Vạch trần 3 chiêu "lách luật" tăng giá của doanh nghiệp sữa

23/05/2014 06:51
Hồng Minh
(GDVN) - Khi cơ quan quản lý thực hiện áp trần giá sữa, ông Thọ cho rằng doanh nghiệp sữa sẽ tìm cách đối phó, lách luật theo nhiều cách.

Đó là lo lắng của PGS.TS Phạm Quý Thọ khi đánh giá về việc Bộ Tài chính công bố quy định về giá tối đa – giá trần của mặt hàng sữa trong khâu bán buôn, áp dụng đối với 25 mặt hàng sữa.

Mới đây Bộ Tài chính đưa ra quy định về giá tối đa – giá trần của mặt hàng sữa trong khâu bán buôn, áp dụng đối với 25 mặt hàng sữa. Điều đó đồng nghĩa với việc giá 25 mặt hàng sữa này sẽ kiểm được. Tuy nhiên điều lo lắng là nếu doanh nghiệp sữa đưa ra mã hàng sữa mới với tên gọi hoàn toàn khác, mẫu mã khác thì việc áp trần sẽ thực hiện như thế nào? 

Nếu doanh nghiệp sữa đưa ra sản phẩm mới không nằm trong 25 danh mục sữa bị áp trần Bộ sẽ xử lý thế nào?
Nếu doanh nghiệp sữa đưa ra sản phẩm mới không nằm trong 25 danh mục sữa bị áp trần Bộ sẽ xử 
lý thế nào?

Đưa quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Phạm Quý Thọ chuyên gia chính sách công cho rằng, “Trong danh sách 25 mặt hàng sữa bị áp trần giá hầu hết là các mặt hàng sữa quen thuộc được nhiều gia đình lựa chọn sử dụng cho con em mình. Vì thế việc đưa ra danh mục 25 mặt hàng sữa này là cần thiết và bức thiết với người tiêu dùng, nhưng chỉ là biện pháp tình thế mang tính hành chính”.

Mặc khác, khi cơ quan quản lý thực hiện áp trần giá sữa, ông Thọ cho rằng doanh nghiệp sữa sẽ tìm cách đối phó, lách luật theo nhiều cách. Thứ nhất, đã được doanh nghiệp sữa sử dụng, đó là thay đổi mẫu mã, thay đổi tên gọi, thành phần thay đổi trọng lượng sữa. Đi kèm với thay đổi mẫu mã, doanh nghiệp sữa sẽ đánh vào tâm lý người sử dụng đó là tăng thành phần khác nhau trong sữa.

Ví dụ khi dùng sữa cho trẻ em, nhiều bậc phụ huynh cho rằng thành phần DHA quan trọng nhất vì thế với mặt hàng sữa cũ có thể doanh nghiệp sữa giảm bớt thành phần DHA, trong khi đó mặt hàng sữa mới lại tăng gấp đôi. Đánh vào tâm lý người sử dụng, khi đó dù mặt hàng sữa mới đắt hơn nhưng người tiêu dùng vẫn đồng ý sử dụng.

Thứ hai, doanh nghiệp sữa sẽ tăng giá mặt hàng sữa khác như sữa dành cho người lớn, người già, sữa dành cho đối tượng đặc biệt như sữa cho người ăn kiêng, sữa bổ sung giàu canxi… Từ đó doanh nghiệp sữa sẽ cân đối lợi nhuận giữa các mặt hàng đảm bảo có lợi nhất cho doanh nghiệp.

Thứ ba, với quy định giá tối đa trong khâu bán buôn cộng chi phí khác có liên quan theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền quản lý giá nhưng tối đa không quá 15% của giá tối đa trong khâu bán buôn. Có nghĩa là việc quản lý chỉ trên mức độ doanh nghiệp lớn, còn tại các cửa hàng nhỏ thì việc kiểm soát giá trần sẽ rất khó khi khung giá được phép nới rộng trong khoảng 15% so với giá bán buôn.

Từ các chiêu lách luật được vạch ra, theo PGS.TS Phạm Quý Thọ trước mắt với quy định áp trần giá sữa, Bộ Tài chính nên nới lỏng quy định để bổ sung các tên mặt hàng mới nếu doanh nghiệp đưa ra. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ thành phần trong mặt hàng sữa trước và sau khi áp dụng trần giá sữa.

Cùng với đó kiểm soát chặt chẽ giá sữa dành cho các đối tượng khác, cũng như giá sữa bán lẻ tại các đại lý để đảm quy định áp trần giá sữa có hiệu quả. 

Tuy nhiên về lâu dài cần có chiến lược cụ thể, nên chăng cơ quan quản lý nhà nước thực hiện biện pháp thị trường như đưa thương hiệu sữa nội có thị phần lớn làm đối trọng mặt hàng sữa ngoại như Vinamilk. Thông qua đó tạo sự cạnh tranh buộc sữa ngoại phải giảm giá.

Một trong những bất cập hiện nay là việc doanh nghiệp sữa liên tục xin tăng giá với lý do chi phí sản xuất, kinh doanh tăng cao. Trong đó bao gồm cả chi phí quảng cáo, PR sản phẩm. Chi phí này mỗi năm đều tăng vọt,  được doanh nghiệp sữa gộp vào với giá sữa để móc túi người tiêu dùng. 

Trong kết luận thanh tra mới đây của Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cơ quan quản lý đã yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định về kê khai giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Qua thực hiện ngay việc rà soát, kiểm tra chi phí kinh doanh, nhất là chi phí quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị đã chi vượt mức quy định của Luật thuế Thu nhập Doanh nghiệp cho các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. 

Cụ thể Cục quản lý giá phát hiện Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A (Việt Nam) đã chi vượt mức quy định là 69 tỷ đồng cho việc quảng cáo; Công ty TNHH Mead Jonhson Nutrition (Việt Nam) đã chi vượt mức quy định là 249 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa hàng chục thậm chí hàng trăm tỉ đồng tiền quảng cáo mỗi năm của hai doanh nghiệp này đổ lên đầu người tiêu dùng.

Hồng Minh