Trung Quốc ảo tưởng khu vực sẽ phải chấp nhận sự thống trị ở Biển Đông

25/05/2014 06:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc quyết tâm khẳng định yêu sách (vô lý) của họ ở Biển Đông và sẵn sàng chịu đựng một mức độ căng thẳng với các nước láng giềng
Chuyên gia các vấn đề đối ngoại Trung Quốc Bonnie Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS).
Chuyên gia các vấn đề đối ngoại Trung Quốc Bonnie Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS).

Tờ The Epoch Times ngày 24/5 bình luận, nhiều nhà phân tích Mỹ cho rằng vụ Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là động thái báo hiệu cho Washington và các nước ASEAN, Trung Quốc có kế hoạch kiểm tra (nắn gân) các cam kết của Mỹ với đồng minh và đối tác của họ ở khu vực trước sự "quyết đoán" của Bắc Kinh.

"Trung Quốc đang nói với các nước láng giềng rằng, bạn có chắc chắn muốn gia nhập trục tái cân bằng chiến lược của Mỹ hay không", một chuyên gia Trung Quốc nhận xét.

Nhiều chiến lược của Washington tập trung vào xây dựng nỗ lực quốc tế hỗ trợ các bên liên quan thách thức sự cứng rắn của Trung Quốc trên các diễn đàn như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và diễn đàn khu vực ASEAN. Đồng thời, Mỹ thúc đẩy phát triển các mối quan hệ với các bên tranh chấp ở Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines, Việt Nam và Malaysia.

Hoa Kỳ cũng đang tìm cách cải thiện quan hệ quân sự với mục tiêu giúp tăng cường nhận thức về lĩnh vực quân sự của các nước này. Kể từ khi xảy ra vụ giàn khoan 981, hải quân Mỹ đã tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam.

Mỹ và ít nhất là một số nước ASEAN hy vọng gia tăng áp lực quốc tế sẽ đẩy Trung Quốc đến sự thỏa hiệp xung quanh luật pháp quốc tế như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Philippines đã khởi kiện đường lưỡi bò Trung Quốc năm ngoái, và các nhà quan sát cho rằng Việt Nam cũng sẽ khởi động một tiến trình tố tụng tương tự.

Tuy nhiên theo bà Bonnie Glaser, chuyên gia về chính sách đối ngoại Trung Quốc từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng những chính sách này chưa chắc phát huy hiệu quả, ít nhất là trong ngắn hạn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định đanh thép: “Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định đanh thép: “Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

"Từ quan điểm của Trung Quốc, họ không cho là mình sẽ phải trả giá đắt. Cảm giác của tôi từ các cuộc thảo luận tại Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc quyết tâm khẳng định yêu sách của họ ở Biển Đông và sẵn sàng chịu đựng một mức độ căng thẳng với các nước láng giềng", Bonnie Glaser đã tới Bắc Kinh ngay sau có tin xảy ra vụ giàn khoan 981.

Theo học giả này, Trung Quốc thừa nhận rằng họ không thể thách thức người Mỹ về quân sự trong thời gian tới, nhưng họ tin rằng Bắc Kinh có ưu thế lớn hơn Washington trong quan hệ kinh tế với các nước láng giềng.

Glaser cho hay, Trung Quốc tin rằng những lợi ích mà các nước láng giềng của họ đạt được trong quan hệ với Bắc Kinh về kinh tế sẽ được ưu tiên, và khu vực cuối cùng sẽ phải chấp nhận sự thống trị của Trung Quốc ở Biển Đông?!

Tuy nhiên, có lẽ đó chỉ là "niềm tin chính trị" của một bộ phận giới cầm quyền diều hâu ở Bắc Kinh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: "Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó", thiết nghĩ câu nói này của Thủ tướng Việt Nam đã là câu trả lời xác đáng nhất cho cái gọi là "niềm tin" ấy của Bắc Kinh - PV.

Hồng Thủy