Một phụ nữ tự thiêu để phản đối Trung Quốc

23/05/2014 18:54
Ngọc Quang (Tổng hợp)
(GDVN) - Khoảng 6h sáng nay (23/5), một người phụ nữ mang theo can xăng đến trước Dinh Thống Nhất (TP.HCM) đổ lên người rồi châm lửa tự thiêu để phản đối Trung Quốc.

Khi sự việc xảy ra, bảo vệ của Dinh Thống Nhất đã dùng bình chữa cháy nhanh chóng dập lửa, tuy nhiên người phụ nữ này đã tử vong tại chỗ.

Người phụ nữ tự thiêu trước Dinh Thống Nhất (TP.HCM) để phản đối hành vi xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Người phụ nữ tự thiêu trước Dinh Thống Nhất (TP.HCM) để phản đối hành vi xâm phạm vùng biển Việt Nam.

Tại cuộc họp báo diễn ra chiều nay, ông Lê Trương Hải Hiếu - Phó Chủ tịch UBND quận 1, TPHCM cho biết, người phụ nữ tự thiêu là bà Lê Thị Tuyết Mai (67 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM).

Theo ông Hiếu, các biểu ngữ bà Mai mang theo có nội dung như sau: “Yêu cầu Trung Quốc rút khỏi biển Việt Nam”, “Ủng hộ Cảnh sát biển và ngư dân Việt Nam”,  “Yêu cầu đoàn kết đập tan mưu đồ xâm lược của Trung Quốc”,  “Trả lại biển đảo cho Việt Nam”; “Xin nhà nước và bạn bè quốc tế ủng hộ cho nhân dân Việt Nam bảo vệ quyền lãnh thổ hải phận Việt Nam”; “Nguyện cầu đất nước thanh bình an lạc”…

Các biểu ngữ bà Lê Thị Tuyết Mai mang theo phản đối hành vi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam.
Các biểu ngữ bà Lê Thị Tuyết Mai mang theo phản đối hành vi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

Trong một diễn biến khác, chiều nay, Bộ Ngoại giao tiếp tục tổ chức họp báo quốc tế về tình hình biển đông, thu hút sự chú ý của 200 phóng viên trong và ngoài nước.

Ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia cho biết, thời gian qua Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc không để ảnh hưởng an ninh hàng hải khu vực. Sau khi rút giàn khoan, Việt Nam và Trung Quốc sẽ bàn bạc, nhưng Trung Quốc gần đây đưa ra nhiều thông tin sai lệch liên quan đến chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa.

“Việt Nam khẳng định chủ quyền ở Trường Sa và Hoàng Sa. Từ nhiều thế kỷ nay, các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền ở Trường Sa và Hoàng Sa một cách hòa bình, không bị nước nào phản đối. Trước đây vào thời Pháp thuộc, Pháp thay mặt Việt Nam quản lý hai quần đảo trên, phản đối các yêu sách của nước khác về hai quần đảo này. Tại Hội nghị Sanfrancisco, phái đoàn Liên Xô đã đề nghị trao trả Hoàng Sa cho Trung Quốc nhưng 49/51 quốc gia đã phản đối. Trưởng phái đoàn Việt Nam khi đó là Trần Văn Liệu đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam, nhưng không gặp phản đối bất cứ ai”, ông Hải nói.

Năm 1974, Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa và gần đây đã viện dẫn sai lệch công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng công nhận chủ quyền của Trung Quốc.

Ông Hải khẳng định: “Công thư này chỉ ghi nhận Trung Quốc tuyên bố chủ quyển lãnh hải 12 hải lý, không nhắc gì đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc không đề cập là đúng vì hai quần đảo này nằm dưới vĩ tuyến 17 nên được Pháp chuyển giao cho Việt Nam Cộng hòa. Như vậy, nói Hoàng Sa không có tranh chấp là mâu thuẫn với chính lời lãnh đạo Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình khi đó là Phó Thủ tướng cũng đã công nhận hai nước có tranh chấp năm 1958, Đặng Tiểu Bình là lãnh đạp cấp cao Trung Quốc nên không thể không biết. Những văn bản này có trong bị vong lục của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, có thể thấy trên các trang mạng và chúng tôi có thể cung cấp”.

Trước những thông tin thời gian gần đây quân đội Trung Quốc đưa quân, xe tăng đến gần biên giới, Việt Nam có giải pháp gì? Ông Trần Duy Hải trả lời: “Xin khẳng định hoạt động giao thương ở biên giới vẫn diễn ra bình thường. Đó là thông tin không chính xác. Trong cuộc gặp hai thứ trưởng vừa qua, hai bên đã thống nhất không sử dụng biện pháp vũ lực để giải quyết bất đồng. Xin khẳng định việc chủ quyền lãnh thổ hết sức thiêng liêng với dân tộc VN, nên không thể đánh đối được. Vàng rất quý, nhưng chủ quyền quốc gia còn quý hơn vàng”.

Tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng phun vào tàu kiểm ngư Việt Nam, nhưng lại vu cáo là phía Việt Nam hung hăng. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và Nhà thơ Trần Đăng Khoa đều có chung nhận định: "Đây là hành vi của kẻ ăn cướp".
Tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng phun vào tàu kiểm ngư Việt Nam, nhưng lại vu cáo là phía Việt Nam hung hăng. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và Nhà thơ Trần Đăng Khoa đều có chung nhận định: "Đây là hành vi của kẻ ăn cướp".

Cũng tại buổi họp báo này, ông Ngô Ngọc Thu – Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, Trung Quốc đã đưa 5 loại tàu chiến vào khu vực đặt giàn khoan như: Tàu vận tải đổ bộ lượng giãn nước khoảng 17 ngàn tấn, có 8 ống phóng tên lửa; Tàu hộ vệ tên lửa; Tàu tên lửa tuần tiễu tấn công nhanh; Tàu tuần tiễu săn ngầm; Tàu khu trục tên lửa.

“Phía Việt Nam đưa ra số lượng hạn chế tàu của cảnh sát biển, kiểm ngư. Việt Nam hoàn toàn không có tàu chiến ở khu vực này. Phóng viên Việt Nam và nước ngoài có mặt ở khu vực có thể khẳng định thông tin”, ông Thu cho hay.

Trước câu hỏi: Gần đây Trung Quốc cáo buộc VN đâm tàu, gây hấn với tàu Trung Quốc. Điều này có đúng không? Ông Ngô Ngọc Thu nói: “Trong họp báo Bộ Ngoại giao Trung Quốc họ có cáo buộc Việt Nam khiêu khích, sử dụng tàu đâm va vào tàu bảo vệ giàn khoan Trung Quốc. Đây là thông tin sai lệch, vu cáo, chúng tôi bác bỏ. Thực tế, Trung Quốc ở thời kỳ cao điểm là ngày 20-5 sử dụng tới 137 lượt chiếc tàu thuyền, trong đó có 4 lượt tàu chiến. Hoạt động của Trung Quốc gồm sử dụng súng phun nước, máy phát tạo âm thanh, sóng âm tần gây khó chịu,ảnh hưởng thính giác của người, rồi dùng đèn pha chiếu vào tàu Việt Nam…

Họ tiến hành đâm va vào tàu Việt Nam. Phía Việt Nam hoàn toàn không sử dụng công cụ trên tàu đáp trả, chỉ sử dụng loa tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm vùng biển Việt Nam. Thực tế tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của Việt nam đã bị đâm va 20 lần, có tàu bị đâm va 3 lần”.

Ngọc Quang (Tổng hợp)