Giàn khoan 981 thách thức trục châu Á, sau Việt Nam sẽ tới Indonesia?

24/05/2014 13:38
Hồng Thủy
(GDVN) - Vụ giàn khoan 981 thực sự đặt Việt Nam vào vị trí đi đầu trong cuộc chiến cơ bản giữa Mỹ và Trung Quốc xem bên nào có thể gây ảnh hưởng ngay hiện tại
Học giả Hillary Mann Leverett.
Học giả Hillary Mann Leverett.

Đài VOA ngày 23/5 bình luận, bế tắc trong vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đang thách thức trục quân sự và ngoại giao châu Á của chính quyền Tổng thống Obama.


Vụ giàn khoan 981 là một phần trong hoạt động của Trung Quốc nhằm chống lại và đẩy lùi sự hiện diện ngày một lớn hơn của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, Hillary Mann Leverett, một chuyên gia chính sách đối ngoại cho biết.

Theo học giả này, vụ giàn khoan 981 thực sự đặt Việt Nam vào vị trí đi đầu trong cuộc chiến cơ bản giữa Mỹ và Trung Quốc xem bên nào có thể gây ảnh hưởng ngay hiện tại sau một thời gian dài thế giới phân cực.

Giáo sư Carl Thayer từ học viện Quốc phòng Úc thì nhận định, không chỉ Việt Nam và Philippines mà ngay cả các quốc gia chủ chốt trong ASEAN sẽ đặc biệt quan tâm bởi 981 không chỉ là một giàn khoan dầu mà đó là sức mạnh quân sự đi kèm với nó và mỗi bên có thể cảm thấy bị đe dọa bởi Trung Quốc.

Bắc Kinh đang cố gắng làm suy yếu trục chiến lược châu Á - Thái BÌnh Dương với giả định Washington sẽ không chiến đấu. Ý tưởng thực sự của Trung Quốc là đặt Mỹ trước một sự lựa chọn mà không thể giành chiến thắng: Hoặc là phải đối đầu với Trung Quốc trên các hòn đảo không liên quan đến Mỹ hoặc mặc kệ đồng minh và đối tác của mình đối mặt với Bắc Kinh.

Động thái này cũng nhằm gửi thông điệp đến các đồng minh và đối tác của Mỹ rằng họ không thể dựa vào Washington, trục châu Á là một cái gì đó không thực tế trong khi nước láng giềng Trung Quốc thì mãi mãi hiện hữu, họ sẽ phải đối phó bây giờ và sau này, Leverett nhận xét.
Nếu Trung Quốc thực sự muốn hòa bình, họ hãy chứng minh bằng hành động rút ngay vô điều kiện giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển Việt Nam.
Nếu Trung Quốc thực sự muốn hòa bình, họ hãy chứng minh bằng hành động rút ngay vô điều kiện giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển Việt Nam.


Cũng trong ngày 23/5, tờ The National Interest bình luận, mặc dù cả Intdonesia và Trung Quốc đang gặt hái thành quả lợi ích kinh tế của quan hệ song phương khá tốt, nhưng Jakart không thể không lưu tâm yếu tố Trung Quốc đang cưỡng chế, bắt nạt ở những nơi khác trong khu vực vào tư duy chiến lược của mình.

Đáng chú ý, gần đây Tổng tham mưu trưởng Indonesia thừa nhận rằng những thách thức chính trong tương lai gần là tranh chấp Biển Đông, đó là tín hiệu về một sự thay đổi trong ưu tiên chiến lược của quân đội Indonesia.

Tờ báo cho rằng, vụ giàn khoan 981 vừa là biểu hiện của một sự leo thang nguy hiểm, vừa là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh tham vọng, quyết khai thác các nguồn năng lượng nằm dưới "các vùng biển tranh chấp" (Thực tế Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 vào sâu vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn không có tranh chấp - PV).

Đáng lưu ý, đáy biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia khá giàu khí đốt, và nó lại nằm trong phạm vi đường lưỡi bò, đường 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra để "yêu sách chủ quyền".

Indonesia đã hơn 1 lần khẳng định rõ, họ không có tranh chấp lãnh thổ nào với Trung Quốc và vùng biển Natuna nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc không có căn cứ, cơ sở nào từ luật pháp quốc tế. Tuy nhiên Bắc Kinh chỉ đơn giản từ chối trả lời một cách nhất quán, rõ ràng với những yêu cầu từ Indonesia đòi làm rõ đường lưỡi bò.

Hồng Thủy