Trung Quốc đã tự "lấy đá ghè chân"

25/05/2014 06:38
Trần Nghĩa Sơn
(GDVN) - Vụ giàn khoan 981 đã làm cho cả thế giới nhận ra dung nhan thật sự đằng sau mỹ từ “trỗi dậy hòa bình” mà Trung Quốc luôn hãnh diện tuyên bố lâu nay.

Ký giả kỳ cựu Keith Johnson trong một bài bình luận đăng trên Foreign Policy đã cho rằng giàn khoan 981 đang được Trung Quốc sử dụng như một "lãnh thổ quốc gia di động", để từng bước thay đổi hiện trạng, từ đó siết chặt gọng kìm khống chế tại biển Đông.

Tham vọng của Trung quốc là như vậy. Nhưng thực tế Bắc Kinh đã thu được gì?

Phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam

Từ năm 2009 đến nay, Trung Quốc ngày càng cho thấy sự quyết đoán và hung hăng của họ trên Biển Đông. Trong ngôn từ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc người ta thường nghe những câu nói rất ôn hòa, hữu hảo. Nhưng trên thực địa thì Bắc Kinh hành động rất mạnh bạo. Một loạt các hành động “ức hiếp” láng giềng (được hỗ trợ bởi sức mạnh quân sự) như đơn phương cấm đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, bắt ngư dân Việt Nam đòi tiền chuộc, thành lập thành phố Tam Sa,… Thậm chí, có những trường hợp ngư dân Việt Nam bị bắn cháy thuyền, bị đánh đập dã man, bị đe dọa đến tính mạng.

Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Kiểm ngư Việt Nam tại khu vực giàn khoan 981
Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Kiểm ngư Việt Nam tại khu vực giàn khoan 981

Điều đó đã gây nên sự bất bình rất lớn của Chính phủ và người dân Việt Nam. Vì “duyên phận” phải ở gần một nước lớn nên Việt Nam buộc phải nhân nhượng, thậm chí có lúc phải cam chịu. Nhưng vụ giàn khoan 981 đã là “một giọt nước làm tràn ly”. “Con giun xéo mãi cũng oằn”, Việt Nam đã không thể nhịn mãi được nữa.

Ngày 11/5 tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên công khai tố cáo Trung Quốc về việc đưa giàn khoan 981 cùng hơn 80 tàu đi vào vùng biển Việt Nam và kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế. 

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 14/5 ra thông báo Hội nghị Trung ương 9 trong đó có đoạn: Ban Chấp hành Trung ương theo dõi sát tình hình, nghe báo cáo của các cơ quan chức năng về việc thực hiện các chủ trương, giải pháp của ta phản đối, đấu tranh đòi phía Trung Quốc phải dừng việc đặt giàn khoan thăm dò dầu khí 981 trong vùng biển nước ta và khẳng định: Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và những thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Trung Quốc; đồng thời giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.

Người dân Philippines ủng hộ Việt Nam
Người dân Philippines ủng hộ Việt Nam

Quốc hội Việt Nam ngày 21/ 5 ra thông cáo: "Nhất trí cao với chủ trương của Đảng và Nhà nước". Ngày 15/5 người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình tuyên bố Việt Nam đã đưa công hàm phản đối Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc và ngày 20/5 phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc tại Genève đã gửi thông cáo đến Văn phòng Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác cũng như các cơ quan báo chí có trụ sở tại Genève, về sự kiện "Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông".

Người dân cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài đã đồng loạt xuống đường phản đối hành động sai trái của Trung quốc. Dư luận thế giới đã ngạc nhiên trước sự phản ứng mạnh mẽ của chính phủ và người dân Việt Nam. Bắc Kinh tưởng có thể một lần nữa lại dùng chiến thuật “lấy thịt đè người”, buộc Việt Nam phải chấp nhận sự lấn dần từng bước của Trung Quốc. Nhưng họ đã nhầm to!

“Tham quá mất khôn”

Người dân Việt Nam vốn trân trọng tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Nhưng hành động “tham quá mất khôn” của nhà cầm quyền Trung Quốc đã làm rạn nứt, tổn thương tình cảm hữu nghị đó.

Trung Quốc luôn nói “láng giềng tốt, hữu nghị tốt”, nhưng hành động khiêu khích, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của họ, có lẽ, đã khiến họ mất đi một láng giềng thân thiện, một đối tác kinh tế mà họ luôn có lợi trong việc buôn bán, làm ăn.

Điều quan trọng nữa là Trung Quốc đã tự mình đánh mất “lòng tin chiến lược” của Việt Nam đối với họ. Sau vụ giàn khoan 981, thử hỏi có mấy ai còn tin vào Trung Quốc?

Hồi chuông cảnh tỉnh cho khu vực

Tờ Asia Sentinel, ngày 19/5/2014, đăng bài viết của tác giả Bill Hayton cho rằng: Động thái đơn phương hạ đặt giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có thể là một nỗ lực để chia rẽ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và cô lập Việt Nam. Có lẽ Bắc Kinh đã hy vọng lặp lại việc làm thành công của họ tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN họp tại Phnom Penh vào tháng 7/2012. 

Cuộc họp đó tiếp sau việc Trung Quốc chiếm đóng thành công bãi cạn Scarborough, một rạn san hô nằm ngay trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, và cũng sau việc Công ty Dầu Khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo mời đấu thầu các lô thăm dò dầu trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam. (Những lô này nằm ngay phía Nam địa điểm tranh chấp hiện nay).

Tại cuộc họp Phnom Penh, Philippines và Việt Nam yêu cầu các đồng nhiệm ASEAN ra một tuyên bố ủng hộ. Nỗ lực của họ đã bị cản trở bởi những hành động của nước chủ nhà, Campuchia phủ quyết bất kỳ tuyên bố nào có đề cập đến các sự cố này. Nhiều tường thuật vào thời điểm đó cho thấy rằng, Campuchia đã làm như vậy là do ảnh hưởng mạnh mẽ của ngoại giao và viện trợ của Trung Quốc. ASEAN gánh chịu chia rẽ và thương tổn.

Có lẽ, Trung Quốc hy vọng sẽ lặp lại thành công đó lần này bằng việc ra tay với Việt Nam, chỉ vài ngày trước Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Có lẽ các nhà ngoại giao của Trung Quốc tự tin rằng họ có thể thuyết phục Campuchia và có thể Myanmar, Thái Lan hoặc Lào phủ quyết một tuyên bố chung, để Việt Nam bị cô lập và ASEAN chia tách. Điều đó đã không xảy ra. ASEAN đã ra tuyên bố đặc biệt phê phán các sự cố ở biển Đông.

Không chỉ có Việt Nam và Philippines phải hứng chịu những hệ quả của những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Người ta đang kháo nhau rằng ai sẽ là nạn nhân tiếp theo của Bắc Kinh, Malaysia hay Indonesia?

Hoa Kỳ cũng đã quyết định có một cách tiếp cận cứng rắn hơn với các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Washington yêu cầu Bắc Kinh và Đài Bắc phải giải thích yêu sách chủ quyền của cái gọi là “đường chín đoạn”, bao trùm hơn 80% diện tích Biển Đông, mà ngay cả nhiều người dân Trung Quốc cũng thấy là phi lý.

Vụ giàn khoan 981 cũng đã đẩy ASEAN xích lại gần Hoa Kỳ và ủng hộ cho chính sách xoay trục sang Châu Á của Washington. Đây là điều mà Bắc Kinh không hề muốn. Càng hung hăng Trung Quốc chỉ càng chuốc thêm nghi ngờ và tự cô lập mình mà thôi.
 

Giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (Ảnh: Reuters)
Giàn khoan 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (Ảnh: Reuters)

“Trỗi dậy hung hăng”

Có thể nói, hơn hai thập niên cố công xây dựng hình ảnh một cường quốc “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc đang có nguy cơ – nói theo ngôn ngữ của các nhà chuyên khoa - rơi vào tình trạng “thảm họa thẩm mỹ”. Vụ giàn khoan 981, và nhiều vụ trước đó, đã làm cho không những Việt Nam, ASEAN, mà có thể nói là cả thế giới nhận ra “dung nhan” thật sự của Bắc Kinh đằng sau mỹ từ “trỗi dậy hòa bình”. Thế giới đã chứng kiến một loại các hành xử thiếu trách nhiệm của một cường quốc mới, mà đáng lý ra người ta phải được chứng kiến ngược lại. 

Bắc Kinh đã tự làm xấu đi hình ảnh của mình hay nói theo kiểu dân gian là “tự lấy đá ghè vào chân mình”. Nhưng nhiều lúc họ lại đổ thừa cho nước khác.

Biển Đông là một vùng biển có ý nghĩa địa chính trị vô cùng quan trọng. Nó là đường hàng hải đông đúc thứ hai trên thế giới, trong khi nếu tính theo tổng lượng hàng hoá thương mại chuyển qua hàng năm, hơn 50% đi qua eo biển Malacca, eo biển Sunda, và eo biển Lombok. Hơn 1,6 triệu m³ (10 triệu thùng) dầu thô được chuyển qua eo biển Malacca hàng ngày. Vì vậy mà sự “trỗi dậy hung hăng” của Trung Quốc, nhất là tham vọng muốn biến Biển Đông thành cái “ao nhà” của họ, được nhiều người xem là mối đe dọa đối an ninh và ổn định không chỉ đối với khu vực mà còn là đối với toàn thế giới./.

Trần Nghĩa Sơn