Lời khai mẫu thuẫn
Theo Cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Ninh: từ 28/08 đến 07/09 năm 2012, Nguyễn Trọng Sang cùng Phạm Văn Hoàng, Lê Thành Ý, Ngô Văn Minh, Phạm Văn Thực đã bàn bạc, rủ nhau dùng thủ đoạn khống chế, đe dọa, để chiếm đoạt của chị Bùi Thị Mịch và Bùi Thị Thay tổng số tiền là 14.800.000 đồng.
Ngày 15/12/2012, Sang và Hoàng đã chỉ đạo Hoàng Văn Tuấn, Tuấn rủ thêm Đinh Khắc Mạnh, Phạm Xuân Phương, Nguyễn Thế Sơn và Trần Minh Thành chặn xe ô tô do Bùi Văn Tuyên điều khiển tại Hạ Long, rồi đe dọa, đập phá hàng hải sản của chị Bùi Thị Mịch làm vỡ, hỏng 13 thùng hàng đựng con móng tay, trọng lượng 754kg, gây thiệt hại 98.020.000 đồng, đồng thời chiếm đoạt một thùng tu hài, trọng lượng 41 kg trị giá 4.920.000 đồng.
Kẻ được cho là "chủ mưu" vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật? |
Sáng ngày 07/03/2013, tại cảng Cái Rồng (Vân Đồn, Quảng Ninh), Sang chỉ đạo Phạm Ngọc Trường, Nguyễn Văn Tuấn cùng 2 thanh niên khác, đạp vỡ, phá hỏng và đổ dầu Diezen vào 10 thùng xốp đựng con móng tay trọng lượng 457,5 kg của chị Mịch, gây thiệt hại gần 60 triệu đồng.
Do đó, Viện kiểm sát đã truy tố: Tuấn, Sơn, Phương, Mạnh, Thành tội Cướp tài sản và Hủy hoại tài sản; Ý, Minh, Thực về tội Cưỡng đoạt tài sản; Trường, Tuấn về tội Hủy hoại tài sản; Sang, Hoàng về tội Cưỡng đoạt tài sản và Hủy hoại tài sản. Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm ngày 17/12/2013, TAND tỉnh Quảng Ninh đã xử phạt Nguyễn Trọng Sang 10 năm tù.
Hội đồng xét xử cho rằng, Sang là người thuê Hoàng, Ý, Thực, Minh làm việc cho mình. Sang giữ vai trò chính trong vụ án, là người chủ mưu, chỉ huy đồng bọn trong tội cưỡng đoạt và 02 vụ hủy hoại tài sản. Tuy nhiên, trong biên bản phiên tòa, các lời khai ban đầu trong hồ sơ vụ án, các bị cáo Hoàng, Ý, Thực, Minh đều thể hiện họ trực tiếp làm việc dưới sự chỉ đạo của Hoàng. Sang không có sự chỉ đạo nào cho cả nhóm, không tham gia vào việc khống chế, đe dọa, thu tiền của chị Mịch và Thay.
Mặt khác, Sang không hề được hưởng lợi từ giá trị tài sản do Hoàng, Ý, Thực, Minh cưỡng đoạt từ bà Mịch và bà Thay. Theo Bút lục số 130 thì Hoàng chính là người trực tiếp đi thu tiền và sau đó chia lại cho Ý, Minh, Thực. Bản thân Ý, Minh, Thực cũng khai Sang không bao giờ chia chác tiền thu được và không biết gì về số tiền này.
Đặc biệt, có nhiều mâu thuẫn trong lời khai về 02 vụ hủy hoại tài sản của Trường và Tuấn mà cơ quan tố tụng cho rằng Sang là chủ mưu. Tuấn và Trường khai làm việc cho Sang nhưng chính Sang khẳng định tại phiên tòa là không biết mặt hai đối tượng này. Đồng thời lời khai của Ý, Thực, Hoàng là những người làm thuê cho Sang cũng đều khẳng định là không biết Tuấn, Trường. Lời khai của bị hại là bà Mịch, Thay cũng cho biết là chưa bao giờ thấy Tuấn, Trường cân, bốc hàng cho Sang. Trong sổ sách nhà Sang cũng không hề có tên Tuấn, Trường. Vậy nhưng, cơ quan tố tụng không hề xác minh tính chính xác của thông tin này?
Bên cạnh đó, những lời khai của Tuấn, Trường không ăn khớp nhau, mỗi lần một lời khai khác nhau và mâu thuẫn không có căn cứ. Chẳng hạn, tại bút lục số 278, Tuấn khai: "Tối hôm đó (6/3/2013-pv) khi cơm nước ở nhà anh Sang xong thì anh Sang có bảo tôi và anh Mèo lên ngồi nói chuyện". Tại bút lục 283 trong biên bản đối chất giữa Tuấn và Sang, Tuấn lại khai: "Buổi tối ngày 6/3/2013 anh Sang có gặp tôi và Trường, lúc đó khoảng 20h. Anh Sang gọi tôi và Trường ra trước cổng nhà để nói chuyện đập phá hàng của bà Mịch". Trong khi đó, tại bút lục số 296, Trường khai: "Sau đó, anh Thương đứng dậy đi về. Tôi, anh Sang, Tuấn ngồi uống nước thêm một lúc rồi đi về nhà anh Sang thuê cho chúng tôi ở và đi làm. Sau khi ăn tối xong, tôi, anh Sang gặp Tuấn".Trong biên bản đối chất tại bút lục số 298, Trường lại khai: "Chiều ngày 6/3/2013 tại nhà khách Ủy ban huyện Cô Tô anh Sang có bàn bạc việc đập phá hàng của bà Mịch cùng tôi, anh Thương tồ và một người nữa". Cũng ngay tại buổi đối chất này, Trường lại khai: "Tối ngày 6/3/2013, tôi cùng anh Tuấn ăn cơm ở nhà anh Sang, sau đó anh Sang bảo tôi và anh Tuấn thực hiện việc đập phá".
Trong khi đó, theo lời khai của anh Sang thì: "Tối hôm đó, anh tiếp bạn lính và bạn phổ thông, cả nhóm ăn nhậu tại nhà anh, anh Chương là bạn anh Sang bảo là Thương tồ đang ở ngoài này nên gọi điện bảo Thương tồ đến uống rượu, một lúc sau, Thương tồ cùng 5,6 người nữa đến một lúc rồi về, còn anh Sang và các bạn nhậu đến khuya".
Kẻ chủ mưu vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật?
Trong Bút lục số 416, anh Nguyễn Văn Tuyên, lái xe chở hàng đã chứng kiến và khẳng định: "Chính Thương "tồ" và mấy người bịt mặt không cho bốc hàng lên xe. Trong đó, tôi biết một người tên là Linh, thường gọi Linh cự. Linh thường đi cùng với Thương "tồ".
Tại biên bản lấy lời khai của nhân chứng Nguyễn Hữu Công: "Tôi ngồi ở quán nước chè thì thấy một anh béo thấp đi xe Dream từ dưới cảng lên quán nước chè ngồi, thì anh mặc quần áo thể thao hỏi: mày làm xong chưa, thì anh ấy bảo làm xong rồi".
Tất cả các nhân chứng tại cảng hôm đó đều xác nhận Thương "tồ" mặc quần áo thể thao, còn Linh thì người thấp béo.
Một nhân chứng khác là Cù Văn Hạnh đã khẳng định trong bút lục số 411: "Một nhóm thanh niên khoảng 4,5 người mặt bịt khẩu trang, một số đội thêm mũ lưỡi trai, họ dùng gậy đập phá thùng xốp đó và dùng dầu đổ vào những thùng xốp đó".
Biên bản lấy lời khai của anh Châu Văn Thanh, người bốc vác hàng cho bà Mịch cũng khẳng định trong Bút lục 420: "Anh Thương bảo với tôi: Hôm nay hàng của bà Mịch bốc từ dưới tàu lên cứ để ở cảng không được bốc lên xe ô tô dể kiểm tra xem có phải hàng của tao không. Tôi có gọi điện cho bà Mịch, một lúc sau, tôi thấy 4,5 thanh niên đến đập phá vỡ các thùng xốp và đổ xăng vào thùng xốp. Tôi nghĩ nhóm đối tượng đập phá là đàn em của Thương "tồ".
Trong cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Ninh cũng khẳng định: "Sáng ngày 07/03 tại khu vực cảng cái rồng, Nguyễn Trọng Sang chỉ đạo Phạm Ngọc Trường, Nguyễn Văn Tuấn cùng 02 thanh niên khác đạp vỡ, phá hỏng và đổ dầu Diezen vào 10 thùng xốp đựng con Móng tay".
Như vậy, ngoài Trường, Tuấn thì còn có 2 đối tượng nữa tham gia vào vụ hủy hoại tài sản. Bốn người nay đi cùng nhau chứ không phải là là Tuấn, Trường không biết.
Theo đơn gửi cơ quan Công an tỉnh Quảng Ninh, bà Bùi Thị Mịch cho biết, trước khi xảy ra sự việc bị đập phá thùng xốp đó và dùng dầu đổ vào những thùng xốp, gây thiệt hại gần 60 triệu đồng, Thương "tồ" đã vào nhà bà đề nghị cho làm ăn chung nhưng bà từ chối, tối hôm sau Thương "tồ" còn chửi mắng bà qua điện thoại. Tại biên bản ghi lời khai, bà Mịch cho rằng, ngay sau khi sự việc xảy ra, bà đã nghi ngờ do bọn Thương "tồ" làm.
Như vậy, Cơ quan điều tra, Cơ quan tiến hành tố tụng có dấu hiệubỏ sót tội phạm. Phải chăng thủ phạm và kẻ chủ mưu thực sự vẫn đang ung dung ngoài vòng pháp luật?
Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, Luật sư Phạm Thị Hà, Đoàn luật sư Hà Nội nhận định: Hy vọng rằng, phiên tòa phúc thẩm tới đây, Hội đồng xét xử có thể làm rõ những chứng cứ đã bị bỏ lọt, những lời khai mâu thuẫn và như thế rất có thể án sơ thẩm sẽ bị hủy để trả lại hồ sơ điều tra làm rõ những vấn đề còn mâu thuẫn và những tội phạm bị bỏ sót.
Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc.