"Giàn khoan 981 đã trở thành mô hình xâm lược mới của Trung Quốc"

23/05/2014 09:01
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu Bắc Kinh bắt nạt được Việt Nam trong vụ giàn khoan 981, thì nó sẽ trở thành khuôn mẫu cho sự xâm lược các vùng biển (Trung Quốc nhảy vào - PV) tranh chấp
Học giả Michael Auslin từ Viện Doanh nghiệp Mỹ.
Học giả Michael Auslin từ Viện Doanh nghiệp Mỹ.

The Street Wall Journal hôm nay đăng phân tích của học giả Michael Auslin từ Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ bình luận, cuộc đối đầu âm ỉ sau khi Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là một chiến thuật mới trong những hành vi hung hăng của Bắc Kinh ở Tây Thái Bình Dương.

Hành động này của Trung Quốc không chỉ nhằm mục đích khẳng định quyền kiểm soát vùng biển tranh chấp (thực chất là muốn chiếm đoạt vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam - PV) mà còn hòng tìm kiếm sự thừa nhận yêu sách lãnh thổ (bất hợp pháp) của họ và cho mình cái quyền xác định ranh giới. Mục tiêu chiến lược này của Bắc Kinh đang được thực hiện thông qua các hành động phi quân sự.

Theo Michael Auslin, Việt Nam đặc biệt "nhạy cảm" với động thái này, lập tức phản ứng bằng cách điều khoảng hai chục tàu  tuần tra trên biển đến ngăn cản Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981. Tuy nhiên Bắc Kinh nhanh chóng điều động hơn 80 tàu đến đối phó (trong đó có cả tàu và máy bay quân sự - PV). Không những thế, tàu Trung Quốc còn liều lĩnh phụt vòi rồng công suất lớn và đâm vào tàu tuần tra Việt Nam.

Tình trạng tương tự cũng đã từng xảy ra với Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Trung Quốc đang xây dựng giàn khoan tại mỏ Xuân Hiểu, cách khoảng 30 km về phía Tây đường trung tuyến trong khu vực chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế của 2 nước. Bắc Kinh và Tokyo đã đồng ý phát triển chung mỏ Xuân Hiểu năm 2008, nhưng có rất ít tiến triển kể từ đó.

Giàn khoan Hải Dương 981 đã trở thành mô hình xâm lược mới của Trung Quốc trên biển.
Giàn khoan Hải Dương 981 đã trở thành mô hình xâm lược mới của Trung Quốc trên biển.

Các giàn khoan Trung Quốc đã trở thành một chỉ số mới và quan trọng của những nguy cơ ngày càng gia tăng ở châu Á. Kể từ khi Trung Quốc có kế hoạch đóng mới các giàn khoan và mở rộng các khu vực khoan dầu, nó có khả năng làm gia tăng căng thẳng. 

Nếu Bắc Kinh bắt nạt được Việt Nam trong vụ giàn khoan 981, thì nó sẽ trở thành khuôn mẫu cho sự xâm lược các vùng biển (Trung Quốc nhảy vào - PV) tranh chấp trong tương lai.

Bất kỳ nỗ lực nào để ngăn chặn Trung Quốc cũng có thể dẫn đến những xung đột tình cờ. Đó có lẽ là lý do tại sao Việt Nam đã tìm được ít sự hỗ trợ từ các nước ASEAN ngại chỉ trích trực tiếp Bắc Kinh tại một hội nghị thượng đỉnh tuần trước. Thay vào đó ASEAN kêu gọi một bộ Quy tắc ứng xử cho Biển Đông (COC), một cái gì đó Bắc Kinh đã liên tục từ chối.

Vì vậy theo Michael Auslin, Việt Nam đang tìm kiếm các đối tác trực tiếp giúp mình bảo vệ lợi ích. Việt Nam đã từng vươn tới Nga, hy vọng Bắc Kinh sẽ cảnh giác khi qua mặt Nga. Tuy nhiên thỏa thuận khí đốt Trung - Nga trong tuần này cho thấy Bắc Kinh và Moscow có nhiều khả năng hỗ trợ nhau chứ không chống lại nhau.

Đây là một thách thức đối với Hoa Kỳ. Vụ giàn khoan 981 xảy ra chỉ ít ngày sau chuyến công du 4 nước Đông Á của Tổng thống Barack Obama. Bằng việc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng biển Việt Nam cho thấy Bắc Kinh không có ý định xuống thang yêu sách của họ trong khu vực. 

Chính quyền Obama có thể cảm thấy thoải mái với kế hoạch hiện tại tăng cường vừa phải sự hiện diện ở châu Á và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các đồng minh, nhưng điều đó sẽ có ít ảnh hưởng đến hành vi của Trung Quốc.

Kể từ khi Nhà Trắng không muốn đặt Mỹ vào cuộc đối đầu giữa Trung Quốc với các nước khác, có rất ít động lực để Washington kiểm soát hành vi của Bắc Kinh. Từ quan điểm của Trung Quốc, người Mỹ đang chơi trên mây còn dưới mặt biển, Bắc Kinh đang dần đạt được mục tiêu của mình.

Do đó chiến lược giàn khoan của Trung Quốc có thể là một trong những thủ đoạn thành công hơn để thay đổi thực trạng trên các vùng biển. Nó có thể giúp Bắc Kinh mở rộng hơn nữa phạm vi lộng hành ở nơi nào mà họ lựa chọn. Thật khó để Mỹ và các đồng minh, đối tác của Mỹ có thể thay đổi được tính toán này trong một thời gian ngắn mà không chấp nhận rủi ro lớn hơn.
Hồng Thủy