiều vụ tấn công khủng bố ở các địa phương của Trung Quốc, dấy lên mối lo ngại về bất ổn xã hội. |
Bên ngoài, Trung Quốc và các nước láng giềng nhỏ hơn nhiều sẽ quản lý các mối quan hệ như thế nào khi các nước này vẫn giữ tính độc lập và không gian chiến lược của mình? Làm sao để Trung Quốc được chào đón và tôn trọng như một quyền lực lớn nhưng lành tính, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, cách mà nhiều nước châu Á đã chấp nhận Mỹ sau Thế chiến II, hay lại bị láng giềng nhìn nhận với ánh mắt thận trọng và lo âu?
3 thập kỷ qua, Trung Quốc đã đạt được thịnh vượng bằng cách làm theo 3 chiến lược của Đặng Tiểu Bình: Ổn định là trên hết, cho phép một bộ phận người Trung Quốc giàu lên trước và giấu mình chờ thời. Nhưng làm thế nào để Trung Quốc giải thích hoặc sửa đổi chiến lược của Đặng Tiểu Bình cho phù hợp với thế kỷ 21?
Những thách thức chính quyền Tập Cận Bình phải đối mặt là rất khó khăn, nhưng không có nghĩa đó là lý do kết luận Trung Quốc sẽ thất bại. Lãnh đạo Trung Quốc ngày nay có thẩm quyền và thực tế, không giống như Liên Xô cũ. Họ ráo riết giải quyết vấn đề, sẵn sàng tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước dù phải gạt ra hàng triệu công nhân, hoặc kiềm chế tham nhũng ở cấp cao nhất. Họ biết những thách thức nội bộ của Trung Quôc vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Lãnh đạo mới ở Trung Quốc có quyền lực và khá thực dụng. |
Thứ ba là Nhật Bản. Quốc gia này đã phải chịu đựng 2 thập kỷ khó khăn kể từ khi nền kinh tế bong bóng kết thúc. Với 3 mũi giáp công, Thủ tướng Shinzo Abe đã thúc đẩy sự tự tin và đưa ra những cải cách khó khăn để phục hồi nền kinh tế. Thủ tướng Singapore cho rằng, trong 20 năm tới Nhật Bản sẽ vẫn là một cường quốc, một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới với sức mạnh to lớn nằm ở khoa học và công nghệ.
Nhưng cũng giống như Trung Quốc, Nhật Bản phải đối mặt với thách thức dân số đang già đi và bị thu hẹp nhanh chóng. Trong 2 thập kỷ, dân số Nhật Bản sẽ bị thu hẹp gần 10 triệu, tương đương 2 lần dân số Singapore. Ông Lý Hiển Long đưa ra 2 giải pháp cho vấn đề này, nhưng câu hỏi đặt ra là ông Shinzo Abe và người kế nhiệm có tập hợp được sự đồng thuận chính trị để hỗ trợ cải cách, chấp nhận những đau đớn để gặt hái thành quả cuối cùng hay không.
Sự thành công trong hoạt động cải cách của Nhật Bản còn phụ thuộc vào môi trường bên ngoài. Nếu có quan hệ tốt với láng giềng, hợp tác kinh tế sẽ phát triển mạnh, nếu không, xích mích trong khu vực sẽ ảnh hưởng đến sự tự tin cũng như hoạt động thương mại, đầu tư.
20 năm tới sẽ tròn 1 thế kỷ sau chiến tranh Trung - Nhật. Câu hỏi quan trọng là liệu Nhật Bản và các nước láng giềng, đặc biệt là Hàn Quốc và Trung Quốc có thể đối diện với lịch sử này, cùng hướng tới tương lai hay không? Điều này không chỉ phụ thuộc vào Nhật Bản, bởi hòa giải và hợp tác không thể đạt được từ 1 phía.
Một kịch bản châu Á vẫn hòa bình, các quốc gia làm việc cùng nhau thúc đẩy lợi ích chung, Mỹ duy trì quyền lực ở châu Á và tham gia sâu rộng hơn vào khu vực. Trung Quốc mạnh hơn, nhưng tuân thủ pháp luật và các chuẩn mực quốc tế, có quan hệ mang tính xây dựng với láng giềng. Quan hệ Mỹ - Trung tìm thấy một mô hình mới, vừa cạnh tranh ảnh hưởng, vừa đủ mạnh để thích ứng lẫn nhau trong nhiều vấn đề.
Trung - Nhật vẫn tiềm ẩn nguy cơ đối đầu trên biển Hoa Đông. |
Mọi người đều hy vọng kịch bản tốt này xảy ra, nhưng mọi thứ không phải lúc nào cũng diễn ra đúng như mong muốn. Một kịch bản ít lành tính hơn phụ thuộc vào sự phát triển to lớn về kích thước và sức mạnh của Trung Quốc cần khu vực phải thích ứng quá nhiều.
Quan hệ Mỹ - Trung đầy căng thẳng được thúc đẩy bởi một cái nhìn có tổng bằng 0, thiếu tin tưởng lẫn nhau. Ảnh hưởng của Trung Quốc thay vì được chào đón lại khiến các nước láng giềng lo ngại. Tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông và Hoa Đông tiếp tục dai dẳng, làm lu mờ những nỗ lực xây dựng thiện chí, hợp tác cùng có lợi giữa các nước láng giềng với Trung Quốc.
Cả hai kịch bản đều giả định rằng sẽ không có chiến tranh trong 20 năm tới, nếu không mọi dự đoán sẽ bị dập tắt. Không quốc gia nào muốn chiến tranh, tất cả các nước sẽ cố gắng tránh nó. Nhưng điều đó không đảm bảo sẽ làm cho 1 cuộc chiến tranh ở châu Á sẽ không thể xảy ra. Sẽ có những căng thẳng, xung đột, sự cố leo thang và tính toán sai lầm ngoài ý muốn.
Trong 20 năm qua, châu Á đã làm tốt bất chấp khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, dịch SARS năm 2003 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong năm 2008. Sau mỗi lần, châu Á đều trở nên hùng mạnh. Đối với châu Á, trong 20 năm tới sẽ là một cơ hội lịch sử.
Những rủi ro không đáng kể và cuộc hành trình sẽ không dễ dàng. Nhưng trên sự cân bằng Thủ tướng Singapore tin rằng châu Á sẽ đạt được một phần lớn trong những kết quả tốt, và tránh hầu hết các kịch bản xấu. Điều này là do ông tự tin Hoa Kỳ sẽ không từ bỏ vai trò như một sức mạnh châu Á-Thái Bình Dương, và ông hy vọng rằng sức mạnh của Trung Quốc phát triển, nó sẽ tìm cách để tiếp tục tích hợp dễ dàng vào hệ thống quốc tế.
Tất cả các bên liên quan lớn và nhỏ có trách nhiệm làm cho tầm nhìn này trở thành sự thật. Hãy để tất cả chúng ta làm việc cùng nhau để nắm bắt những cơ hội phía trước, và tạo ra một tương lai tươi sáng cho chúng ta và con em chúng ta - Thủ tướng Lý Hiển Long kết luận.